23/01/2025 lúc 01:15 (GMT+7)
Breaking News

Giải bài toán thu hút FDI công nghệ cao

VNHNO - Từ quá trình hơn 30 năm (1987-2017) thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể thấy, thu hút công nghệ cao từ nguồn vốn này ngày càng trở nên quan trọng, trở thành định hướng then chốt quyết định đến chất lượng, hiệu quả đối với FDI tại Việt Nam.

VNHNO - Từ quá trình hơn 30 năm (1987-2017) thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể thấy, thu hút công nghệ cao từ nguồn vốn này ngày càng trở nên quan trọng, trở thành định hướng then chốt quyết định đến chất lượng, hiệu quả đối với FDI tại Việt Nam.

Ảnh minh hoạ

Con đường ngắn nhất nâng cao trình độ công nghệ

Tiếp thu công nghệ cao thông qua FDI là con đường ngắn nhất giúp Việt Nam tiết kiệm nguồn nhân lực và đồng thời, rút ngắn được thời gian nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm mới với chất lượng cao, từng bước đưa nền kinh tế đi lên bằng chính nguồn lực của mình, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, quản lý và kinh doanh, giúp thu hẹp nhanh khoảng cách về công nghệ giữa Việt Nam với các nước.

Với sự quan tâm của Chính phủ, trong thời gian qua, FDI công nghệ cao đã góp phần thúc đẩy đổi mới, chuyển giao công nghệ, từng bước nâng cao năng lực sản xuất trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực: điện tử-viễn thông, tin học; cơ khí chế tạo; xây dựng… Một số ngành tiếp thu được công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới, như: bưu chính viễn thông, tin học, dầu khí, xây dựng, cầu đường…

Đã có nhiều công ty công nghệ cao chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình. Đơn cử như những tập đoàn lớn, bao gồm: Sanyo, Samsung, Sony, Fujitsu, Toshiba, Panasonic, Nidec, Intel, Microsoft… 

Các tập đoàn này đã xây dựng nhà máy sản xuất với công nghệ hiện đại và đang tiếp tục rót thêm vốn để mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam. Những dự án đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia là tín hiệu rõ nét cho thấy, Việt Nam đang chuyển dịch từ ngành công nghiệp sản xuất giá trị thấp sang sản xuất có giá trị cao hơn. 

Đây chính là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh dòng vốn FDI đang có những khó khăn cũng như cạnh tranh lớn hiện nay. Điều này cũng cho thấy, Việt Nam là một điểm đầu tư tốt với các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là với các dự án công nghệ cao.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI đã tạo ra được nhiều sản phẩm có chất lượng cao với hình thức mẫu mã đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường trong nước và nhiều sản phẩm đã xuất khẩu được ra nước ngoài. 

Trong đó, nhiều doanh nghiệp FDI đã xuất khẩu gần 100% sản phẩm (điện tử, tin học, quang cơ - điện tử...) sản xuất tại Việt Nam ra thị trường nước ngoài, giúp cân bằng cán cân thương mại và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm qua.

Thông qua FDI công nghệ cao, trình độ công nghệ sản xuất trong nước đã được nâng cao một cách rõ rệt so với trước đây. Đồng thời, Việt Nam thu hút được nhiều công nghệ mới, sản xuất được nhiều sản phẩm mới, mà trước đây chúng ta chưa sản xuất được, giúp hạn chế đến mức tối đa việc nhập khẩu nhiều loại hàng hóa.

Mặt khác, chính bởi sức ép cạnh tranh ngày càng tăng từ sản phẩm của doanh nghiệp FDI công nghệ cao, nên nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư nhập khẩu thiết bị và công nghệ mới, lập bộ phận hoặc trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). 

Vì vậy, họ đã sản xuất được sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, thay thế hàng nhập khẩu với giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng và xuất khẩu ra thị trường thế giới. Dầu khí và truyền thông là hai ngành kinh tế nhờ chuyển giao công nghệ và R&D gắn với FDI, nên đã phát triển với tốc độ nhanh, hiện đại, tiến kịp trình độ thế giới. 

