Trong những năm qua, Tỉnh ủy Lào Cai đã lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung, ưu tiên nguồn lực, ban hành các chính sách hỗ trợ để giúp người nông dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần do đó tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt, cụ thể: Toàn tỉnh có 15.793 hộ nông dân đạt tiêu chí hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, chiếm 12,7% so với hộ sản xuất nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 5,47 triệu đồng/người (năm 2008) lên 26,184 triệu đồng/người/năm (năm 2020). Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh, bình quân đạt trên 5%/năm.
Người dân huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai phát triển kinh tế nhờ giống cây lê VH6 ( Lê Tai Nung).
Tỉnh Lào Cai luôn tích cực trong việc đầu tư phát triển y tế cơ sở, hiện có 18 phòng khám đa khoa khu vực trực thuộc các bệnh viện đa khoa và 152 trạm y tế trực thuộc trung tâm Y tế tuyến huyện, các phòng khám và trạm y tế được đầu tư nâng cấp trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh. Tỷ lệ trạm y tế có bác sỹ làm việc 40/152 (26,3%); tỷ lệ trạm y tế xã có hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi đạt 100%; số thôn bản có nhân viên y tế làm việc 1.318/1338 thôn đạt 98,5%; 152/152 trạm y tế có viên chức làm công tác dân số; tất cả các xã đều đạt chuẩn quốc gia về y tế. Về cơ bản ngành y tế tại các cơ sở đã đáp ứng được nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) được đẩy mạnh thông quan các hoạt động tuyên truyền; công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến...; tổ chức tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý đối với vi phạm trong lĩnh vực ATTP. Chủ động phòng ngừa, phát hiện nguy cơ, giảm thiểu các vụ ngộ độc gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản nhân dân. Tình hình dịch bệnh khu vực nông thôn cơ bản được kiểm soát tốt.
Xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai sản xuất chè theo mô hình chuẩn VietGAP.
Phát triển giáo dục ở nông thôn: Phổ cập giáo dục tiếp tục được củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng. Toàn tỉnh cơ bản đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học cấp độ 3; tỷ lệ học sinh trung học cơ sở lên học trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, học nghề đạt trên 80%. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tăng cường về số lượng, chuẩn hóa về chất lượng, 100% giáo viên đạt chuẩn trở lên.
Tỉnh Lào Cai luôn quan tâm, phát triển nền giáo dục trên toàn tỉnh.
Mạng lưới trường lớp được rà soát, sắp xếp phù hợp với địa hình, phân bố dân cư; cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân, mục tiêu nâng cao dân trí, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú phát triển mạnh và trở thành nòng cốt của giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được củng cố, duy trì và nâng cao mức độ đạt chuẩn; đã xóa mù chữ 12.948 người, nâng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi (15-60 tuổi) từ 90,3% năm 2015 lên 95,2% năm 2020. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, phong trào “Xây dựng cảnh quan trường lớp, xanh, sạch, đẹp” và Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tổng số xã hoàn thành Tiêu chí về giáo dục trong bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM là 95/127 xã, đạt 74,8% (tăng 52 xã so với năm 2010 và 26 xã so với năm 2015).
Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 80%; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 21,1% năm 2008 lên 56,89% năm 2020 hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 26-NQ/TW.
Môi trường nông thôn từng bước được cải thiện và có chuyển biến tích cực, các thói quen, hủ tục đã dần được cải tạo, xóa bỏ; công tác thu gom, xử lý chất thải trong sinh hoạt và sản xuất kinh doanh được đầu tư, thực hiện và quản lý chặt chẽ; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,04%; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, mô hình nhà sạch vườn đẹp được nhân dân tích cực hưởng ứng. Tỷ lệ các xã được thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đạt trên 79%; toàn tỉnh có 85/127 xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.
Công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo được quan tâm đầu tư. Với 31 điểm du lịch cộng đồng và 01 khu du lịch quốc gia, 300 cơ sở lưu trú dịch vụ homestay đã góp phần nâng cao đời sống và tạo việc làm cho trên 1000 lao động nông thôn.
Lễ hội Gầu Tào của người H'mông tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ quyết tâm, chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 tạo tiền đề thực hiện tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững; Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho dân cư nông thôn; Xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn; cải thiện nhanh điều kiện sinh sống ở các vùng nông thôn; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước, đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước... để đảm bảo công bằng xã hội ở nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân./.