05/11/2024 lúc 15:38 (GMT+7)
Breaking News

Kon Tum hướng tới mục tiêu tăng trưởng toàn diện, phát triển bền vững

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân, thời gian qua, tỉnh Kon Tum rất nỗ lực cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương bằng các nhiệm vụ, chỉ đạo cụ thể; đổi mới, sáng tạo trong hành động, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt; quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho hoạt động đầu tư; phấn đấu tăng trưởng toàn diện, phát triển bền vững.
Một góc TP Kon Tum. Ảnh: Internet

Những tiềm năng, lợi thế

Tỉnh Kon Tum có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, nằm trong khu vực “Tam giác phát triển” Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia; là điểm kết nối, trung chuyển trên trục Đông - Tây, núi - biển. Với những điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên sẵn có, Kon Tum là tỉnh hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt là trong các ngành kinh tế nông nghiệp, sản xuất hàng hóa với giá trị gia tăng cao (cà phê, cao su, mắc-ca, mía đường, rau, hoa xứ lạnh); các loại cây dược liệu (sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm và các loại được liệu quý hiếm khác); trồng rừng gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp; phát triển đàn bò thịt, bò sữa, dê, thủy sản nước ngọt và cá tầm xứ lạnh,...; sản xuất năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) gắn với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Tỉnh Kon Tum cũng có nhiều lợi thế để phát triển du lịch (bản sắc văn hóa các dân tộc độc đáo, có nhiều điểm đến hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên đa dạng, còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ: vườn quốc gia Chư Mom Ray, khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Rừng đặc dụng Đắk Uy,... cùng nhiều địa danh, di tích được xếp hạng quốc gia: ngục Kon Tum, ngục Đắk Glei,...).

Đặc biệt, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và quy hoạch chung đô thị huyện Kon Plông đến năm 2030 sẽ tạo “cú huých” quan trọng, góp phần xây dựng Khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành điểm nhấn của con đường xanh Tây Nguyên; kết nối các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên với vùng “Tam giác phát triển” Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi), Khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), Khu kinh tế mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam). Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước triển khai các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế tại Măng Đen, bước đầu cung cấp sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn.

Tỉnh Kon Tum có sông Sê San - một nhánh của sông Mê Công, được hợp thành bởi hai nhánh sông lớn: Pô Kô và Đắk Bla. Tiềm năng thủy điện trên sông Sê San đứng thứ ba trong hệ thống sông của Việt Nam (sau sông Đà và sông Đồng Nai), với tổng công suất 1.740MW, tổng sản lượng điện trung bình 10.450 tỷ kWh/năm; nhiều hồ thủy điện và hồ thủy lợi trong tỉnh có dung tích lớn(1), đây cũng là các hồ giữ nước trong mùa khô, vừa tưới tiêu phục vụ sản xuất, vừa triển khai nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt và phát triển các dịch vụ du lịch. Đặc biệt, các ao, hồ ở huyện Kon Plông có độ cao 1.100m, rất thích hợp cho việc kinh doanh phát triển cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm,...). Ngoài ra, tỉnh Kon Tum còn có suối nước nóng chứa nhiều khoáng chất (Ram Phia, Kon Nit,...) có tác dụng chữa bệnh khá hiệu quả.

Một số kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội

Tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2021 tăng 6,47% so với năm 2020. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Kon Tum (GRDP) năm 2021 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 16.051 tỷ đồng, tăng 6,47% so với năm 2020; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 25.064 tỷ đồng, tăng 12,57%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2021 tăng 1,83% so với năm trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, nông nghiệp ngày càng phát triển theo chiều sâu, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chính sách dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện để xây dựng “cánh đồng lớn”, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ được chú trọng triển khai. Tỉnh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh nguyên liệu về cà phê, cao su, sắn, dược liệu, rau, hoa xứ lạnh,...; các sản phẩm chế biến từ nông nghiệp; giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2015 - 2020 tăng 10,83%/năm. Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư phát triển, diện mạo đô thị được chỉnh trang ngày càng khởi sắc. Kết cấu hạ tầng thiết yếu các xã nông thôn mới ngày càng được hoàn thiện, nâng cao.

Xác định tiềm năng, lợi thế của khu vực bắc Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum tập trung dồn sức đầu tư xây dựng ba vùng kinh tế động lực: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi), Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông) và thành phố Kon Tum. Với quyết tâm và đồng thuận của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện, diện mạo của ba vùng kinh tế đã hiện hữu, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, đạt nhiều kết quả khả quan, đến cuối năm 2021, có 110 dự án được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các khu công nghiệp tỉnh Kon Tum, với tổng số vốn đăng ký ước đạt 4.151 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 2.016 tỷ đồng. Minh chứng rõ nét trong nỗ lực thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính của tỉnh thời gian qua là việc tổ chức khởi công dự án chăn nuôi bò sữa tập trung lớn nhất khu vực Tây Nguyên của Tập đoàn TH với diện tích 441ha, tổng mức đầu tư 2.544 tỷ đồng tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy.