Cụ thể, các hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí đều có quy định về chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật, nên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không những làm chủ được nhiều công nghệ hiện đại và phức tạp trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa của nước ta, mà còn có năng lực về công nghệ và nhân lực tham gia một số liên doanh ở nước ngoài.

Tìm nguyên nhân chưa đạt như kỳ vọng?

Sau 30 năm thu hút và sử dụng FDI, có thể khẳng định, FDI đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Song cũng phải thừa nhận rằng, FDI chưa đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng đặt ra cho thu hút công nghệ cao do một số nguyên nhân.

Thứ nhất, công nghệ mà các doanh nghiệp FDI đưa vào Việt Nam tuy cao hơn mức Việt Nam có, nhưng phần lớn là các công nghệ trung bình, hoặc trung bình tiên tiến so với các nước trong khu vực (trừ một số các dự án có quy mô lớn trong các lĩnh vực điện tử - viễn thông, thiết bị tin học...).

Đây cũng là các công nghệ đưa vào Việt Nam theo lợi ích của nhà đầu tư, chứ không theo nhu cầu đổi mới công nghệ do Việt Nam chủ động đưa ra hoặc đòi hỏi.

Mặt khác, công tác thẩm định, quản lý công nghệ FDI đưa vào Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức, sự liên kết trong quản lý công nghệ FDI nhập khẩu, vận hành giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa được chặt chẽ. 

Chưa nhận thức rõ rằng: nhà đầu tư thường chú trọng hàng đầu đến lợi ích đầu tư, đầu tư để sinh lời, nên tìm cách bỏ qua các quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu và vận hành công nghệ, thiết bị do chính họ đưa vào.

Hơn nữa, chính quyền một số tỉnh, thành phố và ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp chưa chú ý nâng cao năng lực thẩm định để lựa chọn dự án FDI công nghệ cao, hiện đại gắn với chuyển giao công nghệ nhằm thực hiện có hiệu quả tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới. 

Không ít trường hợp do dễ dãi trong việc thẩm tra năng lực nhà đầu tư, nên đã nhập khẩu máy móc, thiết bị qua sử dụng, lạc hậu, đã bị thải loại ở nước ngoài.

Thứ hai, Việt Nam đã có định hướng chung về thu hút công nghệ cao, song lại chưa có định hướng chi tiết (hay kế hoạch chi tiết) cho từng ngành nghề, trên cơ sở xây dựng được các danh mục dự án công nghệ cao. 

Các dự án FDI công nghệ cao cần thu hút, thì được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên (như ưu tiên 1, ưu tiên 2... theo từng ngành nghề), do vậy chưa có được các giải pháp cụ thể để thu hút FDI công nghệ cao cho từng ngành và lĩnh vực, nên cũng chưa tiếp cận được với các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng có công nghệ cao tương ứng.

Thứ ba, việc tiếp thu FDI công nghệ cao còn yếu, thể hiện qua việc chúng ta chưa chủ động đào tạo, bố trí cán bộ và công nhân kỹ thuật trẻ vào làm việc tại các doanh nghiệp FDI công nghệ cao, để lực lượng này có thể từng bước tiếp nhận, vận hành và làm chủ được công nghệ, áp dụng vào thực tiễn Việt Nam sau này.

Ngược lại, đầu tư cho hoạt động R&D của các doanh nghiệp FDI còn ít, mới chỉ ở mức công nghệ nhỏ, đơn giản..., hoặc để cải tiến phù hợp với điều kiện của Việt Nam, do vậy việc học hỏi công nghệ thông qua FDI nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thứ tư, chương trình đào tạo kỹ thuật ở các cơ sở dạy nghề vẫn còn nặng về lý thuyết, ít điều kiện thực hành, nên người lao động cũng như cán bộ quản lý khi được tiếp xúc với công nghệ mới khó vận hành, tiếp thu, không đáp ứng được đòi hỏi tuyển dụng của các doanh nghiệp FDI công nghệ cao. 

Đó là chưa kể lượng công nhân có tay nghề cao, được đào tạo bài bản không đủ cung cấp cho các doanh nghiệp FDI công nghệ cao có quy mô lớn (như: Intel, Foxcon, Samsung...).

