19/04/2024 lúc 08:49 (GMT+7)
Breaking News

Kinh doanh khởi sắc, đường sắt vẫn chưa thể hết lỗ

Sau 2 năm thua lỗ triền miên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu vận chuyển hành khách đã tăng bùng nổ, đưa doanh nghiệp ngành đường sắt có lãi trở lại.

Báo cáo Tổng cục Thống kê cho thấy 10 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách bằng đường sắt ước đạt 3,7 triệu hành khách (tăng ấn tượng 187,1%) và luân chuyển đạt 1,4 tỷ hành khách.km (tăng 140,2%) so với cùng kỳ năm trước. Còn vận chuyển hàng hóa giữ vững đà tăng, chuyên chở 4,8 triệu tấn (tăng 4,9%) và luân chuyển 3,8 tỷ tấn.km (tăng 19,6%) so với cùng kỳ năm trước.

9 tháng đầu năm 2022, đường sắt bất ngờ báo lãi sau 2 năm thua lỗ triền miên

Theo báo cáo tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2022 do Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội vừa công bố, tổng doanh thu cung cấp dịch vụ hàng hóa dịch vụ, doanh thu tài chính và thu nhập khác đạt hơn 1.760 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu vận tải hàng hóa gần 930 tỷ, vận tải hành khách hơn 599 tỷ, vận chuyển hành lý hơn 12 tỷ và từ hoạt động dịch vụ khác hơn 204 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế dương gần 35,2 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ vận tải hàng hóa khoảng 60%, từ vận tải hành khách khoảng 40%. Trong khi 9 tháng năm 2021 lợi nhuận sau thuế âm hơn 88 tỷ.

Đáng nói, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2022 đảo chiều ngoạn mục, từ mức lỗ hơn 88 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021 lên mức lãi hơn 35 tỷ đồng, với mức tăng gấp 3,5 lần, do tỷ lệ tăng doanh thu và thu nhập tăng mạnh 37%, trong khi tỷ lệ tăng chi phí thấp hơn là 31%.

Trao đổi với PV Tạp chí Việt Nam Hội nhập, ông Đỗ Văn Hoan – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, sau hai năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, nhu cầu đi lại của người dân dần phục hồi nên sản lượng, doanh thu cung cấp hàng hóa dịch vụ tăng lên với giá trị tăng tương ứng gần 665 tỷ đồng. Trong đó, vận chuyển hàng hóa tăng hơn 196 tỷ, vận chuyển hành khách tăng hơn 440 tỷ, dịch vụ khác tăng hơn 23 tỷ.

Tương tự, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng cho biết 9 tháng năm 2022, doanh thu vận chuyển hành khách, hàng hoá tăng trưởng tương đối tốt so với năm 2021, đạt khoảng 1.220 tỷ đồng. lợi nhuận sau thuế hơn 38,3 tỷ. Trong khi cùng kỳ năm trước, doanh thu chỉ được hơn 648,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm hơn 61,3 tỷ đồng.

Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh nhu cầu di chuyển của người dân tăng cao, ngành đường sắt gặt hái một mùa hè bội thu sau khi thắng lớn dịp 30/4 - 1/5. Đây là một trong những nguyên nhân chính giúp các doanh nghiệp Vận tải đường sắt đều báo lãi sau 9 tháng đầu năm 2022 và doanh thu tăng mạnh, đặc biệt là doanh thu vận chuyển hành khách.

Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát cũng là yếu tố quan trọng nhất giúp đường sắt phục hồi. Đặc biệt, sự chủ động và linh hoạt của các DN đường sắt trong việc thay đổi chiến lược và mô hình kinh doanh phù hợp với tình hình mới cũng giúp họ đang dần đứng dậy nhờ nội lực của chính mình.

Nhìn lại bức tranh kinh doanh u ám năm 2021, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn đạt doanh thu thuần đạt 893,58 tỷ đồng, giảm 28,7% so với năm trước. Do kinh doanh dưới giá vốn, công ty tiếp tục lỗ thêm 139 tỷ đồng, trước đó, năm 2020 ghi nhận lỗ tới 217 tỷ đồng.

Về phía Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội năm 2021, doanh thu bán hàng đạt 1.547 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2020. Công ty lỗ 121,6 tỷ đồng, cải thiện hơn so với năm 2020 lỗ tới 196 tỷ đồng.

Đây là kết quả đáng mừng sau suốt 2 năm dài ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng, khiến các doanh nghiệp vận tải đường sắt chìm sâu vào thua lỗ.

Ngành đường sắt chuẩn bị cho mùa cao điểm Tết Quý Mão 2023 sắp tới

Tuy nhiên, theo đại diện các doanh nghiệp vận tải đường sắt, dự kiến cả năm 2022 vẫn chưa thoát lỗ.

Ông Hoan chia sẻ: “Tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm 22022 là kết quả đáng mừng sau 2 năm 2020, 2021 ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng.

Tuy vậy, tính cả năm 2022, dự kiến vẫn chưa thoát lỗ do quý IV là mùa thấp điểm vận tải hành khách, sản lượng vận tải hàng hóa cũng giảm nhẹ do hàng hoá một phần chuyển sang các phương tiện vận chuyển khác khi giao thông hậu Covid-19 thuận lợi hơn. Trong khi đó, doanh thu khả quan từ mùa cao điểm Tết Quý Mão 2023 tới đây sẽ tính vào kết quả sản xuất kinh doanh năm sau”.

Cũng theo ông Hoan, đặc thù của ngành đường sắt là các chi phí năm 2022 đều đổ dồn vào quý IV do phải trả các khoản chi phí còn nợ trong năm, trả lương người lao động và chi phí chiếm tỷ lệ nhiều nhất là sửa chữa toa xe để đưa ra chạy tàu Tết.

Dù vậy, kết quả kinh doanh cuối năm 2022 của Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội được dự báo rất khả quan so với số lỗ dự kiến hơn 110 tỷ đồng đã được thông qua tại Đại hội cổ đông công ty đầu năm.

“Trong quý IV, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát các luồng khách để từ đó tập trung thu hút hành khách đi tàu được đông nhất. Đồng thời có những giải pháp để tăng trưởng lượng hàng hoá vào dịp cuối năm. Hy vọng tình hình kinh doanh của ngành đường sắt năm tới sẻ khởi sắt hơn nữa”, ông Hoan thông tin.

Tương tự, với Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, dự kiến cả năm 2022 giảm lỗ đáng kể so với mức khoảng 77 tỷ theo kế hoạch Nghị quyết đại hội cổ đông thông qua đầu năm 2022, từ đó sớm thoát lỗ trong năm tiếp theo.

Đinh Tịnh - Nguyễn Lâm