22/11/2024 lúc 03:10 (GMT+7)
Breaking News

Lâm Đồng cơ cấu lại, phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, hữu cơ, hình thành chuỗi giá trị

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 415/TB-VPCP ngày 13/9/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.

Thông báo kết luận nêu rõ, thời gian qua, với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Lâm Đồng, kinh tế - xã hội của Tỉnh phát triển tích cực, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 5,63%, GRDP bình quân đầu người đạt 86,12 triệu đồng/người (cao nhất vùng Tây Nguyên); thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm 2024 đạt gần 7,9 nghìn tỷ đồng; du lịch tăng 8%. Lâm Đồng là tỉnh đi đầu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu nhập trên đơn vị diện tích đạt 245 triệu đồng/ha; có 109/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực, bản sắc văn hóa được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; chú trọng thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo.

Tuy nhiên, Lâm Đồng còn những khó khăn, hạn chế, thách thức cần quan tâm tháo gỡ, xử lý, giải quyết như: Phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành động lực kinh tế của khu vực Tây Nguyên; chuyển dịch kinh tế còn chậm, năng lực cạnh tranh giảm sút so với trước, thu hút đầu tư không đạt yêu cầu; giải ngân vốn đầu tư công chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, tính kết nối chưa cao...

Tập trung 3 đột phá chiến lược riêng của tỉnh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, ngoài 3 đột phá chiến lược theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, Lâm Đồng cần tập trung 3 đột phá chiến lược riêng của Tỉnh: 1- Tập trung phát triển, ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp; 2- Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, chống biến đổi khí hậu, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí; 3- Tập trung nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao và chống biến đổi khí hậu.

Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền kiến tạo, chính sách thông thoáng, giao thông thông suốt, quản trị thông minh. 

Huy động tối đa mọi nguồn lực, nhất là hợp tác công tư để phát triển hạ tầng, cơ cấu lại phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, hữu cơ, hình thành chuỗi giá trị cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư. 

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch, dịch vụ; phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường...  

Cơ cấu lại, phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, hữu cơ, hình thành chuỗi giá trị

Tỉnh Lâm Đồng cần chú trọng công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm, ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng; tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng thông qua việc tham gia thị trường tín chỉ các bon. 

Cơ cấu lại, phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, hữu cơ, hình thành chuỗi giá trị. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo để nâng cao giá trị gia tăng, gắn với xây dựng thương hiệu. Tiếp tục đẩy mạnh, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch chất lượng cao với nhiều loại hình du lịch.  

Bên cạnh đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ. Có chính sách đãi ngộ và thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, thực hiện giảm nghèo bền vững, chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, dân tộc.

Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân vững chắc. Phải gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, tạo môi trường đầu tư an toàn, lành mạnh, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung triển khai đề án 06, nâng cao hiệu quả công vụ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên để táng cường, củng cố niềm tin của nhân dân. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.

Xuân Nam