Thứ năm, hoạt động liên kết sản xuất sản phẩm công nghệ cao giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa có. Nguyên nhân xuất phát từ hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất còn chưa đáp ứng được yêu cầu và tổ chức thực hiện định hướng, chương trình phát triển công nghệ cao còn yếu.

Những việc cần thực hiện để thu hút FDI công nghệ cao giai đoạn tới

Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến 2020 còn nhiều việc phải làm để được hoàn tất… Để chuyển giao công nghệ gắn với FDI đạt được hiệu quả kinh tế-xã hội cao hơn, thì Nhà nước cần chú trọng những giải pháp đồng bộ.

Một là, chính sách thu hút FDI công nghệ cao và ưu đãi khi chuyển giao công nghệ cần phù hợp với nhu cầu đổi mới công nghệ của quốc gia. Khi xây dựng danh mục dự án thu hút FDI công nghệ cao trong giai đoạn tới, cần tính đến tác động và ảnh hưởng toàn cầu của Cách mạng Công nghiệp 4.0, dành những ưu tiên đặc biệt cho FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghệ 4.0 mới này, như: internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn…

Việt Nam cũng là một trong nước giàu tiềm năng về nông nghiệp. Những năm gần đây, với việc áp dụng các công nghệ mới trong trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản…, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã xuất khẩu được với giá trị lớn. Để tận dụng những lợi thế này, bên cạnh đẩy mạnh thu hút công nghệ cao vào các ngành công nghiệp, Nhà nước cần tạo diện tích canh tác lớn, dành ưu đãi cao cho các dự án FDI công nghệ cao đầu tư vào nông nghiệp trong giai đoạn tới. 

Hai là, cần tiếp tục hoàn thiện các giải pháp hỗ trợ để thúc đẩy khả năng các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, đáp ứng được các đòi hỏi liên kết trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI công nghệ cao, nhằm khắc phục sự thiếu liên kết giữa hai khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước hiện nay.

Xem xét lại toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư hiện tại đối với FDI và tập trung ưu đãi cho các dự án công nghệ cao để hướng các nhà đầu tư FDI vào các dự án công nghệ cao mà Việt Nam cần, trong giai đoạn tới chỉ nên dành ưu tiên đặc biệt cho các dự án FDI công nghệ cao. 

Đối với những lĩnh vực và địa bàn mà các doanh nghiệp Việt Nam đã có thể thực hiện bằng công nghệ và kỹ thuật ngang bằng mức tiên tiến thế giới, thì không thu hút FDI (như: bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, bán buôn - bán lẻ...).

Ba là, nâng cao chất lượng thẩm định, trách nhiệm quản lý công nghệ nhập khẩu của bộ máy quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong nhập khẩu, vận hành công nghệ FDI tại Việt Nam.

Chính quyền tỉnh, thành phố và ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp khi tiếp nhận dự án FDI cần coi chuyển giao công nghệ như một yếu tố quan trọng khi thẩm định dự án và quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư, sau đó theo dõi việc thực hiện chuyển giao công nghệ để áp dụng chính sách ưu đãi, xử lý những trường hợp không hoặc tìm cách trì hoãn việc chuyển giao công nghệ.

Bốn là, cần rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để hình thành các khu công nghệ cao, các cụm công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghiệp công nghệ cao tại một số địa bàn có nhiều điều kiện thuận lợi nhất, đã và sẽ được hưởng các ưu đãi đầu tư cao nhất làm đầu tàu kéo trình độ công nghệ cao cả nước phát triển.

Năm là, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Cần tập trung đào tạo đội ngũ, nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng đủ số lượng và chất lượng nhân lực cho yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI. 

Đào tạo, hướng dẫn nguồn lao động này cách tiếp cận, tiếp thu, tiến tới nắm chắc được công nghệ cao qua thực tế được bố trí làm việc tại các doanh nghiệp FDI, để khi quay trở lại làm việc tại các doanh nghiệp Việt Nam sẽ áp dụng được vào thực tế trong nước, cũng như tham gia được vào quá trình đào tạo nội bộ./.

Theo Chinhphu.vn