Việc thực hiện các chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng toàn diện, có hiệu quả, từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Tổng số hộ nghèo đầu năm 2021 là 14.601 hộ, chiếm 10,29% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh; số hộ thoát nghèo trong năm 2021 là 5.834 hộ, tương ứng tỷ lệ giảm hộ nghèo là 4,11%; tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn lại (sau khi đã trừ đi số hộ thoát nghèo) là 8.767 hộ, chiếm tỷ lệ 6,18% toàn tỉnh. Tuy nhiên, trong năm 2021, số hộ tái nghèo có 63 hộ, chiếm tỷ lệ 0,69%, số hộ phát sinh nghèo là 250 hộ, chiếm tỷ lệ 2,75%, làm tăng tổng số hộ nghèo toàn tỉnh vào cuối năm 2021 lên 9.080 hộ, chiếm tỷ lệ 6,33% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó có 9.250 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số. Như vậy, số hộ thoát nghèo trong năm 2021 là 5.834 hộ, tương ứng giảm 4,11% (đạt 102,75%). Công tác giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng; chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được cải thiện và có nhiều chuyển biến tích cực; thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, nhất là cấp xã; nhiều giá trị văn hóa truyền thống được khôi phục, bảo tồn và phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế của tỉnh vẫn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém: 1- Kinh tế tăng trưởng chưa bền vững, quy mô nền kinh tế còn nhỏ; hiệu quả, sức cạnh tranh thấp; 2- Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm; phát triển liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp còn khó khăn; 3- Một số tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được phát huy đúng mức, nhất là tiềm năng về du lịch và dược liệu; 4- Việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa hiệu quả, nhất là tài nguyên đất, rừng; 5- Cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; 6- Đầu tư kết cấu hạ tầng dựa nhiều vào ngân sách nhà nước, hoạt động xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia còn hạn chế, việc quản lý, khai thác và sử dụng kết cấu hạ tầng còn bất cập; 7- Hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính chưa cao, vốn cho đầu tư chủ yếu dựa vào nguồn thu từ tiền sử dụng đất.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc huy động, khai thác, sử dụng, quản lý các nguồn lực từ các thành phần kinh tế làm tiền đề phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, tỉnh Kon Tum chủ động tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh bằng các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ đạo cụ thể đến từng sở, ngành, địa phương. Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở thu hút các nguồn lực; kịp thời triển khai các đề án về phát triển nguồn nhân lực, vật lực, tài lực đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, phát huy hiệu quả nguồn lực của tỉnh đáp ứng diễn biến thực tiễn và yêu cầu phát triển.

Thứ hai, cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực, nguồn lực chủ yếu, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, phát huy những sản phẩm chủ lực có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao như: phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu; quản lý, bảo vệ, phục hồi, phát triển rừng gắn với kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển du lịch,...

Thứ ba, huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Hiện nay, kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu, cùng với khả năng cân đối ngân sách còn hạn chế và khó khăn nên nhiệm vụ tạo đà phát triển kinh tế trong thời gian tới là thách thức lớn. Do đó, Tỉnh ủy Kon Tum xác định, cần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn đầu tư công, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, bảo đảm các dự án đầu tư công nhanh chóng đi vào vận hành, phát huy hiệu quả. Với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 làm nòng cốt, tập trung đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, cấp thiết của địa phương, các dự án có quy mô lớn, các công trình kết cấu hạ tầng bảo đảm tính đồng bộ, kết nối liên vùng như: hệ thống giao thông huyết mạch, các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị tại các vùng kinh tế động lực, phát triển hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi, giáo dục, y tế,...

Thứ tư, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế tư nhân nhằm huy động tối đa nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp trong việc thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đầu tư phát triển đô thị để huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội vào đầu tư phát triển, góp phần đa dạng hóa đầu tư, từng bước giảm dần tỷ trọng đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tăng cường thu hút đầu tư quốc tế và từ nguồn ngoài tỉnh, cải thiện và nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) được chỉ đạo triển khai quyết liệt.

Thứ năm, chỉ đạo quản lý, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả ngân sách nhà nước và tài sản công; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện đồng bộ các giải pháp chống thất thu ngân sách. Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc khai thác, huy động nguồn lực từ quỹ đất, đặc biệt là thực hiện tốt và đẩy nhanh tiến độ đấu giá các trụ sở nhà đất của các cơ quan, đơn vị trước đây sau khi khu Trung tâm Hành chính mới tỉnh Kon Tum đi vào hoạt động.

