03/05/2024 lúc 17:32 (GMT+7)
Breaking News

Kinh nghiệm ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào phát triển kinh tế - xã hội của Hoa Kỳ và các giá trị tham khảo cho Việt Nam

Hoa Kỳ là cường quốc đứng đầu thế giới về khoa học, công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào phát triển kinh tế - xã hội.

Những kinh nghiệm của Hoa Kỳ về ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào phát triển kinh tế - xã hội khá phong phú, như: ưu tiên ngân sách cho nghiên cứu và phát triển, hoàn thiện chính sách; xác định rõ vai trò của các chủ thể; thu hút và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ; nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao; đầu tư cho nghiên cứu và phát triển từ khu vực hàn lâm và khu vực phi lợi nhuận.

 

Ảnh minh họa - Internet

Tại Hoa Kỳ, khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ do có hệ sinh thái phong phú về con người, thể chế, chính sách. Hoa Kỳ có những chính sách phù hợp để đẩy nhanh con đường từ phòng thí nghiệm nghiên cứu đến các dự án phát triển và đến thị trường; tăng cường kết nối giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học, các trường đại học với ngành công nghiệp.

Từ thực tiễn của Hoa Kỳ, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, ưu tiên ngân sách cho nghiên cứu và phát triển.

Hoa Kỳ xác định, đầu tư vào công nghệ là đầu tư cho tương lai. Năm 2018, Hoa Kỳ đầu tư 476,5 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển (R&D), tương đương khoảng 2,7% GDP và chiếm khoảng 25% R&D toàn cầu(1). Mức chi cho nghiên cứu và phát triển của Hoa Kỳ cao hơn mức chi của toàn bộ châu Á, cao hơn khu vực EU, mức đầu tư cho nghiên cứu và phát triển theo đầu người đạt mức cao hơn mức trung bình của OECD. Hoa Kỳ đã tăng ngân sách R&D liên bang nhằm khuyến khích đổi mới, chương trình công nghệ. Bên cạnh đó, Chính phủ còn tăng ngân sách cho hoạt động khoa học và công nghệ thông qua các cơ quan, như: Quỹ Khoa học quốc gia, Cục Bảo vệ môi trường. Chính phủ cũng phân bổ kinh phí dành cho từng loại nghiên cứu, trong đó ưu tiên cho R&D.

Trong giai đoạn 2016-2018, trung bình mỗi năm, Hoa Kỳ công bố 281.487 bài báo khoa học, chiếm 18,3% tổng số bài báo khoa học trên thế giới, xếp thứ 2 sau Trung Quốc(2). Năm 2019, Hoa Kỳ dẫn đầu trong danh sách các nhà khoa học có trích dẫn cao trên thế giới (với 2.737 người, chiếm 44% toàn cầu) - có sự ảnh hưởng của các kết quả nghiên cứu trong giới chuyên ngành. Hoa Kỳ có 9/10 trường đại học đứng đầu thế giới về số nhà khoa học có trích dẫn cao. Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2019, Hoa Kỳ có 57.840 bằng sáng chế.

Hai là, hoàn thiện chính sách về nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào phát triển kinh tế - xã hội.

Hoa Kỳ nhanh chóng thiết lập các chính sách đổi mới sáng tạo, bắt đầu từ công bố báo cáo Đổi mới Hoa Kỳ: Thịnh vượng trong một thế giới biến động và thách thức (Innovate America: Thriving in a World of Challenge and Change - hay Palmisano Report) năm 2004 cho đến Luật cơ hội sáng tạo nhằm hỗ trợ thúc đẩy sự xuất sắc trong công nghệ, giáo dục và khoa học của Hoa Kỳ (America COMPTES Act). Tại Hoa Kỳ, Luật cơ hội sáng tạo nhằm thúc đẩy sự xuất sắc trong công nghệ, giáo dục và khoa học, được ban hành vào tháng 8-2007, nhận định đổi mới sẽ là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của Hoa Kỳ, bảo đảm duy trì lợi thế cạnh tranh của Hoa Kỳ trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt.

