Sáng 31/3, đồng chí Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kon Tum; lãnh đạo các sở, ngành liên quan và huyện Sa Thầy đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Vườn Quốc gia (BQL VQG) Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy).
BQL VQG Chư Mom Ray được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học trên diện tích 56.249ha, thuộc địa bàn 08 xã, 01 thị trấn thuộc 02 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi. Năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021, BQL VQG Chư Mo Ray đã tổ chức 23 cuộc tuyên truyền tại thôn, làng với 1.021 lượt người tham gia. Duy trì hoạt động 12 câu lạc bộ xanh tại 12 trường THCS trên địa bàn huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi, truyền thông nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng cho các em học sinh. Tặng 8.000 cuốn vở, 400 áo, 400 mũ cho các em học sinh THCS, cấp phát 156 ấn phẩm tuyên truyền tại huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi.
Đồng chí Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kon Tum và lãnh đạo các sở, ngành liên quan làm việc với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray.
Ký 102 bản cam kết bảo vệ rừng, PCCCR với 102 hộ có nương rẫy giáp ranh với VQG; triển khai 4.077 cuộc kiểm tra, tuần tra với 21.721 lượt người tham gia, tăng 284 đợt, 4.967 người so với năm 2019; thu gỡ 4.079 dây bẫy các loại, trục xuất hàng trăm lượt người vào rừng trái phép. Duy trì 21 chốt bảo vệ rừng tại các khu vực có nguy cơ xâm hại cao; triển khai các hoạt động PCCCR mùa khô 2020-2021, đến thời điểm hiện tại VQG chưa xảy ra cháy rừng.
Năm 2020, phát hiện 06 vụ vi phạm chuyển cơ quan chức năng xử lý, trong đó: Khai thác rừng trái pháp luật 05 vụ; cất giấu lâm sản trái pháp luật 01 vụ. Các cơ quan chức năng xử lý hình sự 03 vụ, xử lý hành chính 03 vụ. BQL VQG trồng mới được 50 ha rừng; thực hiện tái sinh tự nhiên 11 ha. Năm 2021, đã đăng ký kế hoạch với UBND tỉnh trồng mới 100 ha, hiện đã thực hiện xong khâu thiết kế, chờ UBND tỉnh giao vốn triển khai thực hiện. Thực hiện 03 đề tài nghiên cứu: Điều tra thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn loài Bò tót; Điều tra thực trạng, đề xuất giải pháp bảo tồn loài Cốt toái bổ; phối hợp với Viện dược liệu thực hiện đề tài trồng thử nghiệm dược liệu (sâm cau) dưới tán rừng quy mô 0,5 ha.
Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Tiếp tục bảo quản 1.193 mẫu tiêu bản thực vật và côn trùng để phục vụ công tác nghiên cứu; Tiếp tục áp dụng công nghệ GIS, công nghệ WebGis vào hoạt động tuần tra, kiểm tra rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Năm 2021 tiếp tục thực hiện chuyển tiếp đề tài điều tra thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn loài Bò tót; Điều tra thực trạng, đề xuất giải pháp bảo tồn loài Đỉnh tùng. Tiếp nhận cứu hộ 67 cá thể động vật hoang dã do các cơ quan chức năng xử lý chuyển giao; lưu giữ, chăm sóc, bảo tồn 134 loài lan rừng (2.126 giò); gieo ươm 4.000 cây bản địa (trắc, sao, muồng) để phục vụ cho công tác trồng bảo tồn nguồn gen thực vật quý hiếm. Hỗ trợ 46 thôn vùng đệm 1,84 tỷ đồng; giao khoán 16.391 ha rừng cho 21 cộng đồng ở các xã Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Sơn, Mo Rai, Sa Loong, Pờ Y, Đăk Kan bảo vệ 6 tỷ 556 triệu đồng; cấp phát 8.000 cây giống (trắc, hương, sao đen) cho các xã vùng đệm trồng cây phân tán. Năm 2021 đã thực hiện giao khoán 3.400 ha thuộc vùng dịch vụ môi trường rừng cho 07 cộng đồng bảo vệ.
BQL VQG Chư Mom Ray đề nghị tỉnh kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí theo Quyết định 24/2012/QĐ-TTg để đơn vị thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng tham gia bảo vệ rừng và duy trì trả lương cho 24 hợp đồng lao động bảo vệ rừng; giao thêm 20 chỉ tiêu hợp đồng bảo vệ rừng hoặc hỗ trợ kinh phí cho đơn vị hợp đồng bảo vệ rừng vì diện tích rừng lớn, lực lượng hiện tại mỏng; sớm giao kế hoạch vốn để đơn vị triển khai trồng mới 100ha rừng đặc dụng kịp mùa vụ.
BQL VQG Chư Mom Ray tiếp tục lưu giữ, chăm sóc, bảo tồn các loại động, thực vật.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang biểu dương tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân viên VQG Chư Mom Ray trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển lâm sản trong khu vực Vườn Quốc gia và vùng đệm thời gian qua. Đồng chí đề nghị Sở NN&PTNT báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh tình hình khó khăn, vướng mắc của VQG hiện nay về kinh phí và biên chế để kịp thời tháo gỡ. Đồng thời yêu cầu cán bộ, nhân viên BQL VQG Chư Mom Ray tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cố gắng không để xảy ra tình trạng mất rừng. Thường xuyên liên tục giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, nhân viên tham gia bảo vệ rừng, tuyệt đối không được “bắt tay” hay “bật đèn xanh” cho lâm tặc. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân ở khu vực vùng đệm cùng tham gia bảo vệ rừng, không được phá rừng làm nương rẫy, cài đặt bẫy các loại thú rừng.
BQL VQG phối hợp với lực lượng Kiểm lâm huyện Sa Thầy xây dựng kế hoạch thường xuyên, liên tục tuần tra, kiểm soát ở tất cả các khu dân cư vùng đệm và thu giữ các loại gỗ tàng trữ trái phép không có giấy tờ, không có nguồn gốc rõ ràng (nếu có). Riêng Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm huyện, xã phối hợp chặt chẽ với BQL VQG tăng cường tuần tra, kịp thời phát hiện vi phạm để ngăn chặn, bảo vệ tài nguyên rừng.
Đa số diện tích của VQG Chư Mom Ray nằm trên địa bàn huyện Sa Thầy, vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị chính quyền huyện Sa Thầy phải có trách nhiệm phối hợp với BQL VQG bảo vệ tài sản Quốc gia; đồng thời, tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân không phá rừng lấy gỗ, phá rừng làm rẫy, đặt bẫy muông thú, không chứa chấp lâm tặc; khi phát hiện vi phạm, phối hợp với cơ quan liên quan đưa vụ việc ra xét xử nghiêm minh.
Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác đã tới thăm Vườn Quốc gia Chư Mom Ray.
Ngay sau khi làm việc với BQL VQG Chư Mom Ray, Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác đã tới thăm Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Vườn quốc gia Chư Mom Ray không chỉ là một khu dự trữ sinh quyển quý giá mà còn là điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, với những cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời, thác nước trong lành và hoang sơ, cánh rừng xanh tít tắp rất phù hợp cho du lịch trải nghiệm và khám phá những loài động, thực vật quý hiếm. Đến với vườn quốc gia Chư Mom Ray như lạc vào một thế giới khác bởi sự dịu mát quanh năm của khí hậu, bởi màu xanh ngút ngàn của rừng và sự đa dạng của các thảm thực vật và sự tồn tại của các động vật quý hiếm được bảo vệ nghiêm ngặt nơi đây.