27/12/2024 lúc 06:31 (GMT+7)
Breaking News

Lào Cai: Cầu nối kinh tế giữa Việt Nam, ASEAN và vùng Tây Nam Trung Quốc

Lào Cai giữ vai trò quan trọng như cầu nối kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với Tây Nam Trung Quốc. Với cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu, tỉnh Lào Cai luôn tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư, mở ra cơ hội phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực. Trên thực tế, việc đầu tư vào hạ tầng và phát triển các dịch vụ giao thương đã giúp Lào Cai khẳng định vị thế của mình trong mạng lưới kinh tế đất nước và khu vực..

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu

Lào Cai, với vị trí trung tâm kết nối các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc, giữ vai trò quan trọng trong việc liên kết kinh tế giữa các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Cơ sở quan trọng để tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện, cả chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, đối ngoại Nhân dân, khoa học, quốc phòng và an ninh là Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, thuộc hành lang kinh tế của Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) được Ngân hàng Phát triển châu Á (Về chính trị, sau khi thiết lập quan hệ, hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc) đã duy trì mỗi năm nhiều cuộc gặp gỡ, giao lưu, hợp tác. Dấu mốc quan trọng nhất là tháng 4 năm 2004, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Bùi Quang Vinh nhận lời mời sang thăm và hội đàm với đồng chí Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) Từ Vinh Khải tại Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và hai người đứng đầu chính quyền, chính phủ hai tỉnh tiếp tục hội đàm tại thị xã Sa Pa (Lào Cai) sau đó 2 tháng.

Sáng kiến ngoại giao gần đây nhất mà tỉnh Lào Cai tham gia là hội đàm giữa Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) với 4 tỉnh biên giới của Việt Nam, gồm Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Hà Giang. Năm 2023 lãnh đạo 5 tỉnh tổ chức hội đàm lần thứ 3, hội đàm trực tiếp (sau 2 lần hội đàm trực tuyến do Covid - 19) tại tỉnh Hà Giang (Việt Nam). Hợp tác về chính trị đã mở đường cho đẩy mạnh hợp tác về thương mại, xuất - nhập khẩu hàng hóa giữa tỉnh Lào Cai với Vân Nam (Trung Quốc). Kim ngạch xuất - nhập hàng hóa (không kể những năm Covid - 19) giữa hai tỉnh liên tục tăng trưởng, có thời điềm mức tăng duy trì trung bình 20%/năm..

Không chỉ là quan hệ song phương giữa các tỉnh biên giới hai nước, Lào Cai còn được hưởng lợi từ những chính sách kinh tế mở cửa của Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế. Nhà nước và Chính phủ đã tăng cường mối quan hệ kinh tế song phương, đa phương, đặc biệt là với các nước láng giềng như Trung Quốc. Điều này mang lại sự ưu tiên về vốn đầu tư và các chính sách hỗ trợ, thuận lợi cho các doanh nghiệp địa phương phát triển các hoạt động kinh tế đối ngoại. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, với dân số đông và có nhu cầu cao về các mặt hàng nông sản như cao su, trái cây, và các sản phẩm nông nghiệp khác. Với đường biên giới giáp tỉnh Vân Nam, Lào Cai có khả năng cung cấp nhanh chóng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc.

Chính quyền tỉnh Lào Cai đã đầu tư mạnh mẽ vào khu kinh tế cửa khẩu với mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển các ngành dịch vụ như logistics và thương mại điện tử, tạo điều kiện cho việc xuất nhập khẩu và mở rộng thị trường. Việc đầu tư này không chỉ cải thiện cơ sở hạ tầng địa phương mà còn mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người dân. Đồng thời, tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để theo dõi và ứng phó với các biện pháp bảo hộ mậu dịch, hàng rào kỹ thuật từ phía Trung Quốc đối với hàng hóa Việt Nam. Tỉnh thường xuyên phổ biến, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn này, tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ, và khoáng sản từ Lào Cai đáp ứng yêu cầu của thị trường lớn như Trung Quốc.

Tỉnh Lào Cai thường duy trì liên hệ chặt chẽ với Thương vụ Việt Nam tại Côn Minh để nắm bắt chính sách thương mại của phía bạn và cung cấp thông tin kịp thời cho doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, tỉnh hỗ trợ kết nối doanh nghiệp hai bên, mở rộng cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực logistics và đầu tư, giúp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Thị trường Trung Quốc mang đến nhiều cơ hội lớn để các sản phẩm của Lào Cai tăng giá trị xuất khẩu, thu hút thêm đầu tư và phát triển kinh tế đối ngoại. Về kinh tế, tỉnh Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc) còn đẩy mạnh hợp tác, kết nối giao thông, hợp tác về sản xuất nông nghiệp, du lịch và mở rộng giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao. Ngoài ra còn là sự hợp tác trong công tác quản lý biên giới, quản lý cửa khẩu, phòng chống tội phạm giữa các lực lượng chuyên trách của hai tỉnh.