Tháng 1-2009, Hoa Kỳ ban hành Luật Phục hồi và Tái Đầu tư, trong đó cho phép đầu tư 100 tỷ USD vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tháng 9-2009, Nhà Trắng công bố chiến lược “Đổi mới sáng tạo của Hoa Kỳ: Hướng tới tăng trưởng bền vững và việc làm chất lượng". Ngày 04-02-2011, Nhà Trắng đã công bố một báo cáo chiến lược mới có tựa đề: “Chiến lược Đổi mới sáng tạo của Hoa Kỳ: Bảo đảm tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng”, nêu bật những chính sách thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chiến lược này do Hội đồng Kinh tế Quốc gia, Hội đồng Cố vấn kinh tế và Văn phòng Chính sách khoa học và công nghệ xây dựng. Đây được coi là chiến lược “cập nhật" cho chiến lược có tựa đề “Đổi mới sáng tạo của Hoa Kỳ: hướng tới tăng trưởng bền vững và việc làm chất lượng". Chiến lược mới này nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư vào đổi mới sáng tạo để tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thịnh vượng trong tương lai.

Đạo luật về Hoạt động và kết quả của Chính phủ áp dụng cho Quỹ Khoa học Quốc gia tập trung vào thành tựu lớn trong 4 mục tiêu chiến lược và chất lượng lâu dài gồm: khám phá, học tập, hạ tầng nghiên cứu và quản lý. Công cụ mới cho quản lý nghiên cứu và phát triển trong công nghiệp. Trong doanh nghiệp, khung thời gian trở nên quan trọng hơn nhiều. Một thực tế là các kết quả nghiên cứu trung hạn hay dài hạn có giá trị kém hơn so với các kết quả ngắn hạn. Các nhà quản lý nghiên cứu và phát triển trong công nghiệp sử dụng nhiều loại công cụ để đạt tối đa lợi nhuận từ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Các công cụ này bao gồm tuyển dụng và giữ lại các nhân sự xuất sắc, công nhận tầm quan trọng của tài sản trí tuệ và chấp nhận những thay đổi nhanh chóng để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng và thích nghi với nền công nghệ mới và tổ chức lại cơ cấu.

Chính sách khoa học và công nghệ là một trong những yếu tố duy trì sự phồn thịnh của nền kinh tế Hoa Kỳ trong thời gian qua. Chính phủ tiếp tục đưa ra các chính sách nhằm khuyến khích sự phát triển của khoa học và công nghệ. Năm 2020, Hoa Kỳ công bố “Chiến lược quốc gia về công nghệ then chốt và mới nổi”; “Chiến lược quốc gia về bảo mật mạng 5G”.

Ba là, thu hút và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ.

Hoa Kỳ là nước thu hút được nhiều nhất các nhà nghiên cứu từ các quốc gia trên khắp thế giới trong một thời gian dài và đã dẫn đầu thế giới trong đổi mới và sáng tạo. Chính sách thu hút sinh viên và các nhà nghiên cứu nước ngoài thông qua sự hợp tác giữa Chính phủ và các trường đại học. Các biện pháp thu hút các nhà nghiên cứu tài năng phụ thuộc vào nỗ lực to lớn của các cơ quan chính phủ và viện nghiên cứu, trường đại học. Năm 2009, nước này có trên 1,4 triệu nhà nghiên cứu, đạt tỷ lệ 10 nhà nghiên cứu trên 1000 lao động. Số lượng người tốt nghiệp đại học thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ năm 2006 là khoảng 235.000 người, chiếm khoảng 15% tổng số người tốt nghiệp. Chính phủ nâng cao chất lượng dạy học, đặc biệt là trong các bộ môn toán và khoa học để bảo đảm cho thế hệ tương lai có ưu thế cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. 

Bốn là, trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, khu vực tư nhân là động lực, Chính phủ đóng vai trò quan trọng.

Hoa Kỳ xác định khu vực tư nhân là động lực đổi mới; Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn. Tầm quan trọng hàng đầu của nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học là vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lợi ích công cộng. Vai trò của Chính phủ cũng được thể hiện thông qua giải quyết “sự thất bại của thị trường”, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, lĩnh vực không trực tiếp tạo ra sản phẩm cho thị trường và những khu vực tư nhân không dễ đảm nhiệm, cần đến sự tài trợ của Chính phủ.

