VNHN- Những người dân ở làng mắm Nam Ô, thành phố Đà Nẵng đang phải đối diện với một thực tiễn không mấy vui: làng nghề đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong năm 2019, song thực lực phát triển bảo tồn nghề này lại không toàn vẹn, trong chính tổ chức của làng.
Theo nhìn nhận của lãnh đạo sở Công Thương Đà Nẵng, đơn vị đang trực tiếp có nhiều hoạt động hỗ trợ làng nghề nước mắm Nam Ô, thì làng nghề này không những đang bị hạn chế về số hộ gia đình tham gia sản xuất, mà những điều kiện cần thiết để quy hoạch bảo tồn cũng đang thiếu. Đây là lý do để nhiều năm qua, Nam Ô cứ phải chật vật xoay xở, tính toán, mà người dân chưa thể đưa sản phẩm truyền thống của mình rộng rãi ra thị trường, tự đánh mất đi rất nhiều cơ hội làm ăn.
Lễ cầu ngư của làng Nam Ô
Thăng trầm làng cũ nghề xưa
Nói đến nước mắm Nam Ô, hầu như người dân Đà Nẵng nào cũng đưa ra những ý kiến đầy tự hào. Bởi lẽ làng nghề này, theo ghi nhận lịch sử, đã tồn tại 700 năm dưới chân đèo Hải Vân, là mảnh đất địa đầu ghi dấu nhiều biến cố thăng trầm. Từ sự tích Huyền Trân Công Chúa sang Chiêm đổi đất, đến quá trình khai hoang phục hóa vùng biển Đà Nẵng, tạo ra những làng chài người Việt tịnh tiến về nam dưới triều Minh Mệnh, rồi gần hơn nữa là vùng đất dôi ra biển nằm dưới tầm pháo kích ném bom của cả 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, làng Nam Ô được coi là địa chỉ quần cư, thu góp những con người bất hạnh trong cuộc sống về an phận làm ăn.
Nước mắm Nam Ô, là sản phẩm kết tinh ở vùng đất này, từ những con cá cơm theo dòng nước ấm mùa xuân vào vịnh Đà Nẵng, những hạt muối Sa Huỳnh thấm rục trong kho chứa, qua công thức ủ chượp đậm chất tinh túy Chăm mà thành. Vị mặn và mùi thơm đặc trưng đã giúp những giọt nước mắm nơi đây thành sản vật quý, được chọn tiến cống cho bếp ăn cung đình triều Nguyễn. Người Nam Ô từng được ghi nhận quy mô sản xuất hoành tráng của làng nghề, với những bãi lu mắm giăng đầy và thuyền lớn thuyền nhỏ cập bờ xúc muối.
Tuy nhiên, bởi những biến động trong chính sách quản lý và sản xuất, làng nghề Nam Ô sau 1975 đã biến cải thành làng pháo Nam Ô, một thời rực rỡ với tiếng pháo giòn tan, đẩy lùi nghề mắm truyền thống vào dĩ vãng. Sau khi pháo đốt bị cấm lưu hành, Nam Ô lại loay hoay tìm phương kế khác để tồn tại, và câu chuyện làm mắm lại đặt ra. May mắn cho đến nay, là nghiệp làm mắm vẫn được người dân bảo lưu với những lu thạp trong nhà, tự cấp tự túc. Nhà khá giả thì vài chục lu, nhà neo chiếc cũng có dăm ba thạp. Cứ thế, hoạt động sản xuất mắm Nam Ô vẫn duy trì, nhưng không được đầy đủ. Dần theo năm tháng, làng nghề nước mắm danh tiếng một thời ngày càng thu hẹp quy mô và năng lực, chỉ còn là câu chuyện trong lòng người làng.
Thạp sản xuất nước mắm gia đình tại làng Nam Ô
Bất lực trước cơ hội lớn?
Theo lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), nhằm khôi phục làng nghề truyền thống cùng những giá trị văn hóa đặc sắc, trong gần 4 năm qua, địa phương đã cố gắng xây dựng bộ hồ sơ xin chứng nhận di sản cho làng nghề nước mắm Nam Ô. Kết quả, mùa hè 2019, người dân Nam Ô hớn hở nhận thông tin nghề truyền thống của làng đã vào danh mục di sản.
Nhưng khi đã có được chứng nhận mơ ước, người làng Nam Ô lại phải đối mặt với câu chuyện thực tiễn, liệu làng có hội đủ những điều kiện để duy trì và phát triển nghề truyền thống? Ông Trần Ngọc Vinh, đại diện Hiệp hội làng nghề nước mắm Nam Ô thổ lộ, nếu không sớm nhìn nhận đúng những vấn đề mà làng nghề không làm được, để lập tức thay đổi, bằng chứng nhận làng nghề di sản sẽ chỉ mãi là một tờ giấy mà thôi.
Theo ông Vinh, có 3 vấn đề trực tiếp đang đặt ra với làng nghề Nam Ô.
Những chiếc thúng đánh bắt cá đang nằm bờ
Đó là nguồn cá cơm tại chỗ ngày càng khan hiếm, cùng nguồn muối sản xuất không được bảo đảm. Chủ trương ngành thủy sản những năm qua hạn chế đánh bắt gần bờ, buộc dừng hoạt động những tàu dưới 20 CV, đã khiến ngư dân Nam Ô không thể khai thác nguồn cá bản địa nữa.
Thứ hai, cơ hội nghề nghiệp trong xã hội gia tăng, tư duy nhận thức nhiều người thay đổi, khiến nghề làm mắm không được người làng Nam Ô đề cao, số hộ chuyên sản xuất ngày càng ít. Hiệp hội làng nghề Nam Ô đến nay cũng chỉ còn hơn 50 hộ thành viên. Nhất là, chủ trương của thành phố Đà Nẵng trong một thời gian dài không cho phát triển sản xuất tại hộ gia đình, càng khiến hoạt động làm mắm địa phương bị trở ngại.
Thứ ba, những biến động về quy hoạch đất đai suốt 10 năm gần đây đã tác động tiêu cực đến làng Nam Ô, nhiều hộ dân phải di dời giải tỏa và phạm vi làng ngày một thu hẹp. Đất sản xuất tại làng hầu như không còn nữa, đặc biệt là địa giới hành chính của làng Nam Ô nằm giữa 2 phường Hòa Hiệp càng khiến việc định dạng đầu tư cho làng nghề thiếu sức mạnh tập trung.
Bởi những lý do đó, người làng Nam Ô gần như loay hoay không biết sẽ xử lý thế nào với thực trạng không còn thuận lợi để bảo tồn làng nghề. Để mong nắm vững cơ hội di sản văn hóa, nâng tầm giá trị thương hiệu nước mắm Nam Ô hơn 700 năm lịch sử, người dân Nam Ô đang rất cần có chiến lược bảo tồn và các giải pháp căn cơ để tổ chức sản xuất quy mô trở lại. Rất mong các cơ quan quản lý cùng chính quyền quận Liên Chiểu sẽ đồng hành cùng người dân để tháo gỡ thực trạng đầy gian nan này của Nam Ô./.