19/01/2025 lúc 22:01 (GMT+7)
Breaking News

Kon Tum: Khắc khoải một miền Sâm

Được xác định là thủ phủ nguồn sâm Ngọc Linh, Với những thảm rừng già trải dài hàng ngàn hecta ẩn chứa bên dưới cả một kho tàng dược liệu lớn, nhưng đến nay, Kon Tum vẫn chưa có sách lược để phát huy hết ưu thế đó. Những hạn chế nào đã kéo trì cơ hội của vùng đất Tây Nguyên này?

Được xác định là thủ phủ nguồn sâm Ngọc Linh, với những thảm rừng già trải dài hàng ngàn hecta ẩn chứa bên dưới cả một kho tàng dược liệu lớn, nhưng đến nay, Kon Tum vẫn chưa có sách lược để phát huy hết ưu thế đó. Những hạn chế nào đã kéo trì cơ hội của vùng đất Tây Nguyên này?

Theo giới kinh doanh, xã Ngọc Linh, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum gần như chỉ có danh "bảo vật" nông nghiệp, còn trên thực tế công tác quảng bá, tiếp thị những sản vật này rất hạn chế. Ít nổi danh như nhân sâm Triều Tiên đã đành, so với những loại dược liệu khác trong nước như sâm Bố Chính, sâm cau Tây Bắc, hay đinh lăng, đương quy, các loại sâm ở Ngọc Linh đều không được thị trường biết nhiều. Đây có thể là nguyên nhân khiến miền sâm Kontum đến nay vẫn cứ khắc khoải tìm hướng ra để phát triển ?

Miền rừng “la liệt sâm”

Nói đến sâm Ngọc Linh, đa phần mọi người nghĩ ngay đến loại sâm củ dược liệu quý hiếm, mọc dưới các tán rừng già lâu năm, đã được kiểm định và đánh giá các chỉ số vượt xa cả loại sâm lừng danh Triều Tiên. Song, với Kontum và riêng Ngọc Linh, vùng rừng núi thăm thẳm có sâm củ Ngọc Linh.

Phổ biến nhất với sâm xứ Ngọc Linh lại chính là Đẳng sâm, thường gọi là sâm dây Ngọc Linh, một loại sâm dây cho củ bình thường. Loại sâm này có thể tìm thấy ở nhiều triền núi, trong rừng vùng Ngọc Linh, nhiều nhất là ở các xã bà con Xơ Đăng sinh sống tại huyện Đắk Glei, và các xã cao huyện Tu Mơ Rông, giáp giới địa vực nổi tiếng sâm củ Đắk Tô, khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen.

Thay vì phải mất 6-10 năm mọc trong điều kiện hoang dã tự nhiên của sâm củ Ngọc Linh, loại Đẳng sâm chỉ cần 1 năm mọc tại các triền núi, dưới tán rừng, là đã thu hoạch được củ. "Loại sâm này cho củ lớn bình quân từ 8 - 10 củ/kg, thậm chí 0,5 -1 kg/củ. So với sâm củ Ngọc Linh, sâm dây có chỉ số dinh dưỡng không cao bằng, nhưng riêng chỉ số saponin lại đạt đến 6,94%, xấp xỉ loại sâm tốt nhất của Hàn quốc là khoảng 7,2%). Chỉ số này ở sâm củ Ngọc Linh là 8,3%)". Rõ ràng với chỉ số hoạt chất cao như vậy, lại chỉ cần thời gian sinh trưởng ngắn, cùng làm thực phẩm như rau củ bình thường, bên cạnh việc ngâm rượu, chế biến thuốc... cũng rất tốt.

Loại sâm này chỉ cần 1 năm mọc tại các triền núi, dưới tán rừng, là đã thu hoạch được củ

Chị Y Long - Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ngọc Linh, chị cũng là người con của dân tộc Xơ Đăng chia sẻ: Bên cạnh sâm dây, sâm củ, vùng Ngọc Linh còn rất nhiều cây củ khác có thể làm thuốc, làm thực phẩm với những đặc tính khác biệt mà chỉ có cộng đồng bà con dân tộc mới nắm rõ. Nếu khai thác đúng những mạch cây cỏ này, chắc chắn sẽ là cơ hội rất lớn cho vùng Ngọc Linh và KonTum. Đây sẽ là cánh cửa rộng để đầu tư, phát triển các nguồn nông nghiệp dược liệu quý.

