26/11/2024 lúc 17:34 (GMT+7)
Breaking News

Làng nghề trầm hương vào xuân

Cuối năm, không khí tết cận kề cũng là lúc bà con làng nghề sản xuất cây dó trầm tại xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh hối hả vào vụ để kịp cung ứng cho mọi nhà vui tết đón.
Vườn cây dó trầm, cây kinh tế mũi nhọn ở Phúc Trạch Hương Khê

Từ lâu xã Phúc Trạch đã trở thành thủ phủ của cây dó trầm, đây không chỉ là cây xoá đói giảm nghèo mà còn là cây giúp bà con vươn lên làm giàu. Nhận thấy giá trị từ cây dó trầm mang lại rất cao, không chỉ là cung cấp trầm thô mà những sản phẩm được tinh chế từ loại cây này cũng vô cùng phong phú và có giá trị kinh tế rất cao nên những năm gần đây người dân địa phương đã mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm, đầu tư máy móc trang thiết bị để chế tác các sản phẩm từ cây dó trầm.

Sản phẩm trầm hương làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Thông qua các kênh bán hàng trên các nền tảng xã hội như face book, Zalo...và các hội chợ được tổ chức thường niên của tỉnh Hà Tĩnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của trầm hương ngày càng mở rộng đến các thành phố lớn và sang cả nước ngoài.

Về Phúc Trạch những ngày này đi đâu cũng phảng phất hương thơm đặc trưng thoang thoảng, dịu nhẹ khắp xóm làng. Trao đổi với phóng viên, chị Võ Thị Nga (trú tại thôn 8, xã Phúc Trạch) chia sẻ: Chúng tôi sản xuất các sản phẩm từ cây dó trầm quanh năm, nhưng gần tết nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao hơn, do đó tốc độ chế tác cũng phải khẩn trương hơn. Gần tết, có ngày chúng tôi bán được cả 100 triệu tiền trầm. Còn cây trầm cảnh được chế tác từ dó trầm rẻ nhất cũng 10 triệu đồng, cây “gia bảo” có giá cả “nửa tỷ”.

Dó trầm xã Phúc Trạch được mọi người biết đến với những sản phẩm trầm hương riêng biệt từ cây dó bầu. Tuy nhiên, đặc biệt nhất vẫn là hương trầm. Về xã Phúc Trạch trong những ngày cuối năm, từ đầu làng đến cuối làng, đâu đâu cũng ngửi thấy mùi hương trầm phảng phất trong gió. Hương trầm của Phúc Trạch có mùi thơm dịu nhẹ, không khắt nồng. Khác với các sản phẩm hương khác, hương trầm của Phúc Trạch còn có thành phần là trầm hương của cây dó bầu. Chính những điểm khác biệt của hương trầm này mà đến hẹn lại lên, người dân lại săn mua cho kỳ được những nén hương trầm Phúc Trạch để về thắp lên làm lễ ở bàn thờ gia tiên mỗi dịp tết đến xuân về.

Người Phúc Trạch tự hào đưa hương đi khắp mọi miền

Trao đổi với phóng viên DNVN anh Nguyễn Thức Chính, (thôn 1, xã Phúc Trạch) cho biết: “Vụ Tết, cơ sở của tôi xuất ra thị trường khoảng hơn 50.000 thẻ hương tương đương 3 tấn bột; hơn 1.000 hộp hương nụ với giá từ 300 – 400 ngàn đồng…Mỗi tết doanh thu gia đình tôi đạt được từ 600 – 700 triệu đồng. Ngoài các lao động thường xuyên thì riêng vụ Tết gia đình tôi phải thuê thêm 10 lao động địa phương để kịp nguồn hàng.”

Các sản phẩm từ cây dó trầm được khách hàng đặc biệt ưa chuộng với nhiều sản phẩm đa dạng như hương trầm, cây cảnh, vòng trầm…Với quan niệm dùng trầm để trừ tà, khử uế, chiêu tài, đem lại may mắn, bình an, sức khoẻ…cho người dùng nên càng ngày thị trường trầm càng mở rộng không chỉ trong nước mà còn bán ra cả nước ngoài.

Cũng theo chị Nga, vòng trầm được sản xuất tuỳ vào nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng. Khách đặt thế nào thì chúng tôi sẽ làm như vậy với mức giá giao động từ 1 triệu đồng đến 300 triệu đồng. Trầm tự nhiên sẽ có giá từ 24-40 triệu đồng/kg, trầm nhân tạo rẻ hơn chỉ 15 triệu đồng/kg.

Sở dĩ trầm hương ngày càng được nhiều người biết đến bởi nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, người bán cũng thông qua mạng xã hội, qua các kỳ hội chợ trong và ngoài tỉnh mà giới thiệu nhiều mặt hàng giá trị, chất lượng đến đông đảo người tiêu dùng.

Các cơ sở sản xuất trầm hương trên địa bàn xã Phúc Trạch tranh thủ thời tiết nắng ráo tiến hành phơi nắng, hoặc sấy khô để hoàn thiện sản phẩm.

Trầm hương mang đến hương thơm nhẹ nhàng với mùi gỗ vừa ấm áp vừa thanh khiết được đông đảo người dân tin dùng. Những năm gần đây ngoài việc sử dụng các phương pháp sản xuất truyền thống, các cơ sở sản xuất hương trầm Phúc Trạch còn kết hợp với máy móc hiện đại. Nhiều năm trở lại đây, hương sản xuất ra không chỉ dồi dào về số lượng mà chất lượng cũng bảo đảm hơn.

Ông Trần Quốc Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết: Xã Phúc Trạch có gần 2.000 hộ dân trồng, với diện tích khoảng khoảng trên 300 ha diện tích trồng cây dó trầm. Nghề làm hương trầm xuất hiện thời gian sau này nhưng nhiều cơ sở sản xuất hương đã tiêu thụ rộng rãi khắp cả nước, đem lại thu nhập cao cho người dân trong dịp Tết.

Mùa xuân mới với những hy vọng tốt lành đã và đang đến thật gần, trong niềm vui mới làng nghề trầm hương xã Phúc Trạch lại càng hân hoan, tất bật và sung túc hơn với những sản phẩm tuyệt mỹ từ cây dó trầm. Đặc biêt, là những búp hương trầm hương thơm dịu nhẹ, thanh khiết được thắp lên bàn thờ gia tiên với mong muốn mang lại nhiều may mắn, bình an và no ấm cho mọi nhà.

Hoàng Hằng 

...