29/12/2024 lúc 02:01 (GMT+7)
Breaking News

Kinh tế Việt Nam, cơ hội và thách thức

VNHNO - Hiện nay, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã được đẩy lên nấc thang mới. Đối với nền kinh tế mạnh về xuất khẩu như Việt Nam thì căng thẳng thương mại sẽ tạo ra cả những cơ hội lẫn rủi ro. Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu về vấn đề này.

VNHNO - Hiện nay, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã được đẩy lên nấc thang mới. Đối với nền kinh tế mạnh về xuất khẩu như Việt Nam thì căng thẳng thương mại sẽ tạo ra cả những cơ hội lẫn rủi ro. Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu về vấn đề này.

TS. Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: Việt Anh.

Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn đang có xu hướng mở rộng, việc này ảnh hưởng đến kinh tế nước ta như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Mặc dù căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc đang ở trong tầm giới hạn giữa hai quốc gia, nhưng ảnh hưởng của nó có thể lan tỏa tới các thị trường khác. Xét về thời gian dài hạn, điều này sẽ có tác động lên nền kinh tế Việt Nam ở cả hai chiều, bất lợi và thuận lợi. Về mặt bất lợi, khi Mỹ áp thuế lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc thì những hàng hóa của nước này bán ra sẽ trở nên đắt đỏ và sẽ khó cạnh tranh ở thị trường Mỹ.

Trong trường hợp đó, một số hàng hóa từ nước này sẽ có thể dịch chuyển sang tìm kiếm thị trường mới nhằm thay thế cho sự trở ngại về thuế nhập khẩu ở thị trường Mỹ. Ngoài ra, khi hàng hóa Trung Quốc không bán sang thị trường Mỹ được thì sẽ quay trở lại thị trường nội địa để tiêu dùng khiến mức giá rẻ hơn.

Vì thế, những hàng hóa xuất khẩu từ các thị trường khác sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh với các sản phẩm nội địa. Lo ngại là vậy, nhưng nhiều năm qua, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tạo được uy tín trên nhiều thị trường, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, nhất là những mặt hàng mà chúng ta có thế mạnh. 

Thương hiệu gạo Hapro của Tổng công ty Thương mại Hà Nội đáp ứng tốt mục tiêu xuất khẩu và phục vụ thị trường nội địa. Ảnh: Việt Anh

Ông nhận định như thế nào về một số mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Những mặt hàng của Việt Nam, như: Hàng tiêu dùng, điện tử, thủy sản, nông sản, giày dép, may mặc… sẽ có những lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới, nhất là thị trường Mỹ. Trong đó, ngành dệt may và da giày được dự báo là một trong những ngành sẽ xuất khẩu tốt. Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng dệt may 9 tháng năm 2018 đạt 22,6 tỷ USD, tăng 17,1%.

Nhà nước cần có các biện pháp gì để giảm những tác động tiêu cực và tận dụng cơ hội từ môi trường thương mại toàn cầu hiện nay?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Cần có các nghiên cứu từ Chính phủ cũng như cơ quan chức năng để đánh giá chính xác những tác động từ tình hình thương mại toàn cầu đến hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế nước ta. Từ đó phổ biến thông tin cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế để họ có thể nắm bắt tình hình hiện tại, nhận ra những tác động tích cực và tiêu cực đến ngành nghề kinh doanh của bản thân.

Khi có tác động xảy ra, các doanh nghiệp sẽ chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh của mình cho phù hợp. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm kiếm các thị trường mới, nếu thị trường truyền thống bị tác động từ căng thẳng thương mại để bù đắp cho những bất lợi, thiệt hại.

Ông dự đoán nền kinh tế nước ta từ nay đến cuối năm sẽ diễn biến như thế nào?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trước những biến cố thương mại lớn đang xảy ra, có thể tạo nên những yếu tố bất ổn cho cả nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ xuất khẩu, mà hoạt động này lại bị tác động nghiêm trọng nếu phạm vi của căng thẳng thương mại lan rộng.

Tuy nhiên, với những giải pháp điều hành vĩ mô đúng đắn của Chính phủ, tôi tin rằng nước ta sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, thậm chí có thể cao hơn. Chúng ta sẽ bảo đảm được mục tiêu xuất siêu. Xét về kiều hối, năm nay có những biến động trên thị trường Mỹ nên có thể sẽ gặp tác động, tuy nhiên, tôi dự đoán con số này vẫn nằm trong khoảng 10 tỷ USD.

Cho đến lúc này, nền kinh tế nước ta chưa thấy bị tác động lớn từ căng thẳng thương mại, nhưng dự kiến sang năm 2019 có thể sẽ chịu ảnh hưởng mạnh hơn.

Trân trọng cảm ơn ông./.

Theo Qdnd.vn