23/11/2024 lúc 09:54 (GMT+7)
Breaking News

Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của Hàn Quốc

VNHN - Tham nhũng là hiện tượng xảy ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và trở thành mối quan tâm hàng đầu của mỗi nước, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

VNHN - Tham nhũng là hiện tượng xảy ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và trở thành mối quan tâm hàng đầu của mỗi nước, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Đó là một trong những trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và sự phồn vinh của các quốc gia dân tộc. Hàn Quốc là nước có nhiều đặc điểm văn hóa tương đồng với Việt Nam và đã có nhiều thành tựu trong phòng chống tham nhũng. Việc nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ Hàn Quốc là điều cần thiết để tìm những giá trị tham khảo cho Việt Nam.

Ảnh minh họa - Internet

Trong những năm 90 của thế kỷ XX, tương tự như các nước đang phát triển khác, Hàn Quốc tập trung nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, bước đầu đạt nhiều thành tựu. Song song với thành tựu kinh tế, nạn tham nhũng ở Hàn Quốc cũng rất nghiêm trọng, tấn công vào nhiều lĩnh vực của đời sống. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là cải cách hành chính chưa tương ứng với cải cách kinh tế.

Ngày nay, Hàn Quốc là nền kinh tế phát triển, đứng thứ ba ở châu Á và đứng thứ 13 trên thế giới. Sau Chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc đã từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành một trong những nước phát triển nhất, là thành viên của OECD (1996). Với nền công nghiệp phát triển, nhiều lĩnh vực chiếm vị trí hàng đầu thế giới, như: công nghiệp chất bán dẫn, ô tô, đóng tàu, sản xuất thép và công nghệ thông tin, với những thương hiệu như: Hyundai, Samsung, LG... Nền kinh tế Hàn Quốc có quy mô hơn 1500 tỷ USD (2017), thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đã vượt ngưỡng 30 nghìn USD. Cùng với sự phát triển về kinh tế, đời sống của nhân dân được nâng cao, ngang bằng các quốc gia phát triển khác ở châu Âu và các nước Bắc Mỹ. Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,912 vào năm 2006. Chỉ trong vòng hai thập kỷ (từ năm 1995), công cuộc phòng, chống tham nhũng của Hàn Quốc đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế về Chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2017, Hàn Quốc là một trong số các quốc gia ít tham nhũng nhất trong số 175 quốc gia. Xếp hạng tham nhũng ở Hàn Quốc trung bình 42,17 từ năm 1995 đến năm 2017, đạt mức cao kỷ lục 52 và mức thấp kỷ lục 27, năm 1996(1).

Từ những thành tựu trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Hàn Quốc, có thể đúc rút một số kinh nghiệm:

1. Chính phủ phải có cam kết chính trị mạnh mẽ, quyết liệt; tầm nhìn chiến lược và chương trình hành động nhất quán, rõ ràng về phòng chống tham nhũng. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành bại và huy động toàn xã hội Hàn Quốc vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Quyết tâm đó của Chính phủ thể hiện qua các chính sách, biện pháp ngắn hạn và dài hạn, đồng bộ, hiệu quả. Chính phủ Hàn Quốc đã nghiên cứu và học tập kinh nghiệm chống tham nhũng để xây dựng Luật Chống tham nhũng (2001) và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến chống tham nhũng; cải cách thể chế hành chính; cải thiện mức sống của cán bộ, công chức; tham gia các Công ước phòng, chống tham nhũng và tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng; khuyến khích và bảo vệ người dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền, giáo dục về tác hại của tham nhũng, lên án tham nhũng trong hệ thống trường học và trên phương tiện truyền thông; xác định đúng vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông là một công cụ, một lực lượng hữu hiệu thu hút, kết nối mọi tầng lớp nhân dân tham gia chống tham nhũng; khuyến khích và bảo vệ người dân phát hiện và trừng trị tham nhũng... Nhìn chung, các biện pháp phòng, chống tham nhũng ở Hàn Quốc tương đối đa dạng, khích lệ sự tham gia của toàn xã hội vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Để thực hiện quyết tâm chính trị của mình, Chính phủ Hàn Quốc nhận thức rõ rằng, cần có sự phối hợp giữa Chính phủ, truyền thông, các tổ chức quần chúng và người dân. Trong đó, nhân dân được coi là động lực, là lực lượng to lớn có vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Luật Chống tham nhũng của Hàn Quốc trao cho công dân quyền hạn rộng rãi. Mọi công dân đều có nhiệm vụ tích cực hợp tác với các cơ quan nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng và có quyền yêu cầu cơ quan chống tham nhũng thanh tra các trường hợp nghi ngờ có tham nhũng. Hàn Quốc đã lập “quỹ chống tham nhũng” và tổ chức diễn đàn của công chúng về phòng, chống tham nhũng. Nhân dân là người đánh giá thực trạng tham nhũng; đánh giá hiệu quả các chương trình, chiến lược chống tham nhũng của Chính phủ. Ý kiến của người dân là cơ sở để hoạch định chính sách, phát hiện tham nhũng.

