Với sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, sự chỉ đạo sát sao nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và các địa phương, trong quý IV, kinh tế nước ta đang từng bước phục hồi.
Với những điểm sáng về sản xuất, đầu tư và thương mại quốc tế trong 11 tháng của năm 2021, phản ánh nền kinh tế đang từng bước phục hồi. Dự báo kinh tế quý IV/2021 tăng từ 2 - 3% so với cùng kỳ năm 2020 và GDP cả năm tăng từ 1,6 - 2,1%. Đây là cơ sở quan trọng, tạo đà tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Để hiểu rõ hơn về triển vọng kinh tế năm 2021 và năm 2022, TTXVN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. (Ảnh: BNEWS/TTXVN)
Phóng viên: Thưa ông, tháng 11/2021, nền kinh tế có khá nhiều điểm sáng. Những kết quả này có ý nghĩa như thế nào trong quá trình phục hồi kinh tế của nước ta?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Năm 2021, kinh tế nước ta diễn ra trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, nhưng thực tế cho thấy thách thức vẫn còn rất nhiều; sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Trong 11 tháng năm 2021, khu vực doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và các tổ chức kinh tế khác đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, tạo nên bức tranh kinh tế với những gam màu sáng.
Cộng đồng doanh nghiệp năng động và vững tin vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, các địa phương và triển vọng kinh tế của đất nước. Trong 11 tháng, cả nước có 105,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, bằng 83,3% số doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng năm 2019.
Bên cạnh các doanh nghiệp thành lập mới, còn có 40,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên 146,1 nghìn doanh nghiệp.
Khu vực doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong 11 tháng của năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020. Một số ngành công nghiệp trọng điểm và sản phẩm công nghiệp chủ lực đều có mức tăng cao.
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế. Mặc dù quý III/2021, nền kinh tế "chao đảo" vì đại dịch nhưng trong 11 tháng của năm 2021 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt 26,46 tỷ USD ở 18 lĩnh vực.
Công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn FDI đăng ký lên đến 12,78 tỷ USD, chiếm 57,9% tổng vốn đăng ký. Bức tranh kinh tế 11 tháng phản ánh ngành chế biến chế tạo phục vụ xuất khẩu là động lực chính và cũng là lĩnh vực dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Vị thế kinh tế Việt Nam trong thương mại quốc tế được củng cố và khẳng định qua kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Trong bối cảnh đại dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu gặp khó khăn về nguyên vật liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ, phí vận chuyển và logistic tăng cao, nhưng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt tới 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 220,68 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 73,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế.
Còn kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhập khẩu tư liệu sản xuất ước tính đạt 280,2 tỷ USD, tăng 27,9% và chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá. Đây là nhóm hàng dùng trong sản xuất, tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế.
Bức tranh xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2021 có bước chuyển ngoạn mục từ nhập siêu 3,7 tỷ USD của 9 tháng thành xuất siêu 225 triệu USD. Kết quả trong đầu tư trực tiếp nước ngoài và hoạt động xuất, nhập khẩu của nền kinh tế cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng thế giới đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại quốc tế và cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, đặc biệt khu vực doanh nghiệp phải đối mặt với giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; giải ngân vốn đầu tư công chậm…Vậy, ông nhận định gì về những khó khăn này?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Dịch COVID-19 đã gây khó khăn không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả vấn đề xã hội. Trong 11 tháng năm 2021, có 106,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; trong đó, có 54,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi nền kinh tế, chiếm 51,5% số doanh nghiệp thành lập mới.
Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm đã bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.
Thực hiện phương châm tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết nên các đợt giãn cách xã hội kéo dài đã gây đứt gãy chuỗi lưu thông hàng hóa và lao động. Thiếu việc làm dẫn đến cắt giảm chi tiêu và tổng cầu của nền kinh tế giảm sâu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 11 tháng giảm 10,4%, ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm, mới đạt 73,8% kế hoạch năm, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đầu tư công có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Tuy vậy, ngoài nguyên nhân như: giá sắt thép, vật liệu xây lắp... tăng cao, còn đó một số quy định không phù hợp và thiếu tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cá nhân và tổ chức liên quan.
Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu đạt con số ấn tượng với 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt gần 79 tỷ USD, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và chỉ tăng 11,1% so với mức tăng 20% của khu vực FDI. Kinh tế phụ trợ và liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI còn yếu và lỏng lẻo.
Nông nghiệp và thủy sản luôn là bệ đỡ trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế cũng gặp không ít thch thức trong năm 2021. Giá vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tăng cao; dịch bệnh đối với chăn nuôi lợn và gia cầm diễn biến phức tạp; nhu cầu thị trường chưa phục hồi, giá sản phẩm đầu ra của nông nghiệp và thủy sản ở mức thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ.
Phóng viên: Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa. Vậy, điều này sẽ khiến cho giá cả hàng hóa tăng cao, tạo áp lực lên lạm phát nền kinh tế trong năm 2022 thế nào, thưa ông?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Do tổng cầu của nền kinh tế giảm sâu nên chỉ số giá tiêu dùng năm nay ở mức thấp so với mục tiêu 4%. Tuy vậy, áp lực lạm phát của năm 2022 đối với kinh tế nước ta cũng đang hiện hữu. Giá nguyên vật liệu, hàng hoá và dịch vụ thế giới tăng cao; giá dầu thô còn tiếp tục tăng trong những năm tới do nhu cầu tăng mạnh, trong khi nguồn cung hạn chế và thị trường dầu thô trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua. Thiếu hụt đầu tư thượng nguồn trong khai thác dầu khi nhu cầu ngày một tăng là một chỉ báo về giá dầu cao kéo dài trong ít nhất 1 năm tới.
Kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, nhất là khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nguyên nhiên vật liệu trong nước. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ và kích cầu đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp cũng tạo ra sức ép rất lớn lên lạm phát trong năm 2022.
Phóng viên: Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, ông có thể đề xuất một số giải pháp khắc phục những khó khăn hiện nay?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Trước tiên Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương khẩn trương hoàn thành tiêm vaccine cho toàn dân trong độ tuổi tiêm chủng để sớm đạt được tỷ lệ tiêm chủng miễn dịch cộng đồng; ưu tiên tiêm cho lực lượng lao động khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể để hai khu vực sản xuất này sớm quay lại sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vượt qua khó khăn. Đồng thời, sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, không quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng vì hỗ trợ tín dụng, hạ lãi suất cho doanh nghiệp sẽ dẫn tới gia tăng lạm phát và rủi do cho hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối liên vùng. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan tỏa đến đầu tư tư nhân và khu vực FDI; khai thác thế mạnh các Hiệp định thương mại đã ký kết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn FDI.
Cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại nội bộ từng ngành theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung nội lực, thúc đẩy động lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Cùng đó, chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn cần có chính sách và giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất, nhập khẩu kịp thời nguyên vật liệu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý khi phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá.
Đặc biệt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cần nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp kết nối, bảo đảm nguồn cung lao động phù hợp cho người dân; chủ động cung cấp thông tin thị trường lao động, xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương…
Phóng viên: Trước những khó khăn, tồn tại của nền kinh tế, Chính phủ đã thực thi nhiều giải pháp để khắc phục. Ông có thể dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ tư đã gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế, nhất là các trung tâm kinh tế của đất nước. Chỉ riêng tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương chiếm 39% GDP của toàn bộ nền kinh tế.
Vì vậy, các địa phương này chậm phục hồi sản xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tăng trưởng GDP của toàn nền kinh tế. Với các giải pháp và kết quả khống chế dịch bệnh trong thời gian qua, trong quý IV/2021, sản xuất của các địa phương đang từng bước phục hồi.
Với sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, sự chỉ đạo sát sao nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và các địa phương, trong quý IV/2021, kinh tế nước ta đang từng bước phục hồi. Dự báo lạc quan kinh tế quý IV/2021 tăng từ 2 - 3% so với cùng kỳ năm trước và GDP cả năm tăng từ 1,6 - 2,1%.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!