26/11/2024 lúc 08:38 (GMT+7)
Breaking News

Kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sửa Thông tư 12/2017

VNHNO - Thông tư 12/2017/TT-BKHCN (Thông tư 12) của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 26/2012/TT-BKHCN (Thông tư 26) qui định về “kiểm tra nhà nước chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường”, đã cắt bỏ Khoản 2d tại Thông tư 26 là một bước lùi trong xây dựng pháp luật, 7 hiệp hội trong lĩnh vực chế biến thực phẩm thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ngày 24/10/2018 tiếp tục kiến nghị sửa lại Thông tư 12.

VNHNO - Thông tư 12/2017/TT-BKHCN (Thông tư 12) của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 26/2012/TT-BKHCN (Thông tư 26) qui định về “kiểm tra nhà nước chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường”, đã cắt bỏ Khoản 2d tại Thông tư 26 là một bước lùi trong xây dựng pháp luật, 7 hiệp hội trong lĩnh vực chế biến thực phẩm thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ngày 24/10/2018 tiếp tục kiến nghị sửa lại Thông tư 12.

Ảnh minh họa

Mới đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học Công nghệ đã có Công văn 2050/TĐC-QLCL giải đáp thắc mắc của các hiệp hội trong lĩnh vực chế biến thực phẩm khi thực hiện Thông tư 12 và khẳng định, Thông tư 12 không tước bỏ quyền khiếu nại của người bán hàng.

Tuy nhiên, điều này vẫn không làm đại diện các hiệp hội trong lĩnh vực chế biến thực phẩm hết lo ngại khi cơ quan chức năng thực thi kiểm tra chất lượng hàng hoá theo Thông tư 12, vì các lý do sau:

Điều 64 và Điều 65 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá quy định: “Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại” và “cơ quan nhà nước.... xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo...Theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo”.

Để hướng dẫn 2 điều luật này, các văn bản dưới luật, trong có Thông tư 26 của Bộ Khoa học Công nghệ, tại khoản 2d điều 9, hướng dẫn chi tiết: “Trường hợp không nhất trí với kết quả thử nghiệm mẫu, trong thời gian 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo kết quả thử nghiệm mẫu không đạt yêu cầu chất lượng, người bán hàng có thể đề nghị bằng văn bản kiểm tra thử nghiệm lại đối với mẫu lưu ở một tổ chức thử nghiệm được chỉ định khác; kết quả thử nghiệm này là căn cứ để cơ quan kiểm tra xử lý, kết luận cuối cùng, chi phí do người bán hàng chi trả”.

Hoạt động thử nghiệm có bản chất là một hoạt động mang tính kinh doanh dịch vụ (Nghị định 107/2016/NĐ-CP), các hiệp hội cho rằng, Thông tư 26 trước đây của Bộ Khoa học Công nghệ cho phép người có hàng hoá bị kiểm tra được “đề nghị thử nghiệm lại đối với mẫu lưu ở một tổ chức thử nghiệm được chỉ định khác”.

Điều này vừa giúp cho người bán hàng tránh được những thiệt hại lớn trong quá trình kinh doanh do nguy cơ bị “oan, sai”, đồng thời cũng loại bỏ tối đa nguy cơ cơ quan quản lý nhà nước bị khiếu kiện, do tách biệt được trách nhiệm hành nghề của tổ chức thử nghiệm với trách nhiệm quản lý của cơ quan kiểm tra, đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, khi xây dựng Thông tư 12 (hiệu lực từ ngày 1/1/2018) sửa Thông tư 26, cơ quan soạn thảo của Bộ Khoa học Công nghệ đã cắt bỏ nội dung Khoản 2d, Điều 9, Thông tư 26 và quy định tại Thông tư 12 có nội dung: Sau khi cơ quan kiểm tra tiến hành thử nghiệm mẫu hàng hoá kết quả không đạt chất lượng, trong vòng 2 ngày làm việc, cơ quan kiểm tra sẽ ra thông báo tạm dừng lưu thông hàng hoá, yêu cầu người bán hàng cung cấp thông tin liên quan về hàng hoá cùng loại (số lượng hàng hoá còn tồn, đã bán…) và liên hệ với người sản xuất, nhập khẩu biết để khắc phục, xử lý, sửa chữa... (khoản 6 Điều 1).

Các hiệp hội cho rằng, qui định như vậy là đồng nhất hoạt động kiểm tra với hoạt động thử nghiệm, xử lý kết quả kiểm tra chỉ dựa trên kết quả thử nghiệm mẫu của một tổ chức thử nghiệm duy nhất.

Điều này dẫn đến khó khăn khi thực thi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá, tốn thời gian và chi phí cho cả cơ quan thực thi và doanh nghiệp, thậm chí có trường hợp khi các khiếu nại kết quả kiểm nghiệm ban đầu sai, doanh nghiệp khiếu nại giải quyết xong thì đã bị phá sản.

Đối với hàng hoá là thực phẩm, tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp “chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước, cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng, kết luận cuối cùng khi có sự khác biệt về kết quả kiểm nghiệm giữa các cơ sở kiểm nghiệm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý”, các Bộ đều đã chỉ định các cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng.

Điều này thể hiện sự thống nhất từ Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá đến Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm cũng như Thông tư 26 cụ thể hóa các hướng dẫn của Nghị định thực thi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Thông tư 12 của Bộ Khoa học Công nghệ ban hành đã bãi bỏ Khoản 2d Điều 9 Thông tư 26 là không phù hợp.

Từ những lý do trên, các hiệp hội trong lĩnh vực chế biến thực phẩm tiếp tục kiến nghị Bộ Khoa học Công nghệ sửa lại Thông tư 12 theo hướng giữ nguyên Khoản 2d, Điều 9, tại Thông tư 26 trước đây cho phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá và Luật An toàn thực phẩm cũng như Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn thực thi Luật An toàn thực phẩm, qua đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh./.

Theo Congthuong.vn