Chính phủ cũng đóng một vai trò thiết yếu trong việc thiết lập và thực thi các quy định thích hợp. Chính phủ có thể tăng tốc đổi mới sáng tạo bằng cách thiết lập các quy định trong các lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là bằng cách cập nhật hoặc loại bỏ các quy định đã lỗi thời. Chính phủ đóng vai trò thiết yếu thông qua đầu tư công mà các doanh nghiệp dựa vào đó để phát triển. Đầu tư giáo dục và đào tạo lực lượng lao động cũng tạo nên một trụ cột chính - một lực lượng lao động có năng lực - mà từ đó những ý tưởng mới ra đời. Đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm cả cơ sở hạ tầng thông tin, kết nối các thị trường, tạo ra quy mô hấp dẫn cho sự đổi mới sáng tạo và cho phép phổ biến những thực tiễn tốt nhất. Chính phủ dẫn dắt, khuyến khích sự phát triển khoa học, công nghệ, đặc biệt với những ngành khoa học và công nghệ có sức ảnh hưởng lớn như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn…

Năm là, nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng công nghệ ngày càng cao.

Khu vực doanh nghiệp của Hoa Kỳ tài trợ hai phần ba tổng chi nghiên cứu và phát triển, thực hiện 73% nghiên cứu và phát triển quốc gia. Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của khu vực doanh nghiệp (BERD) đạt khoảng 2% GDP. BERD ở Hoa Kỳ chủ yếu do các hãng lớn và chế tạo công nghệ cao thực hiện, các hãng công nghiệp công nghệ cao chiếm tới 67% nghiên cứu và phát triển công nghiệp; trong khi đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ thực hiện 15%. Điều này cho thấy, Hoa Kỳ tiếp tục duy trì sức mạnh về công nghệ với mức thặng dư lớn trong tài sản trí tuệ. Công nghiệp dịch vụ tăng trưởng nhanh về hàm lượng công nghệ cao.

Sáu là, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển từ khu vực hàn lâm và khu vực phi lợi nhuận tăng cao.

Khoảng 18 tỷ USD (4,9%) trong tổng chi tiêu nghiên cứu và phát triển quốc gia năm 2006 của Hoa Kỳ chủ yếu được cung cấp bởi các quỹ của các trường đại học (9,9 tỷ USD) và các tổ chức phi lợi nhuận ngoài trường đại học (8,1 tỷ USD). Một phần lớn quỹ nghiên cứu của các trường đại học là từ các trợ cấp trực tiếp từ chính quyền bang hay từ các quỹ chung. Các tổ chức phi lợi nhuận ngoài trường đại học đã đầu tư khoảng 8,1 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển, dành gần như toàn bộ cho nghiên cứu cơ bản và ứng dụng. Nguồn tài chính từ khu vực hàn lâm và phi lợi nhuận tăng hằng năm khoảng 6%, cao hơn nhiều so với khu vực doanh nghiệp và chính phủ.

Từ kinh nghiệm của Hoa Kỳ, có thể rút ra các giá trị tham khảo cho Việt Nam như sau:

Một là, hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển khoa học, công nghệ và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào phát triển kinh tế - xã hội.

Xác định rõ ràng vai trò quan trọng của nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước đầu tư ngân sách thích đáng cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ; có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, như chính sách thuế, tín dụng.... 

Các chính sách kinh tế là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến quá trình nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để quá trình này được toàn diện và hiệu quả, Nhà nước phải kết hợp với những chính sách khác, như: tạo môi trường thể chế hay chính sách đãi ngộ, thu hút chuyên gia và nhà khoa học...

Nhà nước cần có cơ chế quản lý tốt, trước hết về tài chính, tiền tệ để tạo ra môi trường kinh tế, xã hội lành mạnh, thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học chân chính, khuyến khích vận dụng, áp dụng khoa học.

Hai là, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ.