Lào Cai với những địa điểm du lịch nổi tiếng như: Sa Pa, Bát Xát và Simacai

Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đã triển khai các chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy kinh tế biên giới và tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp hai bên. Trong đó, các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như miễn thuế trong 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo, đã giúp giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp đầu tư vào các khu vực nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn tại vùng biên giới theo Nghị định 114/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, đã góp phần mang lại lợi ích lớn cho các doanh nghiệp cần mở rộng sản xuất, cải thiện cơ hội tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn.

Cùng với hỗ trợ thuế và vốn, các chính sách về ưu đãi đất đai cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí khi đầu tư vào mặt bằng. Theo Luật Đất đai 2013, nhiều doanh nghiệp tại khu vực biên giới như Lào Cai có thể được miễn hoặc giảm tiền thuế đất, nhất là các dự án nông nghiệp có quy mô lớn. Ngoài ra, chính phủ đầu tư mạnh vào phát triển hạ tầng tại biên giới, như đường giao thông, hệ thống logistics, và hải quan, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc. Các chính sách này không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững mà còn góp phần nâng cao tiềm năng thương mại của các tỉnh biên giới của nước ta.

Một thế mạnh nữa của tỉnh Lào Cai, với điều kiện tự nhiên phong phú đã trở thành một điểm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế hấp dẫn, đứng đầu khu vực Tây Bắc: kinh tế du lịch đã đóng góp khoảng 15% tổng GRDP của tỉnh. Sự gia tăng lượng khách du lịch không chỉ mang lại doanh thu lớn mà còn thúc đẩy thương mại địa phương, với nhu cầu tiêu dùng tăng cao, qua đó hỗ trợ phát triển các sản phẩm địa phương và ngành dịch vụ. Các danh thắng nổi tiếng như Sa Pa và đỉnh Phan Xi Păng là những điểm đến thu hút hàng triệu du khách mỗi năm, đồng thời tạo cơ hội cho việc buôn bán các sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương.

Bên cạnh đó, Lào Cai còn là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư với 27 dự án FDI đang hoạt động, tổng vốn đăng ký đạt gần 686 triệu USD. Tỉnh đã thu hút trên 40 dự án đầu tư quy mô lớn trong lĩnh vực du lịch, với tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng. Theo số liệu thống kê kinh tế quý I/2024, kinh tế của Lào Cai tiếp tục có những dấu hiệu tích cực, với kim ngạch xuất khẩu đạt 532,27 triệu USD và giải ngân vốn đầu tư công lên đến 1.223 tỷ đồng, cao hơn 306 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Sự phát triển kinh tế này kéo theo nhu cầu về hạ tầng, trụ sở doanh nghiệp, và nhu cầu an cư của cư dân, tạo nên bức tranh phát triển sôi động tại thành phố cửa khẩu.

Mới đây, cụ thể hóa nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xuất phát từ vị trí địa chính trị, địa kinh tế, với mục tiêu đặt ra trong giai đoạn tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục xây dựng Đề án “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc”… Mục tiêu đặt ra là xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên kết cả nước và quốc tế; phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai là đầu mối trung tâm trung chuyển hàng hóa, trung tâm logistics lớn trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS); phát triển Lào Cai trở thành trung tâm dịch vụ về tài chính, du lịch, thương mại, tổ chức sự kiện mang tầm quốc tế; góp phần đưa tỉnh Lào Cai đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển của vùng Trung du miền núi phía Bắc và là tỉnh phát triển khá của cả nước; văn hóa - xã hội - đời sống Nhân dân khá giả, hạnh phúc. Đến năm 2050, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh Lào Cai không chỉ là cửa ngõ quan trọng cho giao thương mà còn là trung tâm kết nối thương mại giữa hai nền kinh tế lớn. Sự phát triển của khu kinh tế cửa khẩu và việc tận dụng thị trường Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân và khẳng định vị thế của Lào Cai trong mạng lưới kinh tế khu vực.

Nguyễn Phương Anh

...