2. Nhà nước ban hành hệ thống pháp luật chặt chẽ, trên cơ sở đó thành lập các cơ quan phòng, chống tham nhũng thực quyền, đủ thẩm quyền, bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng, dân chủ. Hệ thống pháp luật là cơ sở pháp lý cho công cuộc chống tham nhũng. Luật Chống tham nhũng được Hàn Quốc ban hành ngày 24/7/2001 là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất để phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, các luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng trong hệ thống pháp luật rất phong phú, đa dạng, khá hoàn chỉnh, hỗ trợ cho việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn. Thí dụ như: Bộ luật Hình sự, Luật Đạo đức công chức, Dự thảo Luật Ngăn chặn vận động hành lang tiêu cực và xung đột lợi ích, Quy tắc Ứng xử của công chức, Luật Kiểm toán và thanh tra, Luật về lương và điều kiện xã hội, cùng rất nhiều chương trình chống tham nhũng khác trên toàn quốc...

Luật Chống tham nhũng của Hàn Quốc xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, của công chức và của công dân trong việc chống tham nhũng. Hàn Quốc cũng có một hệ thống các cơ quan chức năng có hiệu lực trong phòng, chống tham nhũng. Ủy ban Độc lập chống tham nhũng (KICAC - thành lập năm 2002 sau đó đổi thành Ủy ban Chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc - ACRC). ACRC là cơ quan trực thuộc Tổng thống, người đứng đầu do Tổng thống chỉ định. ACRC có vị trí quan trọng, được trao quyền rất lớn và hoạt động độc lập. Ủy ban được quyền thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để phòng, chống tham nhũng, từ việc đề ra và đánh giá các chính sách chống tham nhũng, đánh giá mức độ trong sạch trong các cơ quan hành chính, tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng... đến việc bồi thường, khen thưởng và bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Ngoài ACRC còn có: Cảnh sát, Viện Kiểm toán và Thanh tra, Viện Công tố và nhiều cơ quan có chức năng chống tham nhũng được bố trí từ Trung ương đến địa phương; hoạt động mạnh trong những lĩnh vực trọng điểm, dễ xảy ra tham nhũng.

Để điều tra chống tham nhũng, Cơ quan điều tra đặc biệt được thành lập gồm 90 nhân viên thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các quan chức cao cấp, các cơ quan nhà nước trên các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, như: thuế vụ, hải quan, xây dựng, đấu thầu, giáo dục. Chính phủ Hàn Quốc còn thiết lập đường dây nóng 188, thành lập hệ thống xử lý thông tin, dữ liệu thông tin, hồ sơ gửi đến cơ quan thanh tra và kiểm toán(2). Hệ thống các cơ quan chống tham nhũng của Hàn Quốc được thiết kế và vận hành theo nguyên tắc độc lập, tự chịu trách nhiệm. Nhìn chung việc tổ chức phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng của Hàn Quốc bảo đảm nhanh nhạy trong việc xử lý tham nhũng, có một thể chế chống tham nhũng hoàn thiện và hiệu quả(3).

Viện Công tố Hàn Quốc là cơ quan có vai trò đặc biệt trong phòng, chống tham nhũng. Đây là cơ quan duy nhất có quyền buộc tội đối với các bị can trong các vụ án hình sự, trong đó có tội tham nhũng. Các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng khác của Chính phủ khi phát hiện các dấu hiệu của vụ án tham nhũng thì phải chuyển toàn bộ vụ việc đến Viện Công tố. Khi điều tra các vụ án tham nhũng, cơ quan cảnh sát phải có lệnh của Viện Công tố. Viện Công tố trực tiếp tiến hành điều tra các vụ án tham nhũng liên quan đến tài chính, ngân hàng (rửa tiền, giao dịch phi pháp...), liên quan đến các quan chức cấp cao, kể cả Tổng thống. Đối với những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thì Viện trưởng Viện Công tố phải trực tiếp chỉ đạo điều tra. Các hoạt động điều tra của Viện Công tố được tiến hành độc lập.