Xây dựng chương trình đào tạo hướng đến cải thiện nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Để có một chương trình đào tạo hiệu quả, Chính phủ cần hợp tác với các chuyên gia hàng đầu nhằm đào tạo thế hệ trẻ có kiến thức nền tảng đủ bao quát, tạo bước đệm cho chặng đường nghiên cứu sau này. Đầu tư nâng cao nguồn nhân lực thông qua các khóa đào tạo tại các nước phát triển hơn để học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cần có phương thức phát hiện nhân tài để đào tạo đặc biệt. 

Hình thành mô hình tổ chức nhóm nghiên cứu mạnh tại các trường đại học, các viện, các trung tâm nghiên cứu nhằm trao đổi học thuật, chia sẻ tri thức, hợp tác trong quá trình tạo ra các sản phẩm nghiên cứu khoa học có chất lượng tốt, triển khai, ứng dụng hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học vào phát triển kinh tế - xã hội.

Hoàn thiện hệ thống chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, bảo đảm cho họ yên tâm công tác, cống hiến, sáng tạo và nỗ lực áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, phát huy vai trò của các lực lượng tham gia thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, quá trình chuyển giao kỹ thuật, công nghệ và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào phát triển kinh tế - xã hội.

Thiết lập, hình thành các mô hình tổ chức phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào phát triển kinh tế - xã hội. Cần có cơ chế phù hợp để tạo dựng mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung gian môi giới, đánh giá chuyển giao công nghệ; hình thành, vận hành hiệu quả các khu công nghệ cao; kết nối các sàn giao dịch công nghệ quốc gia với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương. 

Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào phát triển kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các tổ chức khoa học và công nghệ, các đơn vị nghiên cứu nhằm đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào phát triển kinh tế - xã hội. Có định hướng đúng đắn, phù hợp để phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao để các doanh nghiệp này đi đầu, tạo ra trào lưu cuốn hút các doanh nghiệp nỗ lực ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào phát triển doanh nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung.

Bốn là, sử dụng hiệu quả tài chính công nhằm hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào phát triển kinh tế - xã hội.

Ngân sách nhà nước được sử dụng trong khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu và các dự án nghiên cứu có tính ứng dụng, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng. Ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp có nghiên cứu và ứng dụng, dựa trên quy mô và tốc độ tăng chi tiêu của doanh nghiệp cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng. Nhà nước có thể sử dụng mua sắm, đầu tư công để ưu tiên mua hàng từ các doanh nghiệp trong nước có ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ mới, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhà nước sử dụng ngân sách để tài trợ cho các nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu tại các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp. 

Năm là, nâng cao sự tự chủ của các viện nghiên cứu, trường đại học hoạt động như một doanh nghiệp.

Việc các trường đại học, viện nghiên cứu hoạt động tự chủ như doanh nghiệp rất quan trọng trong nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào phát triển kinh tế - xã hội. Một mặt, sự tự chủ khuyến khích và đòi hỏi các trường đại học, viện nghiên cứu phải tìm cách thúc đẩy nghiên cứu và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, từ đó có nguồn thu để hoạt động. Họ không còn có thể dựa vào nhà nước để tồn tại mà phải tìm cách có thu nhập từ chính kết quả nghiên cứu. Điều này giúp cho kết quả nghiên cứu tìm đến doanh nghiệp nhanh hơn, các kết quả nghiên cứu cũng bám sát nhu cầu doanh nghiệp và có tính ứng dụng cao hơn. Mặt khác, sự tự chủ cũng giúp nâng cao năng lực nghiên cứu của trường đại học, viện nghiên cứu. Họ có động lực để tự nâng cao khả năng nghiên cứu, có nguồn lực để trả lương xứng đáng và thu hút các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trình độ cao. 

__________________

(1) Viện Thống kê UNESCO (UNESCO Institute of Statistics) năm 2018.

(2) Viện Khoa học và chính sách công nghệ quốc gia Nhật Bản, năm 2018.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Khoa học và công nghệ, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia: Khoa học và công nghệ thế giới: Đổi mới và phát triển kinh tế tri thức, Nxb. Khoa học và kỹ thuật Hà Nội, 2011.

2. Bộ Khoa học và công nghệ, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia: Khoa học và công nghệ thế giới: Những xu hướng mới, Nxb. Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2018.

TS LÊ THỊ MINH HÀ

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

...