11/01/2025 lúc 20:09 (GMT+7)
Breaking News

Lào Cai: Chủ động ứng phó với mưa lũ, thiên tai, đảm bảo an toàn ngày khai giảng năm học 2021-2022

UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành văn bản số 4009/UBND-NLN ngày 23/8/2021 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống và ứng phó trong mùa mưa lũ, thiên tai và đảm bảo an toàn ngày khai giảng năm học 2021-2022.

UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành văn bản số 4009/UBND-NLN ngày 23/8/2021 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống và ứng phó trong mùa mưa lũ, thiên tai và đảm bảo an toàn ngày khai giảng năm học 2021-2022.

Ảnh minh họa.

Văn bản nêu rõ, thời gian gần đây hiện tượng mưa to, dông lốc thường xảy ra trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại nhiều về tài sản, hoa màu. Hiện nay đang là thời kỳ cao điểm của các hiện tượng thiên tai (mưa to, dông, lốc, lũ quét, sạt lở đất…), có nguy cơ rất cao gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân. Để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra và chủ động sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, đồng thời chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới 2021-2022 an toàn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hưỡng dẫn, tập huấn bằng nhiều hình thức, phương pháp cho người dân để nâng cao nhận thức của cộng đồng, từ đó chủ động được trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục kịp thời hậu quả do những loại hình thiên tai xảy ra.

- Có kế hoạch và các biện pháp phù hợp phòng chống, ứng phó với mưa, lũ, dông, lốc tại các địa phương, đặc biệt là các điểm trường chuẩn bị ngày khai giảng năm học 2021-2022. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng xử lý các tình huống thiên tai bất thường, tạo mọi điều kiện để ngày khai giảng năm học 2021-2022 diễn ra theo đúng kế hoạch trước mọi tình huống thiên  tai. Chỉ đạo xây dựng phương án ứng phó với thiên tai đảm bảo an toàn cho các trường học, học sinh, đặc biệt là phương án ứng phó với mưa lớn, dông, lốc, ngập úng, chập điện, cây đổ, sơ tán học sinh, các trang thiết bị dạy và học, đảm bảo hậu cần, nhu yếu phẩm thiết yếu tại các điểm sơ tán học sinh…

- Khẩn trương di chuyển ngay những hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… đến nơi an toàn theo Phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2944/QĐ-UBND ngày 17/8/2021.

- Thực hiện nghiêm túc Phương án Phòng chống thiên tai đã ban hành theo đúng quy định của Luật Phòng, chống thiên tai; chủ động phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai để đối phó kịp thời, linh động, hiệu quả với các dạng thiên tai thường xảy ra trên địa bàn. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h.

- Chủ động lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo cung cấp các dịch vụ hậu cần về lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, chăm sóc sức khỏe cho người dân, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, giúp đỡ các gia đình bị nạn, chăm lo đời sống cho nhân dân vùng thiệt hại khi có thiên tai xảy ra. Đặc biệt là vùng thường xuyên bị chia cắt ở vùng sâu, vùng xa khó khăn giao thông trong mùa mưa. Chủ động bố trí ngân sách địa phương, kinh phí của đơn vị, huy động và xã hội hóa các nguồn lực hợp pháp, huy động các doanh nghiệp tham gia hoạt động phòng ngừa, ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT: Chỉ đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức, theo dõi diễn biến thời tiết, thủy văn để cảnh báo cho nhân dân; kịp thời triển khai các Công điện, Văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh, đôn đốc kiểm tra Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nghiêm công tác trực ban, bảo đảm cung cấp thông tin đến được người dân đầy đủ nhanh chóng và có biện pháp ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra. Phối hợp chỉ đạo sơ tán học sinh, trang thiết bị dạy và học của nhà trường khi có sự cố, thiên tai.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo: Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt phương án phóng ngừa, ứng phó với thiên tai tại các điểm trường trong năm học mới bảo đảm an toàn trước mọi tình huống thiên tai cho các trường học, học sinh để tổ chức thực hiện ngày khai giảng năm học 2021-2022. Phối hợp với UBND cấp huyện, các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra các trường học, lớp học đảm bảo an toàn trong mùa mưa, bão cho giáo viên và học sinh. Có kế hoạch khắc phục các sự cố, mưa, lũ đảm bảo tổ chức thực hiện tốt ngày khai giảng năm học 2021-2022.

4. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh: Thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời diễn biến khí tượng thủy văn phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai trên địa bàn tỉnh. Dự báo sớm, cảnh báo kịp thời về cấp độ, phạm vi ảnh hưởng diễn biến khí tượng, thủy văn và thiên tai, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các Sở ngành, cơ quan chức năng liên quan và cơ quan thông tin đại chúng để thông báo cho các tổ chức, nhân dân biết chủ động phòng tránh, ứng phó.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Lào Cai, các cơ quan thông tấn thường trú trên địa bàn tỉnh: Cập nhật và kịp thời đăng tải, phát tin, truyền tin về diễn biến thời tiết, thiên tai, thông tin chỉ đạo của Trung ương, của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đến các cấp chính quyền, nhân dân. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống, ứng phó, các nội dung, hoạt động về công tác Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến cộng đồng, người dân để chủ động phòng tránh.

6. Các Sở, ngành khác có liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nhiệm vụ được phân công là thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phương án và thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để chủ động tham gia ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai./.