3. Xây dựng bộ máy hành chính - công vụ minh bạch, tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng trong mọi hoạt động của bộ máy công quyền, đặc biệt là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Để xây dựng được bộ máy đó, Hàn Quốc tiến hành các cải cách hành chính, đặt trọng tâm là tái cơ cấu nhằm làm tinh gọn bộ máy, áp dụng nguyên tắc cạnh tranh và nguyên tắc chất lượng thực thi công vụ theo vị trí việc làm. Cải cách cơ cấu được áp dụng cùng lúc trong các lĩnh vực, nhằm phát huy tính kỷ luật và hiệu quả của nguyên tắc thị trường và lực lượng thị trường, đồng thời, phát huy tác dụng trong phòng, chống tham nhũng.

Từ năm 2003, Hàn Quốc đã thành lập “hệ thống tuyển dụng mở”. Theo đó, hàng trăm vị trí công vụ được mở cửa cho các ứng viên bên ngoài tham gia thi tuyển, dựa trên năng lực, trình độ và hạnh kiểm. Các vị trí mở cửa thi tuyển đã tăng lên từ 15,9% thời Tổng thống Kim Dae-jung lên 30,6% thời Tổng thống Roh Moo-hyun (tính đến tháng 1/2004). Ðể kiểm soát tham nhũng, tất cả các công chức và các ứng viên thi vào hệ thống công vụ đều phải kê khai tài sản. Hàn Quốc cũng thành lập một “Hệ thống kiểm soát công chức nhà nước” để thường xuyên theo dõi nhân sự hành chính, đặc biệt là kiểm soát việc phình to bộ máy, tăng số lượng công chức.

Từ năm 1999, Chính phủ Tổng thống Kim Dae-jung đã áp dụng chế độ lương, thưởng dựa theo đánh giá chất lượng hoạt động của từng cá nhân công chức (hoàn toàn khác với cơ chế trả lương dựa theo cấp bậc kiểu truyền thống). Theo đó, những công chức hoàn thành tốt công việc của mình sẽ được thưởng thêm 150%, 100% hoặc 50% lương cơ bản, tùy theo họ được xếp vào nhóm 10% giỏi nhất, hay 10-30% hoặc 30-70% người giỏi nhất(4).

Chương trình cải cách hành chính của Hàn Quốc cũng nhằm giảm số lượng các quy định, thủ tục hành chính, là nơi chủ yếu nảy sinh nạn hối lộ. Đến đầu những năm 2000, các thủ tục hành chính ở Hàn Quốc đã giảm một nửa. Về thể chế, đã sửa đổi các quy định của nhà nước để bảo đảm sự thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường trên nguyên tắc giảm bớt sự can thiệp của nhà nước và giảm chi phí cho người dân. Các lĩnh vực được cải cách về thể chế là: quản lý hành chính, nhân sự, quản lý tài chính; quản lý doanh nghiệp công và quản lý lao động.

Hiện nay, tại Hàn Quốc, bình quân có 27 công chức trên 1 nghìn dân, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ là 75,4, Pháp là 82,2... Hàn Quốc đã xây dựng được mạng lưới hạ tầng thông tin thuộc loại tốt nhất trên thế giới, thiết lập xong hệ thống xử lý công việc hành chính trong nội bộ các cơ quan hành chính thông qua mạng điện tử, tiến hành việc cung cấp dịch vụ công thông qua internet, kể cả việc cung cấp dịch vụ hành chính thông qua điện thoại di động, công khai hóa việc xử lý các vấn đề của dân, của doanh nghiệp trên mạng(5)...

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, việc xây dựng chính phủ điện tử là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả. Điều đó đã phát huy tác dụng tốt trong phòng, chống tham nhũng. Khi mọi thủ tục hành chính, khiếu nại của công dân, mọi thông tin, cấp phép, xin phép, nộp thuế, khai hải quan... đều thực hiện thông qua mạng internet. Nhờ hạn chế việc công chức tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp, do đó giảm các cơ hội để nhũng nhiễu hoặc nhận hối lộ. Hơn nữa, chính phủ điện tử vừa tăng tính công khai, minh bạch vừa nhanh chóng, giảm thiểu được thời gian, chi phí đi lại.

