Theo các nhà quan sát, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc, tổ chức tại Trùng Khánh (Trung Quốc) từ ngày 7-8/6, mang nhiều "ý nghĩa đặc biệt".
Tại Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc (SACFMM) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ sáu (MLC-6), hai bên sẽ có các cuộc thảo luận toàn diện về việc cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19, tăng cường phát triển kinh tế, thúc đẩy các mối quan hệ song phương tiến về phía trước, cùng nhiều vấn đề khác.
Chung tay phục hồi sau đại dịch
Ngày 6/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ tham dự hai Hội nghị đặc biệt nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc này.
Theo ông Uông Văn Bân, năm nay kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN - điều được coi là có ý nghĩa đặc biệt đối với việc xây dựng các mối quan hệ song phương dựa trên những thành tựu trong quá khứ và theo đuổi tiến bộ mới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lưu ý, việc hai bên tổ chức các cuộc gặp trực tiếp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp cho thấy các nước coi trọng và đặt nhiều kỳ vọng vào mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN trong tình hình mới.
Đồng quan điểm này, cựu đại sứ Malaysia tại Trung Quốc Abdul Majid Ahmad Khan cho biết, quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN đã phát triển mạnh mẽ kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ đối thoại cách đây 30 năm, mang lại những kết quả rõ ràng trong hợp tác toàn diện và những nỗ lực chung chống lại đại dịch Covid-19.
Cựu Đại sứ Malaysia đánh giá: “Trong 30 năm qua, mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc là một hình mẫu cho hợp tác khu vực. Sau 30 năm, lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau đã tăng lên, điều này có thể được nhìn thấy từ những hiệu quả cụ thể từ sự hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc".
Theo ông Abdul Majid Ahmad Khan, nỗ lực chung chống Covid-19 giữa ASEAN và Trung Quốc, bao gồm việc hai bên hỗ trợ y tế và các nhóm chuyên gia, là "những dấu hiệu rất tích cực về mối quan hệ năng động và cùng có lợi".
Ông Trần Hướng Miêu, trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Hải Quốc gia (Trung Quốc), dự đoán, Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ tăng cường hợp tác về chia sẻ vaccine để giúp khối này ngăn chặn số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng: “Hai bên đang phải đối mặt với một số vấn đề khẩn cấp cần đàm phán và việc chống đại dịch Covid-19 đứng đầu danh sách".
Ngày 5/6, khi Ngoại trưởng Vương Nghị gặp Đặc phái viên của Tổng thống Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan và là điều phối viên của nước này về hợp tác với Trung Quốc tại Quý Dương, tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc, hai bên đã nhất trí tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác trong toàn bộ chuỗi công nghiệp vaccine, bao gồm nghiên cứu và phát triển, sản xuất và phân phối. Trong đó, Trung Quốc sẽ giúp Indonesia xây dựng một trung tâm sản xuất vaccine khu vực.
Thúc đẩy các cơ chế hợp tác khu vực
Chuyên gia Trần Hướng Miêu cho biết, vấn đề cấp bách tiếp theo trong chương trình nghị sự giữa Trung Quốc và ASEAN là phục hồi kinh tế, đồng thời nói thêm rằng, hợp tác kinh tế giữa hai bên đang tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ sau khi ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, bao gồm cả Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN.
Vượt qua Liên minh châu Âu (EU), ASEAN đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc trong năm 2020.
Ngoài ra, chuyên gia Trần Hướng Miêu cũng nhận định, du lịch là một lĩnh vực quan trọng trong hợp tác giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Theo vị chuyên gia này, mối quan hệ hợp tác du lịch giữa hai bên đã bị 'đóng băng' bởi đại dịch đang hoành hành, nên mục tiêu của cuộc họp lần này là tìm ra các biện pháp để nối lại các hoạt động trao đổi bình thường giữa các quốc gia.
Về cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương, ông Uông Văn Bân cho biết, cơ chế hợp tác tiểu vùng kiểu mới với sự tham vấn sâu sắc giữa Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã phát triển một cách nhanh chóng và đạt được những kết quả đáng kể.
Cơ chế này đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế và xã hội của 6 quốc gia ven sông (Mekong-Lan Thương) và mang lại những lợi ích rõ rệt cho người dân.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bị đe dọa bởi đại dịch Covid-19 và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, hợp tác Mekong-Lan Thương đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự ổn định kinh tế khu vực và giúp chống lại chủ nghĩa đơn phương.
Ủng hộ phương án áp dụng cơ chế hộ chiếu vaccine trong khu vực, Giáo sư Tất Thế Hồng, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ngoại giao Láng giềng của Trung Quốc và Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Vân Nam, cho rằng, đã đến lúc phải thảo luận về hộ chiếu vaccine giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.
Vị Giáo sư này lưu ý, hiện tại, các nước trong khối có tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp và hộ chiếu vaccine chỉ có thể được triển khai khi cả hai bên nhất trí và có tỷ lệ tiêm chủng đạt những tiêu chuẩn khoa học.
theo Global Times, THX, TGVN