VNHN - Sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa nhưng anh Quản Bá Tới (SN 1988, Như Xuân, Thanh Hóa) sau khi tốt nghiệp đại học đã chọn vùng đất Điện Biên để khởi nghiệp và đưa hạt gạo Điện Biên đến hầu khắp thị trường trong nước.
Anh Tới hiện là Chủ tịch, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Anh đón chúng tôi trong một buổi chiều đầu năm lạnh giá vùng sơn cước. Với đôi mắt cương nghị và nụ cười hiền, anh tâm sự về những ngày gian khó khi bắt đầu khởi nghiệp với vai trò là kỹ sư nông nghiệp tại xã Thanh Yên. Anh chia sẻ, nhiều người cho rằng, ngành nông nghiệp hay cụ thể nghề nông là công việc không cần phải đào tạo qua trường lớp vẫn có thể làm được.
Tuy nhiên, quan niệm chưa thật toàn diện. Nông nghiệp không chỉ là trồng lúa, hoa màu mà còn gắn với kỹ thuật sản xuất và phân phối sản phẩm. Anh Tới hiểu rằng, chỉ có khoa học công nghệ mới giúp người trồng lúa nắm bắt được kiến thức cơ bản, đúng đắn để sản xuất hiệu quả và tăng năng suất lao động. Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, vai trò của những kỹ sư nông nghiệp càng quan trọng để định hướng, giúp đỡ bà con nông dân trong kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, gặt hái và tiêu thụ lúa, gạo.
Vốn là người yêu thích hạt gạo trắng ngần, thơm dẻo có tiếng của vùng đất Điện Biên, anh Tới đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người để tìm hiểu hạt giống gốc của loại gạo Điện Biên để gìn giữ và nhân giống, giúp người dân vùng sơn cước có điều kiện trồng trọt, thu hoạch, đưa sản phẩm gạo Điện Biên ngon dẻo đến nhiều tỉnh thành cả nước. Qua nhiều năm gắn bó làm việc với vai trò là kỹ sư nông nghiệp, anh Quản Bá Tới nhận thấy thực trạng đáng lo ngại lúa gạo Điện Biên chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập chung, mạnh ai nấy làm.
Quản Bá Tới đưa hạt gạo Điện Biên đến hầu khắp thị trường trong nước. Ảnh:Internet
Đến tháng 6/2017, anh Quản Bá Tới triển khai dự án cánh đồng mẫu lớn theo quyết định phê duyệt của tỉnh, quy tụ gần 100 nông dân với diện tích 31ha tập trung sản xuất. Đây là mô hình cánh đồng mẫu lớn đầu tiên của tỉnh Điện Biên được phê duyệt và thực hiện. Từ lúc này, việc sản xuất lúa gạo được thực hiện theo quy trình đồng bộ, có kiểm soát, áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật và trong sản xuất. Tháng 10/2017, sản phẩm gạo Điện Biên chất lượng cao được đưa ra thị trường với thương hiệu “Gạo Tâm Sáng Điện Biên”, dòng sản phẩm đầu tiên là gạo tám thơm Điện Biên.
Anh Tới cũng xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm rộng khắp các tỉnh miền Bắc, đặc biệt tại thị trường lớn như Hà Nội. Anh Tới ánh lên niềm vui kể về kế hoạch tương lai đó là đưa “Gạo Tâm Sáng Điện Biên” tiếp tục phát triển cũng như tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu đa dạng của khách hàng. Anh cũng tiết lộ sắp tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển, cho ra mắt sản phẩm gạo Séng Cù đặc trưng, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Đó cũng là cách anh giúp người dân Điện Biên gửi gắm sản phẩm tinh túy của đất trời nơi đây đến mọi miền trên cả nước. Quá trình làm việc, tiếp xúc, gặt hái, trao đổi cùng với bà con nông dân miền sơn cước, anh Tới nhận ra trên cùng một mảnh ruộng nhưng trồng nhiều giống lúa, cũng như quy trình, chăm sóc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khác nhau. Việc canh tác của bà con nông dân nơi đây cũng dựa chủ yếu vào kinh nghiệm thực tế, thời tiết mà không hề có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, không tuân thủ theo quy trình khoa học kỹ thuật cụ thể.
Chính vì điều này, lúa gạo Điện Biên chưa trở thành sản phẩm hàng hóa chất lượng cao đáp ứng đòi hỏi khắt khe của khách hàng về chất lượng, xuất xứ hàng hóa, quy trình sản xuất, kiểm soát theo hướng hữu cơ… Mặt khác, việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo lại do tiểu thương thực hiện, vì lợi nhuận, cạnh tranh họ đã pha trộn sản phẩm, làm thay đổi tính chất thơm ngon, đậm đà sản phẩm gạo Điện Biên. Những thực trạng trên là điều mà anh
Tới băn khoăn trăn trở và đi tìm giải pháp, hướng đi phù hợp nhằm khẳng định thương hiệu lúa gạo Điện Biên và duy trì lộ trình bền vững để phát triển thương hiệu về một đặc sản vùng miền. Thấu hiểu câu nói “Đoàn kết là sức mạnh” của Bác Hồ, anh Tới xác định phải đoàn kết nông dân lại để tạo lên sức mạnh lớn hơn trong việc sản xuất và xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên.
Đồng thời, anh cũng xây dựng tổ chức đại diện nông dân để quản lý điều hành là nhiệm vụ cấp thiết phải làm để thực hiện hóa việc sản xuất tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như cơ giới hóa vào sản xuất. Người nông dân được tham gia lớp tập huấn về quy trình, ghi chép, theo dõi quá trình sản xuất một cách chi tiết, cụ thể. Từ đó, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thanh Yên được thành lập cuối năm 2016.