Trong quản lý nhân sự, Chính phủ Hàn quốc đã xây dựng một hệ thống quản lý nhân sự có tên là “e- Saram” rất khoa học, minh bạch, hiệu quả. Theo đó, mọi thông tin của cán bộ công chức đều được cập nhật từ khi bắt đầu được tuyển dụng đến khi nghỉ hưu. Mọi thay đổi của cán bộ trong quá trình làm việc, như: đi học, nghỉ phép, làm việc tăng ca... đều được cập nhật kịp thời. Theo đó, nhà quản lý cũng có thể nắm được tình hình làm việc của mỗi cán bộ để thưởng - phạt đúng. Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, bộ máy hành chính nhà nước Hàn Quốc khá tinh gọn, minh bạch, trọng dụng nhân tài, tạo hiệu quả tối ưu cho hệ thống công vụ.

Cải cách trong mua sắm công để chống tham nhũng. Từ sau khi có Luật Chống tham nhũng, Hàn Quốc thiết lập hệ thống mua sắm công trực tuyến (online), quy định bắt buộc áp dụng thống nhất trong cả nước. Mọi cơ quan có nhu cầu mua sắm, danh sách các nhà cung cấp sản phẩm đều phải công bố công khai trên mạng. Việc đấu thầu và chấm thầu sẽ được tiến hành trên mạng bằng hệ thống chấm điểm tự động. Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn thành lập một Hội đồng chấm thầu gồm 5 chuyên gia để chấm điểm cho những gói thầu phức tạp. Hệ thống cơ quan mua sắm công tập trung của Hàn Quốc bao gồm: Trung tâm mua sắm công tập trung Trung ương (Public Procurement Service - PPS) thuộc Bộ Kế hoạch và Tài chính và 11 văn phòng khu vực với 945 nhân viên. Hiện nay, ở Hàn Quốc việc mua sắm công trực tuyến đã đạt tới 95% trong các các cơ quan nhà nước.

Hệ thống Mua sắm công trực tuyến của Hàn Quốc đã được quốc tế đánh giá cao. Năm 2003, Hàn Quốc đoạt giải nhất Dịch vụ công cộng của Liên Hợp quốc, năm 2006 đoạt giải thưởng công nghệ thông tin xuất sắc toàn cầu, năm 2007 đoạt giải thưởng Thương mại điện tử khu vực châu Á(6).

4. Xây dựng và thực hành các chuẩn mực đạo đức công vụ liêm chính. Luật Đạo đức Công chức của Hàn Quốc ban hành ngày 31/12/1981, có hiệu lực từ ngày 1/1/1983 (được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1993, 2001, 2005) với các nội dung chủ yếu là: chế độ đăng ký, kê khai tài sản của công chức; chế độ tín thác cổ phiếu; khai báo khi nhận quà cáp, tiền mừng và giới hạn việc làm của công chức sau khi nghỉ hưu. Việc kê khai, khai báo những vấn đề liên quan được quy định chặt chẽ, cụ thể, tiện lợi, thông qua hệ thống điện tử. Hàn Quốc thành lập Ủy ban Đạo đức Công chức để đánh giá, xác minh, xử lý và chấp thuận tính trung thực của việc kê khai, khai báo tài sản. Những món quà, tiền mừng của cá nhân, tổ chức nước ngoài tặng cho công chức có giá trị từ 100 USD phải báo cáo, kê khai và nộp lại cho Nhà nước.

Việc làm và hoạt động sau khi công chức nghỉ hưu cũng được quy định, có giới hạn để không tạo điều kiện cho các hành vi tham nhũng do công việc mà công chức đảm nhiệm khi đương chức. Việc này được Ủy ban đạo đức công chức giám sát chặt chẽ.

Hàn Quốc có tổng cộng 265 Ủy ban Đạo đức Công chức, trong đó có 5 Ủy ban trong các cơ quan ở Trung ương (Quốc hội, Tòa án Tối cao, Tòa án Hiến pháp, Ủy ban Bầu cử Quốc gia, Bộ Hành chính) và 260 Ủy ban ở địa phương. Các Ủy ban nêu trên độc lập với nhau, với cơ cấu chung, gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban và 9 Ủy viên. Nhiệm kỳ của Ủy ban là 2 năm. Chức năng chính của Ủy ban là thẩm tra việc kê khai tài sản, xác nhận, cấp phép làm việc cho công chức nghỉ hưu...

