25/11/2024 lúc 12:27 (GMT+7)
Breaking News

Kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ định vị ở tầm cao mới so với trước khủng hoảng Covid-19

Chuyên gia nước ngoài đang lạc quan, kỳ vọng và mong đợi Việt Nam sẽ định vị lại mình ở một tầm cao mới, dù đại dịch Covid-19 đang đặt ra những thách thức lớn để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong sáu tháng cuối năm 2021.

Chuyên gia nước ngoài đang lạc quan, kỳ vọng và mong đợi Việt Nam sẽ định vị lại mình ở một tầm cao mới, dù đại dịch Covid-19 đang đặt ra những thách thức lớn để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong sáu tháng cuối năm 2021.

Bất chấp những thách thức ngắn hạn, doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào triển vọng dài hạn tại Việt Nam. (Nguồn: Money Daily)

Những gam màu sáng

Đại dịch Covid-19 và làn sóng dịch lần thứ tư “đổ bộ” vào Việt Nam đã và đang tác động xấu đến các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Nhưng vượt lên khó khăn, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam sáu tháng đầu năm 2021 vẫn có những gam màu sáng.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tăng 6,61% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung sáu tháng đầu năm 2021, GDP tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% so với cùng kỳ.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp sáu tháng đầu năm tăng 8,91% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 67,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 34,3% về vốn đăng ký.

Tăng trưởng tín dụng cũng là một điểm sáng. Tính đến ngày 21/6, tăng trưởng tín dụng đạt 5,47% so với cuối năm 2020. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng tích cực; thị trường chứng khoán tăng mạnh với tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, bất chấp Covid-19, hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài vẫn được triển khai tích cực, với 24 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn của phía Việt Nam là 143,8 triệu USD.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu cũng tăng trưởng ấn tượng. Tính chung sáu tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ 2020.

Nhận định về kinh tế Việt Nam sáu tháng đầu năm 2021, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) đánh giá, những chính sách nới lỏng tối đa về tiền tệ và tài khóa trong năm 2020 để “giảm đau” cho nền kinh tế trước những tổn thương do đại dịch Covid-19 đã phát huy tác dụng trong các tháng đầu năm nay.

PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhấn mạnh: “Chính sách thúc đẩy đầu tư công, các biện pháp hỗ trợ tài chính, sự bật dậy của hiệu ứng ‘lò xo nén’ về tiêu dùng và đầu tư của người dân đã góp phần làm tăng tổng cầu. Chưa kể, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ ở khu vực tài chính và thị trường bất động sản. Tất cả những điều này đã đem lại kết quả tăng trưởng kinh tế rất mạnh trong quý I, II/2021”.

Thách thức lớn

Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo cũng nhận thấy, quá trình giãn cách xã hội đang lan rộng ra nhiều địa phương, đặc biệt ở các trung tâm kinh tế lớn, khu vực sản xuất công nghiệp và “thủ phủ” của chuỗi cung ứng khiến cho các hoạt động kinh tế ngày càng bị thu hẹp.

Trong khi đó, sức khỏe của doanh nghiệp đã bị bào mòn rất nhiều, còn các bất ổn vĩ mô thì đang liên tục tăng lên. Vì vậy, sáu tháng cuối năm sẽ là thách thức lớn cho các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Chính phủ.

TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 20% quy mô kinh tế của Việt Nam và đóng góp 1/3 cho ngân sách quốc gia lại đang chịu các tác động nặng nề nhất của dịch bệnh. “Đầu tàu phanh gấp” chắc chắn sẽ làm cho tốc độ của đoàn tàu chậm lại, đó là chưa kể các động lực kinh tế đang dần thu hẹp.

Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng, năm 2020, nếu như “cỗ xe tam mã” đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa được xem là các trụ cột chống đỡ cho đà tăng trưởng của nền kinh tế, thì tình hình hiện nay cho thấy các nguồn lực này đang rất yếu ớt.

Theo báo cáo kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm và kế hoạch nửa cuối năm của Chính phủ, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công rất chậm. Nửa đầu năm mới chỉ giải ngân được gần 30% vốn đầu tư công theo kế hoạch, thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, xuất khẩu cũng không đạt các mục tiêu đã đặt ra và cán cân thương mại đang có xu hướng nhập siêu. Trong khi đó, các thị trường thế giới đang hồi phục mạnh. Tăng trưởng quý III/2021 của kinh tế thế giới đang được kỳ vọng sẽ lập kỷ lục bởi sức cầu xuất khẩu đang gia tăng, thì tình hình hiện nay lại cho thấy, Việt Nam khó có khả năng đáp ứng khi tình hình sản xuất trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn do phải hạn chế hoạt động để chống dịch.