Bao giờ định giá lên non?

Tuy nhiên, điều đáng buồn với người dân Ngọc Linh chính là mức độ lan tỏa thông tin giá trị về các loại dược liệu, các loài sâm ở vùng đất này còn quá hạn chế."Gần như người ta chỉ nghe tiếng sâm củ dược liệu, chứ không hề nghĩ rằng củ sâm ở Ngọc Linh có loại củng bổ, quý mà  về giá trị vùng sâm Ngọc Linh sẽ khác rất nhiều"

Do công tác thông tin kém, ít truyền bá, nên củ sâm dây Ngọc Linh hiện tại chỉ được tiêu thụ ít, chủ yếu do bà con người dân tộc Xơ Đăng gùi chuyển ra gần đường cái, bán cho người mua qua lại. Chỉ có một số hoạt động thu gom có tổ chức, chế biến thành các loại sản phẩm như: mứt sâm, ngâm rượu, làm thực phẩm gia dụng... của một số doanh nghiệp địa phương như công ty TNHH Lâm Thịnh là mang lại hiệu quả kinh tế tương đối. Song chung quỵ, giá sâm dây Ngọc Linh và các loại dược liệu khác ở KonTum vẫn dao động tầm 60.000-200.000/1kg. Bên cạnh đó, việc đầu tư, vận chuyển những sản vật rừng núi ở Ngọc Linh, cho đến nay chủ yếu chỉ dựa vào nhân lực thủ công từ người dân bản địa nơi đây. Do địa hình hiểm trở, phần lớn vùng đất sâm đều ở đồi núi cao, dốc đứng, nên rất khó đi lại, tiếp cận. Theo chị Y Long, các bản có sâm thường cách đường lớn từ 5-10km đường dốc đứng, trời mưa hay nắng đều cheo leo hiểm trở, rất khó đi lại. Vì thế, khối lượng thu hoạch của bà con theo đó cũng hạn chế, mà một khi người mua chỉ trả giá thấp, họ cũng không mặn mà cấy trồng thêm làm gì.

Thực trạng lan tỏa thị trường kém, việc vận chuyển, thu hoạch khó khăn như một chiếc vòng kim cô luẩn quẩn, bó buộc cơ hội cho chính người dân và vùng sâm Ngọc Linh. Chị Hồ Thị Kim Oanh, công ty Lâm Thịnh cho biết, địa phương đã nhiều lần đưa ra các giải pháp, nhiều kế hoạch để mong thay đổi tình hình, nhưng gần như lực bất tòng tâm. Phải chăng, cẩn tìm kiếm được những nhà đầu tư có nội lực lớn hơn, có tầm nhìn chiến lược và cái tâm gắn bó cùng thiên nhiên Kon Tum phải có, may ra mới làm thay đổi được thực trạng hiện nay theo hướng phát triển .

Một trong những cơ sở bán các chế phẩm từ Sâm dây Ngọc Linh, nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

Trước đây, đã có một dự án của sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Kon Tum thực hiện trong vòng 39 tháng ( từ tháng 4 năm 2014 đến tháng 7 năm 2017 ) do ông Phạm Thanh, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum, cử nhân công nghệ sinh học làm chủ nhiệm dự án. Dự án đã thực hiện hàng loạt những hoạt động nhằm nhân giống cây sâm và khuyến khích người dân trồng đại trà ở các huyện miền núi tỉnh Kon Tum. Nhưng với đầu ra còn khó khăn như hiện nay thì chính người trong cuộc cũng phải thốt lên là: sâm ở Kon Tum, vui tiềm năng nhưng buồn thực trạng!

Sâm dây có chỉ số saponin đến 6,94% (samponin có tính chống ung thư và có khả năng chống gây đột biến tế bào)

Hy vọng trong thời gian sắp tới với sự vào cuộc quyết liệt hơn của chính quyền địa phương, sự đầu tư bài bản và chuyên nghiệp hơn của các doanh nghiệp, sự tham gia tích cực của các nàng sâm như: nàng sâm Thanh Loan, nàng sâm Kim Oanh, nàng sâm Y Cô Viên, miền sâm Kon Tum sẽ được đánh thức và vươn ra biển lớn để sánh vai với sâm Triều Tiên, Hàn Quốc, sâm Mỹ …v…v….