Bên cạnh Luật Đạo đức Công chức, Hàn Quốc còn xây dựng và ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của Công chức (2003) và Quy tắc Ứng xử cho các Hội đồng địa phương (2010) dưới hình thức Pháp lệnh của Tổng thống. Các Quy tắc Ứng xử này không chỉ quy định về đạo đức công vụ nói chung mà còn nhấn mạnh vai trò phòng chống tham nhũng, dưới hình thức các chuẩn mực ứng xử. Ủy ban Phòng, chống tham nhũng và Quyền công dân là cơ quan được giao hướng dẫn việc thực hiện quy tắc ứng xử của công chức, giáo dục, tư vấn, quảng bá về quy tắc ứng xử; kiểm tra, điều tra những hành vi vi phạm quy tắc ứng xử; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức trong việc cụ thể hóa quy tắc ứng xử trong từng cơ quan, tổ chức. Ngoài ra, trong các cơ quan, tổ chức phải chỉ định “người quản lý quy tắc ứng xử” để tổng điều hành các công việc liên quan đến quy tắc ứng xử.

Bộ Quy tắc Ứng xử của công chức cũng quy định rõ những yêu cầu mà công chức cần phải thực hiện và những điều cấm đối với công chức; tạo điều kiện để công chức hoàn thiện thái độ và nhân cách của mình. Những người đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, khi nhậm chức phải tuyên thệ tuân thủ nguyên tắc Bộ quy tắc ứng xử.

Hàn Quốc rất chú ý cải thiện chế độ tiền lương và thực hiện các chính sách liên quan đến quyền lợi cho công chức, bảo đảm cho công chức có thu nhập xứng đáng với lao động của họ, yên tâm thực hiện phận sự công chức. Chính phủ Hàn Quốc còn ban hành Quy định về kê khai và công khai tài sản của công chức nhằm ngăn ngừa công chức tích tụ tài sản bất hợp pháp.

Phương châm mà Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra trong phòng, chống tham nhũng là khá tương đồng với nhiều nước, trong đó có Việt Nam: Những người lãnh đạo của đất nước phải trong sạch, gương mẫu; thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; khi phát hiện các vụ việc tham nhũng phải tập trung xử lý và xử lý nghiêm khắc, trừng trị thích đáng kẻ tham nhũng; chống tham nhũng từ trên xuống, từ trong ra và không có vùng cấm.

Bộ máy hành chính và các thể chế phòng chống tham nhũng ở Hàn Quốc đã trừng trị nghiêm khắc đối với tội tham nhũng bất kể người đó là ai. Từ những năm 90 thế kỷ XX đến nay, Hàn Quốc đã tịch thu tài sản tham ô, truy tố và bỏ tù hàng trăm quan chức Chính phủ phạm tội tham nhũng, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng, ba cựu Tổng thống (Chun Doo-hwan, Roh Tae-woo, Lee Myung-back), phế truất và kết án một Tổng thống đương nhiệm (Park Geun-hye)...

5. Xây dựng cơ chế bảo vệ và khen thưởng những người tố cáo tham nhũng. Hàn Quốc quy định rõ ràng và chi tiết trách nhiệm của các cơ quan phòng chống tham nhũng đối với việc bảo đảm an toàn thân thể, tính mạng, kinh tế, việc làm cho người tố cáo tham nhũng và thân nhân của họ trong thời gian dài.

Việc bảo vệ, khen thưởng người tố cáo tham nhũng được áp dụng nhiều biện pháp, như: bí mật danh tính, thông tin cá nhân, cử cảnh sát canh gác, hộ tống, bảo đảm an toàn tính mạng, đến chăm lo đời sống, việc làm... Nếu phát hiện các các doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước trù dập người tố cáo bằng cách gây khó dễ, cho thôi việc, phân biệt đối xử, mất lợi ích kinh tế... thì Cơ quan phòng chống tham nhũng buộc các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước này, trong vòng 30 ngày phải phục hồi cho người tố cáo. Những ai vi phạm các quy định bảo vệ người tố cáo tham nhũng có thể bị phạt tù 3 năm hoặc phạt tiền lên tới 10 triệu uôn. Chính phủ còn thực hiện đền bù thiệt hại về vật chất và tinh thần cho những người tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng. Tiền đền bù lấy từ tiền thu được nhờ sự tố cáo tham nhũng, dao động từ 4% đến 20%. Ngoài ra người tố cáo còn có thể được miễn giảm về hình sự hoặc kỷ luật nếu liên quan đến sai phạm. Bằng các biện pháp này, Hàn Quốc đã khích lệ tinh thần chống tham nhũng trong nhân dân, đồng thời góp phần xây dựng các chuẩn mực văn hóa chống tham nhũng.

TS Nguyễn Thị Thanh Dung - Viện Chính trị học

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

--------------------------------

(1) https://translate.google.com.vn

(2) http://www.tapchicongsan.org.vn

(3), (6) http://noichinh.vn

(4), (5) http://cstc.cand.com.vn