VNHN - Mô hình chữ K thể hiện sự phân hóa trong nền kinh tế với những nhóm ngành được hưởng lợi sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong đại dịch, trong khi phần còn lại vẫn chìm trong suy thoái.
Hậu đại dịch Covid-19, khả năng phục hồi của kinh tế thế giới được dự báo xấu - mô hình chữ K đang được xuất hiện khá phổ biến tại cuối các phiên thảo luận về triển vọng của nền kinh tế trong sự bất định của dịch bệnh Covid-19. Thay vì gọi là phục hồi hình chữ K, người ta đã gọi đây là cuộc suy thoái hình chữ K.
Mức độ nghiêm trọng của nền kinh tế đã vượt xa khủng hoảng tài chính 2008, thậm chí vượt cả Đại suy thoái ở Mỹ vào những năm 1930. (Nguồn: Foreignpolicy)
Cuộc suy thoái hình chữ K
Chuyên gia tư vấn đầu tư Barry Ritholtz, cũng là một học giả nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính ở Phố Wall viết trên Bloomberg, “đáng buồn thay, một chữ cái có thể ghi lại sự phục hồi một cách hoàn hảo như vậy. Tôi đã từng nghĩ, thật ngớ ngẩn khi dùng bảng chữ cái để mô tả về các vấn đề phức tạp trong nền kinh tế. Nhưng đó lại là sự thật”.
Chữ cái thứ 11 trong bảng chữ cái tiếng Anh, với một đường thẳng đứng đậm, từ tâm điểm là khởi đầu hai đường xiên ngang sang phải, một đường xiên lên trên 45 độ và một đường xiên 45 độ hướng xuống, cho thấy khá rõ hai con đường phục hồi riêng biệt. Đường hướng lên trên phản ánh những bộ phận của nền kinh tế được hưởng lợi từ đại dịch như công nghệ, các nhà bán lẻ trực tuyến (Amazon, Shopify), giải trí điện tử (Netflix Inc., Walt Disney Co.., YouTube), công nghệ sinh học và dược phẩm, các ứng dụng kết nối (Zoom Video Communications)…
Chỉ tiếc rằng, đường hướng xuống tượng trưng cho khá nhiều các ngành còn lại khác, trong đó, các lĩnh vực hoạt động kém nhất là năng lượng, tài chính và tiện ích.
Mô hình phục hồi theo đường cong logo của hãng đồ thể thao Nike từng là niềm mơ ước, với hy vọng nền kinh tế sau khi giảm nhanh sẽ vẫn phục hồi đi lên dù với tốc độ chậm. Nhưng hậu khủng hoảng do đại dịch Covid-19 với tương lai bất định, độ dài của suy thoái và khả năng phục hồi lần lượt chỉ được mô tả bằng các mô hình chữ V (tụt dốc nhanh nhưng phục hồi nhanh ngay sau đó), L (đi ngang ở đáy), U (phục hồi chậm) hay W (hồi phục rồi lại đi xuống theo diễn biến của dịch bệnh).
Trong đó, phục hồi hình chữ L và U được xem là tồi tệ hơn cả, bởi nền kinh tế sau khi sụt giảm sẽ giữ ở trạng thái thấp trong thời gian dài, áp lực của tỷ lệ thất nghiệp cao, thu nhập giảm, vỡ nợ…
Nhưng thế giới đang bước vào mô hình phục hồi chữ K. Mô hình này nằm ở đâu đó giữa hai mô hình chữ V và L, thể hiện rõ hơn khi đánh giá tổng thể nền kinh tế theo từng phần, bởi tác động kinh tế không đồng đều của đại dịch đối với các ngành công nghiệp và người lao động đang thể hiện ngày càng rõ ràng.