Mục tiêu, giải pháp tăng trưởng toàn diện, phát triển bền vững

Để hoàn thành mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025(2), tỉnh Kon Tum tích cực, sâu sát, quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đặc biệt coi trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, có trình độ chuyên môn cao, bảo đảm phẩm chất, năng lực thi hành công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Hai là, thực hiện cơ cấu lại đồng bộ nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Phát triển bền vững nền kinh tế thông qua phát triển các ngành sản xuất, các sản phẩm chủ yếu, phát huy tối đa lợi thế so sánh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; trong đó, tập trung phát triển một số vùng, khu sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; phát triển các loại dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Bố trí diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp và đất nông nghiệp phù hợp để phát triển vùng trồng dược liệu tập trung quy mô lớn, phấn đấu phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và là một trong những trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi. Phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản, dược liệu và năng lượng tái tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả hàng hóa xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều hình thức, sản phẩm đa dạng, phong phú; tăng cường quảng bá, xây dựng Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen thành điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu trong khu vực, trong nước và quốc tế.

Ba là, huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Thực hiện rà soát, xác định lại các vùng kinh tế động lực của tỉnh để tập trung nguồn lực đầu tư, tạo sự lan tỏa tới các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác lập quy hoạch, bảo đảm tính kế thừa và luôn “đi trước một bước”. Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương; vận động, thu hút các nguồn vốn hỗ trợ từ các thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn đầu tư công thông qua xây dựng, thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn, bảo đảm nhanh chóng đi vào vận hành, phát huy hiệu quả; ưu tiên đầu tư các công trình có tính cấp bách, trọng tâm, trọng điểm, các công trình kết cấu hạ tầng bảo đảm tính đồng bộ, mang tính kết nối, lan tỏa. Tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bốn là, tăng cường các giải pháp tăng thu ngân sách, nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu bền vững.

Bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống thất thu và nợ đọng thuế. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, người nộp thuế nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Giám sát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách nhà nước, bảo đảm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên để tăng chi cho đầu tư phát triển. Thực hiện hiệu quả các chính sách tài khóa, điều hành ngân sách linh hoạt; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách tài chính về đất đai, khai thác tài nguyên thiên nhiên theo quy định của Nhà nước. Nâng cao năng lực tài chính, chất lượng, hiệu quả công tác quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; khuyến khích, hỗ trợ thực hiện xã hội hóa đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.

Năm là, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số gắn với việc đẩy mạnh cải cách hành chính.

Tập trung ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận sản phẩm và dịch vụ công của Nhà nước. Công khai, minh bạch thủ tục hành chính, rà soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đất đai, môi trường,... nâng cao vai trò Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hành chính, tính chuyên nghiệp cho đội ngũ làm nhiệm vụ xúc tiến đầu tư. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tạo lập môi trường bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình triển khai các dự án đầu tư, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả gắn với nhu cầu thực tiễn; giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong việc thực thi các ý tưởng phát triển hệ thống hạ tầng mang tính “đón đầu xu hướng”, đặc biệt là đầu tư các khu công nghiệp phức hợp hiện đại, mô hình đô thị thông minh mang tính chất đột phá, lan tỏa.

Sáu là, kiểm kê, đánh giá toàn diện, đầy đủ nguồn lực tại địa phương.

Tăng cường công tác quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển các vùng thâm canh, chuyên canh nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Xử lý triệt để bất cập trong quản lý, sử dụng đất, nhất là tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn, giao khoán trái pháp luật; triển khai lập quy hoạch, phát triển các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu để nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực từ quỹ đất. Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp lưu trữ và sử dụng tiết kiệm các nguồn nước; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước./.

Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum

----------------------

(1) Như hồ Yaly (khoảng 4.450ha), hồ Plei Krông (khoảng 11.080ha) và các hồ thủy điện khác như: Đắk Bla, Đắk Ne; các hồ thủy lợi có dung tích lớn như: Đắk Hniêng, Đắk Uy,...
(2) Nghị quyết đề ra mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2020 - 2025 từ 10%/năm trở lên. Đến năm 2025, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản chiếm 19% - 20%, công nghiệp - xây dựng: 32% - 33%, thương mại - dịch vụ: 42% - 43%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả giai đoạn 2021 - 2025 đạt 118.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người/năm đạt 70 triệu đồng trở lên (tương đương trên 3.000 USD); thu ngân sách nhà nước tại địa bàn tăng bình quân 8,2%/năm và đạt trên 5.000 tỷ đồng vào năm 2025...

...