19/01/2025 lúc 10:24 (GMT+7)
Breaking News

Bình Thuận chủ động ứng phó với thời tiết xấu

VNHNO - Bước vào cao điểm mùa mưa, bão, dự báo tình hình thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, số trận mưa to và lũ xuất hiện nhiều hơn. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, khoảng 8 - 10 cơn bão sẽ đổ bộ vào đất liền và khoảng 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Bình Thuận.

VNHNO - Bước vào cao điểm mùa mưa, bão, dự báo tình hình thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, số trận mưa to và lũ xuất hiện nhiều hơn. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, khoảng 8 - 10 cơn bão sẽ đổ bộ vào đất liền và khoảng 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Bình Thuận.

Người dân và các cán bộ địa phương tích cực chuẩn bị ứng phó với bão

Để chủ động phòng tránh, ứng phó và nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kiểm tra, rà soát những vùng trọng điểm xung yếu, vùng thường xảy ra thiên tai; có phương án, kế hoạch sơ tán, di dời dân cư ở vùng ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão mạnh đổ bộ và vùng ảnh hưởng của lũ, ngập lụt... Bên cạnh đó, Bình Thuận chuẩn bị lực lượng, phương tiện cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ” từ cấp huyện, xã đến từng hộ gia đình; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường quản lý, hướng dẫn người dân sản xuất theo đúng quy hoạch, có biện pháp đảm bảo an toàn khi xảy ra thiên tai để giảm thiểu thiệt hại.

Các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, xác định và cắm biển cảnh báo khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, từng khu vực, thôn, xóm, khu dân cư, công trình công cộng, tuyến đường giao thông, khu vực sản xuất để người dân biết, chủ động di dời, sơ tán bảo đảm an toàn khi xảy ra mưa, lũ lớn. Ngoài ra, các địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống thiên tai.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh rà soát, kiểm tra, quản lý tàu thuyền đi đánh bắt xa bờ; nắm chắc thông tin liên lạc với tàu thuyền để phục vụ tốt công tác ứng cứu, kêu gọi vào bờ khi có thiên tai. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra các công trình an toàn hồ chứa nước, đập thủy điện, kịp thời khắc phục hư hỏng; tổ chức trực ban theo dõi tình hình mưa, lũ để tích nước, điều tiết xả lũ hợp lý. Trước khi xả lũ phải thông báo kịp thời cho chính quyền và nhân dân biết để chủ động trong thu hoạch diện tích nông nghiệp, đảm bảo an toàn công trình, nhà cửa, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân vùng hạ du.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, trong 7 tháng năm 2018, tình hình thiên tai trên địa bàn diễn biến phức tạp với nhiều loại hình như: Sóng lớn, triều cường làm sạt lở ven biển; hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra; gió lốc xoáy, sét, mưa lớn làm ngập lụt xảy ra ở nhiều nơi… Thiên tai đã làm 2 người chết; sập, tốc mái, hư hỏng 19 căn nhà; diện tích bị thiệt hại về nông nghiệp hơn 2.500 ha. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 30 tỷ đồng. Ngoài ra, trên biển đã xảy ra 60 vụ tai nạn, sự cố, làm chết 31 người, mất tích 11 người, bị thương 5 người, chìm 15 tàu cá, hư hỏng 6 tàu cá khác./.

Theo TTXVN