Yếu tố tiêu dùng nội địa và đầu tư của khu vực tư nhân cũng đang giảm sút mạnh do dịch bệnh. Giãn cách xã hội lan rộng chắc chắn sẽ giáng một “đòn chí mạng” vào tiêu dùng và đầu tư trong những tháng tới.

Tin ở Việt Nam

Báo cáo quý II/2021 được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phát hành giữa tháng 7/2021 cho thấy, chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) giảm gần 30 điểm so với 73,9 điểm trong quý I/2021 xuống còn 45,8 điểm.

Chủ tịch EuroCham Alain Cany nhận định, đợt dịch Covid-19 bùng phát mới đây đã làm gia tăng sự bi quan về triển vọng ngắn hạn của môi trường kinh doanh của Việt Nam. Gần 1/5 các nhà lãnh đạo doanh nghiệp (19%) tin rằng, nền kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong quý III/2021. Con số này giảm so với mức 61% trong quý I/2021.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là các doanh nghiệp châu Âu vẫn tự tin về các kế hoạch kinh doanh ở Việt Nam. Ông Alain Cany nhấn mạnh: “Hơn một nửa (56%) doanh nghiệp dự đoán, tình hình sẽ được cải thiện hoặc ổn định trong quý III/2021. Khoảng 80% doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam có kế hoạch duy trì hoặc gia tăng số lượng nhân viên và đầu tư. Điều này cho thấy, bất chấp những thách thức ngắn hạn, doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào triển vọng dài hạn tại Việt Nam”.

GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam cũng cho hay, năm ngoái, cuộc khủng hoảng Covid-19 bắt đầu làm rung chuyển thế giới vẫn tiếp diễn cho đến hiện tại, các biện pháp chống dịch đã gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu. Nhưng Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng này và đạt mức tăng trưởng kinh tế đáng nể 2,91%. Các quyết sách kinh tế của Chính phủ Việt Nam đã được chứng minh là phù hợp và được cả thế giới công nhận.

 

GS.TS Andreas Stoffers đánh giá, trong nửa đầu năm 2021, các số liệu kinh tế Việt Nam cũng không quá tệ. Tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), tỷ lệ lạm phát hiện đang tăng ồ ạt. May mắn thay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam ở mức 1,46% - con số chưa đáng lo ngại.

Song, những đám mây đen đang tụ tập ở đường chân trời. Đại dịch Covid-19 lây lan nhanh là thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong những tháng cuối năm.

GS.TS Andreas Stoffers khẳng định: “Dù vậy, tôi tin, Việt Nam sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng như đã từng vượt qua vào năm 2020. Điều này một mặt là nhờ sự kiên cường và đoàn kết đáng kể của người Việt Nam - điều mà quốc gia này đã chứng tỏ nhiều lần trong lịch sử, như trận thủy chiến lừng danh năm 1287 ở sông Bạch Đằng hay chiến thắng năm 1954 ở Điện Biên Phủ.

Mặt khác, chính sách kinh tế mở của đất nước bao gồm: Sự hội nhập quốc tế sâu rộng thông qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), số hóa nền kinh tế, tập trung thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) cũng như chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng cũng góp phần giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng.

Trong tình hình hiện nay, việc thực hiện một chính sách cân bằng giữa sức khỏe người dân và ‘sức khoẻ’ nền kinh tế của đất nước là điều Việt Nam cần lưu ý. Bản thân tôi lạc quan, kỳ vọng và mong đợi Việt Nam sẽ định vị lại mình ở một tầm cao mới so với trước khủng hoảng”.

Chủ tịch EuroCham Alain Cany: “Hơn một nửa (56%) doanh nghiệp dự đoán, tình hình sẽ được cải thiện hoặc ổn định trong quý III/2021. Khoảng 80% doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam có kế hoạch duy trì hoặc gia tăng số lượng nhân viên và đầu tư. Điều này cho thấy, bất chấp những thách thức ngắn hạn, doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào triển vọng dài hạn tại Việt Nam”