20/01/2025 lúc 15:58 (GMT+7)
Breaking News

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự (3/12/1908 - 3/12/2018)

VNHN - Đồng chí Ngô Gia Tự là một nhà cách mạng rất có bản lĩnh và có trình độ lý luận cao, được các đồng chí hoạt động cách mạng thời kỳ dựng Đảng đánh giá là nhà cách mạng bậc đàn anh, rất có uy tín, có trách nhiệm cao và có nhiều công lao đóng góp đối với công tác xây dựng Đảng ở Nam Kỳ, Trung Kỳ, đặc biệt là ở Bắc Kỳ.

VNHN - Đồng chí Ngô Gia Tự là một nhà cách mạng rất có bản lĩnh và có trình độ lý luận cao, được các đồng chí hoạt động cách mạng thời kỳ dựng Đảng đánh giá là nhà cách mạng bậc đàn anh, rất có uy tín, có trách nhiệm cao và có nhiều công lao đóng góp đối với công tác xây dựng Đảng ở Nam Kỳ, Trung Kỳ, đặc biệt là ở Bắc Kỳ.

Ảnh minh họa

Đồng chí sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, là nhà hoạt động cách mạng có nhiều đóng góp to lớn trong việc tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước ở Việt Nam và là một trong những người tham gia sáng lập Ðông Dương Cộng sản Ðảng-tổ chức tiền thân của Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Ngô Gia Tự sinh ngày 3/12/1908, tại làng Tam Sơn, phủ Từ Sơn (nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh) trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Đồng chí bước vào con đường đấu tranh cách mạng rất sớm. 

Với tinh thần yêu nước, năm 16, 17 tuổi, không theo lời khuyên của người anh ruột là Ngô Gia Lễ lúc đó đang làm tri huyện, muốn khuyên răn, dìu dắt em vào con đường học vấn để ra làm quan, Ngô Gia Tự quyết đi theo con đường đã chọn là con đường cứu nước, cứu dân, như Nguyễn Ái Quốc đã đi và vạch ra con đường cách mạng.

Năm 1926, Ngô Gia Tự gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (gọi tắt là Thanh niên) và được phân công ở lại hoạt động ngay tại quê hương. Để gần gũi quần chúng nông dân, Ngô Gia Tự đi cày cấy, gặt lúa, gánh lúa, làm quần quật cả ngày, không quản nặng nhọc, nắng mưa, sớm tối. 

Giữa năm 1927, sau khi sang Trung Quốc dự lớp huấn luyện do Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tổ chức, khi trở về, Ngô Gia Tự cùng các đồng chí khác gây dựng được nhiều cơ sở cách mạng trong Tỉnh bộ Thanh niên Bắc Ninh, nhất là vùng Từ Sơn và Thuận Thành.

Đặc biệt xây dựng được Chi bộ Thanh niên trong trại lính địch tại Bắc Ninh, gồm 7 đảng viên, hầu hết là những người có cảm tình với cách mạng. Việc giác ngộ và kết nạp được những người lính thuộc lực lượng của địch vào tổ chức của Thanh niên là việc làm đầy táo bạo của Ngô Gia Tự.

Cùng với tích cực hoạt động trong nông dân và binh lính địch, Ngô Gia Tự theo dõi sát phong trào công nhân trong nước; thường xuyên làm bản thống kê những vụ bãi công ở các nhà máy, ghi chép số lượng công nhân tham gia, đồng thời, tuyển những công nhân ưu tú để kết nạp họ vào Thanh niên. Đồng chí còn thường xuyên tổng kết những thành công và thất bại để rút kinh nghiệm, tiếp tục đưa phong trào cách mạng tiến lên.

Đầu năm 1928, Ngô Gia Tự lên hoạt động tại Kỳ bộ Bắc Kỳ của Thanh niên, cùng với Trịnh Đình Cửu và một số đồng chí. Phong trào "vô sản hóa" cũng được dấy lên từ đây. Từ ngày 28 - 29/9/1928, Kỳ bộ Bắc Kỳ của Thanh niên họp hội nghị tại một địa điểm gần chợ Hôm, Hà Nội để bàn về chương trình công tác của hội trong giai đoạn cách mạng mới và chủ trương đi "vô sản hóa". 