Vết thương suy thoái
Mô hình chữ K không chỉ đánh giá đúng nội tại một nền kinh tế, mà còn được dùng để thể hiện sự phân hóa giữa các quốc gia, đặc biệt trong nhóm các nền kinh tế mới nổi...
|
Mô hình chữ K không chỉ cho thấy sự phân hóa trong tầng kinh tế vĩ mô, mà còn đúng với nhiều tầng khác, nới rộng phân hóa giàu nghèo và sự chênh lệch giữa các quốc gia. Theo như mô tả “chữ K” của ứng viên đảng Dân chủ Biden trong bài chỉ trích cách điều hành kinh tế và xử lý dịch Covid-19 ở Mỹ của Tổng thống Trump, “những người ở nhánh trên sẽ nhìn thấy mọi thứ đi lên, còn những người ở giữa hoặc bên dưới đang chứng kiến mọi thứ đi xuống và trở nên tồi tệ hơn. Nói cách khác, mô hình này cho phép những người ở cấp cao nhất có thể thịnh vượng trong khi có thể khiến toàn bộ tầng lớp lao động Mỹ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.”
Với nền kinh tế Mỹ, mô hình chữ K phản ánh đúng về sự bất bình đẳng ngày càng tăng, nhánh đi lên rõ ràng là thị trường tài chính, đường phía dưới là nền kinh tế thực và cả hai tách biệt nhau ngày càng xa. Cách đơn giản nhất là xem xét sự tăng vọt của thị trường chứng khoán kể từ cuối tháng Ba, so với phần còn lại của nền kinh tế. Trong khi Phố Wall trở lại ngưỡng kỷ lục, GDP của Mỹ giảm mạnh nhất từ trước đến nay, tỷ lệ thất nghiệp dù đã giảm nhưng vẫn là một vấn đề, đặc biệt là các nhóm thu nhập thấp với hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ đã bị phá sản trong đại dịch.
Rõ ràng nhất là việc sử dụng các thiết bị điện tử, Internet, công nghệ… chắc chắn sẽ tăng vọt trong khi phần còn lại của nền kinh tế, như hàng không, năng lượng, trung tâm mua sắm, văn phòng, khách sạn đi xuống. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra sự bất bình đẳng lớn không chỉ trong kết quả hoạt động của các bộ phận kinh tế, mà cả trong xã hội, tỷ lệ thất nghiệp dù đã giảm nhưng vẫn là một vấn đề lớn, đặc biệt là các nhóm thu nhập thấp với hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ đã bị phá sản trong đại dịch.
Tiếc rằng, mô hình chữ K không chỉ đánh giá đúng nội tại một nền kinh tế, mà còn được dùng để thể hiện sự phân hóa giữa các quốc gia, đặc biệt trong nhóm các nền kinh tế mới nổi.
Theo bài phân tích của Bloomberg, thị trường cổ phiếu và tiền tệ của các quốc gia đang phát triển giàu có hơn đã vượt trội hơn so với các nước nghèo hơn họ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Khoảng cách này thậm chí có thể mở rộng hơn nếu đại dịch dẫn đến suy thoái sâu sắc ở những nền kinh tế yếu. Theo như Rob Subbaraman, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô của Nomura Holdings, “nếu đại dịch còn tác động, mô hình chữ K sẽ càng nới rộng khoảng cách giữa các nền kinh tế”.
Thật vậy, với các nền kinh tế mới nổi, đại dịch khiến nợ nần tăng nhanh và suy thoái sâu, chi phí trả nợ sẽ ngày càng nặng nề, thậm chí không loại trừ khả năng một cuộc khủng hoảng tài chính hoặc tái cơ cấu nợ lớn.
Sau đó, khi đại dịch dần được khống chế, với lợi thế về dư địa chính sách rộng hơn, dịch vụ y tế mạnh mẽ hơn, các quốc gia giàu có chắc chắn sẽ duy trì vị trí vượt trội trong quá trình phục hồi. Những quốc gia này còn có lợi thế về khả năng tiếp cận sớm hơn với vaccine, chưa kể nguy cơ về độc quyền cung cấp mà các nền kinh tế lớn có thể nắm giữ. Không có nhiều nền kinh tế mới nổi có khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến và họ có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong hiện tại và tương lai.
Có thể nói, vết thương suy thoái của kinh tế thế giới có thể mất nhiều tháng nếu không muốn nói nhiều năm để chữa lành “vết sẹo”. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của dịch bệnh và khả năng kiểm soát dịch bệnh, chính sách phát triển kinh tế của các quốc gia.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra rằng, Covid-19 là cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội nghiêm trọng nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây. Mức độ nghiêm trọng đã vượt xa khủng hoảng tài chính 2008, thậm chí vượt cả Đại suy thoái ở Mỹ vào những năm 1930.