23/11/2024 lúc 21:02 (GMT+7)
Breaking News

Kiện được đất mất tình thân!

VNHN - Ngày 22/06/2019, Tòa soạn VNHN nhận được đơn thư của bà Trần Thị Sự trú tại thôn 1, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa phản ánh về việc mảnh đất đứng tên chồng bà nhưng bị ông Hồng (anh trai ruột của chồng bà) kiện đòi chia đất từ 2012.

VNHN - Ngày 22/06/2019, Tòa soạn VNHN nhận được đơn thư của bà Trần Thị Sự trú tại thôn 1, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa phản ánh về việc mảnh đất đứng tên chồng bà nhưng bị ông Hồng (anh trai ruột của chồng bà) kiện đòi chia đất từ 2012.

Ngay sau khi nhận được đơn thư, PV đã lần lượt đến nhà bà Sự, UBND xã Thiệu Đô, tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Hồng (cũng trú tại thôn 1, xã Thiệu Đô) tại UBND xã Thiệu Đô, gặp Thẩm phán TAND huyện Thiệu Hóa, Thẩm phán TAND tỉnh Thanh Hóa, Phó chủ tịch huyện Thiệu Hóa phụ trách đất đai, Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thiệu Hóa để nắm thông tin, tiếp cận hồ sơ tìm hiểu rõ sự việc để trả lời công dân.

Cổng vào nhà trước kia nay thành nơi tập xếp đá

Qua đơn của ông Hồng kiện gửi các cấp và tòa án và đơn của bà Sự gửi báo VNHN, cho biết: Vợ chồng ông Nguyễn Văn Lý và bà Trần Thị Sự có mảnh đất ở với diện tích 800m2 (diện tích đo thực tế hiện nay là 845,6m2) tại thửa số 904, tờ bản đồ số 03, trang 83, bản đồ địa chính xã Thiệu Đô năm 1998, có GCNQSDĐ năm 1994 đứng tên ông Nguyễn Văn Lý, do huyện Đông Sơn (cũ) cấp. Mảnh đất này là của 2 cụ (Nguyễn Văn Thủy và Lê Thị Chữ) thân sinh ra 4 người con: Bà Nguyễn Thị Phan, ông Nguyễn Văn Hồng, ông Nguyễn Văn Lý và bà Nguyễn Thị Hòe. Cụ Thủy mất năm 1999, cụ Chữ mất 2007 đều không để lại di chúc. Năm 2012, ông Lý chết, ông Hồng tiến hành kiện đòi đất của cha ông. Năm 2015, TAND huyện Thiệu Hóa tiến hành xét xử sơ thẩm chia phần đất của cụ Chữ là 422,8m2 (trong 845,6 m2) cho các đương sự theo luật; 50% còn lại (tức 422,8m2 - phần đất của cụ Thủy) tạm thời giao cho bà Sự quản lý. Tháng 3/2017, ông Hồng tiếp tục kiện chia 422,8m2 diện tích đất còn lại bà Sự đang quản lý. Kết quả là TAND huyện Thiệu Hóa xét xử sơ thẩm và TAND tỉnh Thanh Hóa xét xử phúc thẩm theo kháng nghị (ngày 31/8/2018) của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa, mảnh đất một lần nữa đã được chia nhỏ cho các đương sự. Tuy nhiên bà Sự không bằng lòng với kết quả và tiếp tục kháng cáo.

Lưới sắt ngang sân chia tách đất

Theo lời bà Trần Thị Sự: “Ngay khi chồng tôi là ông Nguyễn Văn Lý chết (năm 2012) và mẹ con tôi vừa làm 49 ngày cho ông Lý xong thì sang ngày thứ 50 ông Nguyễn Văn Hồng (anh trai ruột ông Lý) đã vào nhà tôi đòi tôi cho xem GCNQSDĐ. Tôi nói giấy đứng tên chồng tôi có gì phải xem. Ông Hồng đã tát vào mặt tôi rồi nói là ‘mày láo’, sự việc có sự chứng kiến của nhiều người”.

Trao đổi với phóng viên tại UBND xã Thiệu Đô, ông Nguyễn Văn Hồng thì cho rằng: “không phải ngay từ đầu tôi có hành động như vậy mà mấy anh chị em (tôi, bà Phan, bà Hòe) có sang nhà bà Sự để thương thuyết với bà Sự là dành một phần đất của cha ông để lại để xây nhà thờ nhưng bà Sự không nghe, cứ khăng khăng là đất đứng tên chồng bà thì nghiễm nhiên là đất của gia đình bà nên buộc tôi phải kiện ra tòa để đòi lại đất của tổ tiên.”

Từ những thỏa thuận bất thành trong gia đình dẫn đến vụ kiện kéo dài từ 2012 đến nay. Mặc dù sự vụ đã được Tòa án nhân dân huyện Thiệu Hóa xét xử sơ thẩm và Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xét xử phúc thẩm nhưng một bên là nguyên đơn (ông Hồng) đang khẩn trương xin cấp GCNQSDĐ phần đất đã được tòa chia cho xong việc và một bên là bị đơn (bà Sự) đang tiếp tục kiến nghị lên tòa án cấp cao hơn.

Bà Sự cho biết: “Tôi không muốn làm lớn chuyện nhưng vì quá uất ức khi chồng tôi vừa chết qua 49 ngày, còn lại mấy mẹ con đàn bà, ông ấy đã sang đòi chia đất. Tôi đã gửi đơn kiến nghị lên tòa án cấp cao và sẽ gửi đơn kiến nghị lên tòa án tối cao”.

Lối đi mới của mẹ con bà Sự

Căn cứ theo nội dung các bản án của tòa Sơ thẩm và tòa Phúc thẩm cùng với mối quan hệ trong gia đình của bên nguyên đơn và bên bị đơn cho thấy nguyên nhân của sự vụ kéo dài suốt nhiều năm nay vẫn chưa kết thúc có lẽ nghiêng về sự phức tạp khó thỏa thuận về mặt tình cảm trong gia đình nhiều hơn là việc chấp pháp về lý.

Đây cũng là kinh nghiệm và bài học cho tất cả những cá nhân, gia đình có đất đai, tài sản của cha ông để lại cần giải quyết khi các cụ chưa về với tổ tiên; trường hợp các cụ đã về với tổ tiên thì anh em, dòng họ cố gắng dẹp bớt cái tôi cá nhân, bỏ bớt một chút hơn thua, mở rộng lòng bao dung ngồi lại với nhau thương thảo hợp lí thì chắc hẳn sẽ bớt cảnh chia lìa đoạn tuyệt tình thân./.