Hội nghị làm việc được một ngày thì bị lộ, nên phải chuyển về họp ở chính nhà của đồng chí Ngô Gia Tự, tại làng Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Như vậy, có thể thấy việc đi "vô sản hóa" là chủ trương của Kỳ bộ Bắc Kỳ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, chứ không phải của Tổng hội Thanh niên. Hưởng ứng phong trào "vô sản hóa", Ngô Gia Tự rời quê hương vào Nam Kỳ để làm công nhân khuân vác ở bến cảng Sài Gòn. 

Công việc nơi đây thật nặng nhọc, vất vả, dầm mưa dãi nắng đẩy xe than, xi măng, bốc vác hàng hóa quần quật ở các bến tàu. Nhưng không vì thế mà Ngô Gia Tự phàn nàn, kêu ca, trái lại luôn hòa nhã, vui vẻ. Tác phong gần gũi quần chúng của anh được công nhân cảng Sài Gòn rất yêu mến. 

Qua đó, anh đã tuyên truyền, giáo dục về cách mạng, tổ chức và lãnh đạo công nhân đấu tranh. Phong trào cách mạng phát triển dần lên cao. Đến thời điểm năm 1929, Chủ nghĩa Mác-Lênin thâm nhập phong trào yêu nước và phong trào công nhân Việt Nam, báo hiệu cần có một tổ chức cộng sản để lãnh đạo phong trào, có như vậy phong trào mới phát triển vững chắc. 

Với định hướng đó, Ngô Gia Tự bí mật rời cảng Sài Gòn ra Bắc, gặp các đồng chí: Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung… bàn việc chuẩn bị thành lập một chi bộ cộng sản. Chủ trương này dẫn đến việc thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước; những người dự cuộc họp đều trở thành đảng viên cộng sản. Đó là sự ra đời của Chi bộ 5D, phố Hàm Long, Hà Nội.

Sau khi Chi bộ 5D Hàm Long ra đời, Ngô Gia Tự cùng các đồng chí của mình ra sức phát triển và xây dựng Đảng tại các nhà máy, vùng mỏ và nông thôn. Chỉ trong một tháng sau, số đảng viên cộng sản đã phát triển đông hơn và phong trào đấu tranh cũng ngày càng mạnh. 

Ngày 28/5/1929, cuộc bãi công lớn của hơn 200 công nhân Hãng AVIA Hà Nội nổ ra, do Ngô Gia Tự chủ trương. Chủ hãng yết thị dọa công nhân nếu không đi làm sẽ bị đuổi. Trước sự đe dọa đó, có người đã hoang mang, dao động. Biết tin đó, Ngô Gia Tự bí mật đến nói chuyện với anh em, nêu vấn đề đấu tranh giai cấp, giải thích rõ công nhân bị bóc lột như thế nào và kêu gọi anh em đoàn kết lại đấu tranh. 

Lúc tinh thần đấu tranh lên cao, công nhân định ám sát một tên ký làm tay sai cho chủ, do hắn len lỏi vào công nhân định hăm dọa và mua chuộc, dụ dỗ anh em. Thấy vậy, Ngô Gia Tự uốn nắn kịp thời lệch lạc đó và nói với công nhân: Vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải đánh đổ cả chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương chứ không phải một tên xâm lược. 

Vì giết một tên xâm lược trong hoàn cảnh này, chúng sẽ trả thù và tàn sát nhiều đồng chí của chúng ta. Nghe lời khuyên của anh, công nhân không giết tên ký đó. Cuộc bãi công của công nhân AVIA do Ngô Gia Tự tổ chức kéo dài từ ngày 28/5 - 10/6/1929. Chủ hãng phải nhượng bộ, tăng lương cho công nhân, đồng thời phải giải quyết một số yêu cầu khác.

