Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trở lại trong năm 2021, bởi đây là năm nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu và dòng vốn FDI chuyển hướng đầu tư.
Thời cơ đến là “bật”
Nền kinh tế Việt Nam năm 2020 tăng trưởng khá chậm do ảnh hưởng dịch COVID-19, tuy nhiên nhiều chuyên gia ví von kinh tế Việt Nam “giống như chiếc lò xo bị nén”, chỉ chờ thời cơ là bật tăng. Vì vậy, năm 2021, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,5%, tức là tăng gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của năm 2020. Đây là một thách thức không nhỏ khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều rủi ro liên quan đến xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, bất ổn chính trị trên toàn cầu…
Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định, vẫn có không ít cơ hội và tiềm năng mà Việt Nam có thể nắm bắt để vươn lên phát triển mạnh mẽ. Đó là cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), trong đó có FTA với EU; cơ hội từ thu hút dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển; cơ hội từ việc chuyển đổi số, thương mại điện tử, hay sự hình thành các ngành nghề, mô hình kinh doanh mới…
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nếu tận dụng triệt để các cơ hội này và khắc phục được những khó khăn nội tại của nền kinh tế, khả năng đạt được mức tăng trưởng cao vào năm 2021 cũng như giai đoạn 2021 - 2025 là có cơ sở.
Trên thực tế, những dự báo gần đây của các tổ chức thế giới cũng nói rõ, sau năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trở lại. Cụ thể, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm 2021; ngân hàng UOB dự báo tăng trưởng 7,1%; HSBC thậm chí còn đưa ra con số tới 8,1%. Theo HSBC, nguyên nhân kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu và dòng vốn FDI rất kiên định.
Theo nhận định của ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam, với những dự báo trên, khả năng phục hồi dự kiến sẽ từ quý II/2021. Bởi thời gian qua, Việt Nam liên tục ký kết các FTA thế hệ mới để mở rộng không gian kinh tế. Đây là điều rất quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài, vốn tin tưởng vào tiềm năng và thị trường Việt Nam tiếp tục tìm đến Việt Nam. Một khi dòng vốn đã dịch chuyển vào Việt Nam, tất yếu nền kinh tế Việt Nam sẽ bật dậy, không chỉ trong năm 2021 mà cả trong 5 năm tới. Chính vì vậy, hiện Chính phủ đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5% - 7%, từ 2021 – 2025.
Ảnh minh họa
Làn gió mới từ châu Âu
Theo nhận định của các quỹ đầu tư, Việt Nam sẽ là điểm đến số 1 tại Đông Nam Á trong năm 2021, trong đó vai trò dẫn dắt dòng vốn rất có thể thuộc về các nhà đầu tư đến từ châu Âu.
Mặc dù các nhà đầu tư châu Âu tiếp cận cơ hội phát triển tại châu Á chậm hơn so với Mỹ và các nước trong khu vực. Tuy nhiên, gần đây họ nhận ra Đông Nam Á – khu vực duy nhất có mức tăng trưởng 5 -6% (trước khi dịch COVID-19 xảy ra), mang lại cho họ những mối lợi lớn. Chính vì vậy, nhiều quỹ đầu tư tư nhân tại Đông Nam Á bắt đầu thu hút nguồn tiền châu Âu; hàng loạt quỹ mới tại Đông Nam Á với thành viên góp vốn trực tiếp là các nhà đầu tư châu Âu cũng được thành lập.
Riêng tại Việt Nam, ngay trong giai đoạn COVID-19 bùng phát, Quỹ Excelsior Capital Việt Nam Partners đã ra đời. Đây là quỹ đầu tư tư nhân thứ 6 của Quỹ Excelsior Capital (Thụy Sĩ) được thành lập cho mục đích đầu tư vào Việt Nam. Ông Hoàng Xuân Chính, thành viên sáng lập, Tổng giám đốc Quỹ Excelsior Capital Việt Nam Partners cho hay, Quỹ đã hoàn thành vòng gọi vốn đầu tiên với số vốn cam kết ban đầu là 62 triệu USD. Quỹ Excelsior đặt mục tiêu hướng tới huy động vốn cam kết 200 triệu USD, thời gian hoạt động là 10 năm.
Quỹ này sẽ rót vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, hoạt động trong những ngành có nhiều tiềm năng tăng trưởng và còn cơ hội phát triển như chăm sóc sức khỏe, dược, y tế, giáo dục, các ngành phục vụ người tiêu dùng (sản xuất, phân phối, bán lẻ, logistics…). Mỗi thương vụ, Quỹ Excelsior dự kiến rót từ 6 triệu USD trở lên và đầu tư dài hạn từ 4-7 năm, qua nhiều hình thức cấu trúc đầu tư đa dạng…
Ngoài ra, dòng vốn đầu tư “truyền thống” đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… cũng là đòn bẩy giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong năm 2021. Hiện các dòng vốn này tiếp tục “đổ” vào Việt Nam.
Ông Masataka Sam Yoshida, Tổng Giám đốc RECOF Việt Nam (dịch vụ mua bán – sáp nhập xuyên quốc gia) nhận định: “Việc tiếp tục lựa chọn Việt Nam để đầu tư vì Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trong “cuộc chiến” chống COVID-19, giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng dương trong năm 2020. Do đó, Việt Nam sẽ thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực, chủ yếu là thị trường đang phát triển như tiêu dùng, dịch vụ, sản xuất cần thiết để duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, quá trình chuyển đổi số đã khởi động trong năm 2020 sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2021, mở ra cơ hội tiếp theo cho nền kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp nội. Như ở mảng ngân hàng, trong năm 2020, một số ngân hàng thực hiện chuyển đối số nhưng lại hợp tác với doanh nghiệp số của nước ngoài. Rất may trong đợt dịch này, doanh nghiệp ngoại không vào được Việt Nam nên các ngân hàng phải hợp tác với các doanh nghiệp nội như Viettel, FPT...
Ngoài ra, trong năm 2021 có 14/16 hiệp định FTA chính thức có hiệu lực, mở ra thị trường xuất khẩu lớn, nhất là mặt hàng nông sản; 59 dòng thuế giảm xuống mức 0%, chủ yếu là các dòng thuế xuất khẩu, tạo điều kiện đặc biệt cho xuất khẩu nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế này, các chuyên gia cho rằng yếu tố then chốt là ngành nông nghiệp chuyển đối số, ứng dụng công nghệ blockchain truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản, giúp quản lý hiệu quả quá trình logistics vận chuyển sản phẩm từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ./.