02/05/2024 lúc 10:12 (GMT+7)
Breaking News

Lặng ngẫm về mùa Vu Lan

VNHNO - Lễ Vu Lan bắt nguồn từ câu chuyện về lòng hiếu thảo của Bồ Tát Mục Kiền Liên đối với mẹ. Theo kinh “Vu Lan Bồn”, sau khi đã chứng quả A La Hán, Bồ Tát Mục Kiền Liên nhớ về mẫu thân nên đã dùng huệ nhãn nhìn xuống cõi khổ và thấy mẹ mình bị đọa vào kiếp ngạ quỷ nơi địa ngục A Tì.

VNHNO - Lễ Vu Lan bắt nguồn từ câu chuyện về lòng hiếu thảo của Bồ Tát Mục Kiền Liên đối với mẹ. Theo kinh “Vu Lan Bồn”, sau khi đã chứng quả A La Hán, Bồ Tát Mục Kiền Liên nhớ về mẫu thân nên đã dùng huệ nhãn nhìn xuống cõi khổ và thấy mẹ mình bị đọa vào kiếp ngạ quỷ nơi địa ngục A Tì.

Người dân thường làm lễ phóng sinh mỗi mùa Vu Lan

Vu Lan - lễ báo hiếu không chỉ là một đặc trưng riêng của Phật giáo mà đã trở thành một nét đẹp văn hóa chung của người dân Việt Nam. Những người con đất Việt từ bao đời nay có truyền thống biết ơn, hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Lễ Vu Lan góp phần tô đậm thêm văn hóa tốt đẹp đó. Báo hiếu không chỉ được thực hiện trong mùa Vu Lan nhưng đây là dịp để con cháu được suy ngẫm và thể hiện sự thành kính, thương nhớ cũng như những lời ăn năn, sám hối.

Lễ Vu lan được xuất phát từ câu chuyện tôn giả Mục Kiều Liên tụng niệm cứu mẹ. Tích xưa nhà Phật kể lại rằng bà Thanh Đề - mẹ của Mục Kiều Liên do lúc còn sống sinh nhiều ác nghiệt nên khi chết bị đọa vào cõi ngạ quỷ (quỷ đói). Quá thương xót mẹ, Mục Kiều Liên về bộc bạch với Đức Phật và xin chỉ dạy cách cứu rỗi mẹ mình.

Đức Phật chỉ cho ông phải thành kính đi rước chư tăng khắp mười phương, nhờ công đức cầu nguyện, uy đức của chúng tăng khắp mọi nơi, hiệp sức cứu rỗi để linh hồn mẹ Mục Kiều Liên thoát khỏi khổ đạo. Mục Kiều Liên làm như lời Phật dạy, quả nhiên vong linh mẹ ông thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sinh về cảnh giới lành. Từ đó, Phật giáo lấy ngày rằm tháng 7 hằng năm là ngày lễ quan trọng và đặt tên là lễ Vu Lan.

Lễ Vu Lan được tổ chức ở tất cả các chùa với các nghi thức như: Dâng hoa cúng dường, cảm niệm Vu Lan, đọc kinh, sư thầy giáo huấn, phóng sinh tích đức… Năm nào, lễ Vu Lan cũng diễn ra hết sức xúc động. Khi nghe sư thầy đọc kinh, giáo huấn, có những giọt nước mắt khẽ rơi, rơi vì biết ơn, vì thành kính hay cũng vì sám hối, ăn năn…

Văn hóa Việt Nam có rất nhiều quan niệm về đạo hạnh của một con người nhưng quan niệm nào cũng lấy chữ “hiếu” làm đầu. Có lẽ một phần vì thế, Vu Lan không chỉ được tổ chức ở những nơi linh thiêng như đình chùa mà còn thấp thoáng ở trong những gia đình Việt. Rằm tháng 7 còn được coi là ngày vong hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng ta được xá tội. Vậy nên, ai cũng mong muốn chuẩn bị mâm cỗ cúng tươm tất để tạ lễ chu đáo đối với bậc sinh thành. Tất cả thành viên trong gia đình ngồi quây quần xung quanh mâm cơm để cùng ôn lại kỉ niệm và ý thức sâu sắc hơn về đạo hiếu trong gia đình.

Tiếng kinh Vu Lan, lời giáo huấn ân cần và gần gũi của sư thầy, nén hương thắp trên bàn thờ tổ tiên… như một nốt lặng để mỗi con người trong chúng ta tự soi lại bản thân mình và tự trả lời cho những câu hỏi về chữ hiếu đã được thực hiện tròn vẹn hay chưa. Lễ Vu Lan ngày càng đi sâu vào tâm thức người Việt bởi ý nghĩa xã hội to lớn và sức lan tỏa mạnh mẽ của sự gìn giữ truyền thống hiếu thảo đang có xu hướng bị thay đổi mai một trong xã hội hiện đại./.