Đầu tháng 5/1929, Đại hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên họp tại Hồng Công (Trung Quốc). Ngô Gia Tự dẫn đầu Đoàn đại biểu Bắc Kỳ dự đại hội. Trước khi vào đại hội, Đoàn đại biểu Bắc Kỳ đã họp trù bị với nhà cách mạng Lê Hồng Sơn, lúc ấy công tác ở Tổng bộ Thanh niên để bàn việc thành lập Đảng Cộng sản. 

Trong phiên họp ngày 5/5/1929, Ngô Gia Tự phát biểu đề nghị thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam. Ý kiến của anh không được đại hội tán thành nên Ngô Gia Tự và Đoàn đại biểu Bắc Kỳ trở về nước. Sau khi về nước, Ngô Gia Tự và Đoàn đại biểu Bắc Kỳ báo cáo với Chi bộ 5D Hàm Long, Hà Nội. 

Các đảng viên trong chi bộ thấy cần phải lập ngay một đảng cộng sản ở Việt Nam. Đó là sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng. Ngô Gia Tự đã có những đóng góp tích cực cho sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng.

Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập ngày 17/6/1929, tại số nhà 312, phố Khâm Thiên, Hà Nội, với sự hiện diện của khoảng 20 người, trong đó có Ngô Gia Tự (tức Ngô Sĩ Quyết), Nguyễn Đức Cảnh (tức Năm), Nguyễn Phong Sắc (tức Thịnh, Thanh), Đỗ Ngọc Du (tức Phiếm Chu), Trần Văn Cung (tức Quốc Anh), Trịnh Đinh Cửu (tức Lê Đình, Lê Chí), Trần Tư Chính (tức Bàng Thống). 

Hội nghị đã cử ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời gồm 7 người, trong đó có Ngô Gia Tự. Địa bàn hoạt động của Đông Dương Cộng sản Đảng chủ yếu ở Bắc Kỳ, nhưng có cơ sở ở Trung Kỳ và Nam Kỳ. Hội nghị thành lập Đông Dương Cộng sản đã thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ Đảng, lấy cờ đỏ búa liềm làm cờ của Đảng. 

Đảng tổ chức ra Công hội đỏ Bắc Kỳ, Nông hội, Hội Phụ nữ giải phóng...; xuất bản Báo Búa liềm ở Trung ương (Bắc Kỳ), Báo Bônsơvích ở Trung Kỳ, Báo Cờ Cộng sản ở Nam Kỳ.

Tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản Đảng xác định mục đích của Đảng là đánh đổ đế quốc chủ nghĩa; đánh đổ tư bản chủ nghĩa; diệt trừ chế độ phong kiến, giải phóng công nông. 

Sau khi củng cố được tổ chức cơ sở đảng ở Bắc Kỳ, Ngô Gia Tự được Ban Chấp hành Trung ương lâm thời tiếp tục cử vào hoạt động tại Nam Kỳ. Tại đây, anh đã gây dựng được nhiều cơ sở đảng trong các xí nghiệp, đồn điền. Đến thời điểm này, hoạt động của đồng chí Ngô Gia Tự bước sang thời kỳ mới…  

Công việc đang tiến hành thuận lợi thì tháng 5/1930, Ngô Gia Tự bị thực dân Pháp bắt, đày ra giam tại Nhà tù Côn Đảo. Vào một đêm cuối tháng 1/1935, Chi bộ Nhà tù tổ chức cho Ngô Gia Tự cùng một số đồng chí vượt ngục. Tiếc thay, Ngô Gia Tự và những người vượt ngục đã mất giữa trùng dương sóng gió, trên đường vượt ngục khỏi Nhà tù Côn Đảo, khi mới 26 tuổi.

Ngô Gia Tự là một trong những người đã viết nên những trang sử vàng của cách mạng Việt Nam, là tấm gương sáng của một người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, trung thành vô hạn với Ðảng, với dân. 

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng là một mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản. Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam; là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng để thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo./.

Theo Qdnd.vn