24/12/2024 lúc 02:32 (GMT+7)
Breaking News

Xứ Thanh có ngôi đình to lớn bị bỏ hoang nhiều thập kỷ

VNHN - Tại thôn Đô Mỹ, xã Hà Tân, huyện Hà Trung, Thanh Hóa có một ngôi đình bị bỏ hoang nhiều thập kỷ. Hiện nay, cả trong và ngoài sân đình được người dân dùng làm nơi đổ lúa, phơi lúa và chất rơm.

VNHN - Tại thôn Đô Mỹ, xã Hà Tân, huyện Hà Trung, Thanh Hóa có một ngôi đình bị bỏ hoang nhiều thập kỷ. Hiện nay, cả trong và ngoài sân đình được người dân dùng làm nơi đổ lúa, phơi lúa và chất rơm.


Ngay cổng đình rơm rạ của người dân được chất đầy sân

Đình Đô Mỹ là một công trình kiến trúc tiêu biểu nằm trong cụm di tích lịch sử Cách mạng (gồm đình và chùa Đô Mỹ) trên xã Hà Tân còn lại đến ngày nay. Đình được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX, có diện tích 520m2, kết cấu gồm 5 gian, 2 chái, có 12 cột cái và 12 cột quân, có 6 vì kèo được thiết kế theo kiểu chồng rường kẻ bẩy.
Đình Đô Mỹ là nơi thờ Thành hoàng Tô Hiến Thành và Tống Thiên Quốc Sư (Tông Liêu Công). Hiện nay có nhiều truyền thuyết kể về 2 vị thần này, nhưng theo lời truyền và cũng như thực tế vùng đất dọc theo triền sông Hoạt của huyện Hà Trung thì nơi nào thờ Tô Hiến Thành đều đưa phối thờ thêm một vị thần nữa là Tống Liêu Công.


Đình Đô Mỹ là nơi thờ Thành hoàng Tô Hiến Thành và Tống Thiên Quốc Sư

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đình là nơi hoạt động bí mật của phong trào Việt Minh đến Cách mạng tháng tám thành công. Thời chống Mỹ, đình là nơi tập kết lương thực của huyện Hà Trung để phục vụ kháng chiến. Hòa bình lập lại, đình là nơi sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa của nhân dân trong làng. 
Năm 1996, đình được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Hiện nay, phần lớn các cấu kiện kiến trúc của đình đều bị mối mọt, khả năng liên kết chịu lực kém, cả ngôi đình bị nghiêng, mái ngói xiêu vẹo lệch lạc và dột nát; tường bao quanh bị nứt gãy, vữa trát tường bị mục, bong tróc, cửa đầu hồi lúc phá ra, khi bịt lại nên không còn nguyên trạng.
Cụ Nguyễn Văn Thục 70 tuổi, cho biết: “Gia đình tôi sinh sống nhiều đời ở làng này, tôi chỉ thấy chính quyền xã chi tiền ngân sách sửa 2 lần bằng việc thay ít rui mè và dụi lại ngói bị hư chứ chưa thấy sửa quy mô. Cách đây khoảng 4 năm, Sở Văn hóa có cho xã 400 triệu nhưng chỉ thấy xây được đoạn tường rào bao quanh và 4 cái cột cổng dở dang rồi để đó đến nay. Thợ ở đâu bỗng dưng đến làm rồi rút đi, dân làng không ai biết. Trước kia có cúng rằm tháng Giêng rồi bỏ vẵng, nay dân làng lại cúng lại nhưng cũng chỉ được ngày rằm tháng Giêng rồi bỏ hoang, chả ai quan tâm!”. 
Ngay sát phía sau đình có chùa Đô Mỹ mới trùng tu hơn 10 tỷ, nên cụ Thục còn nói một câu đắng chát rằng: “Bên chùa thì họ làm được còn bên chính quyền thì lại không làm được. Kiểu cha chung không ai khóc ấy mà. Ít ra họ cũng sơn lại cho đỡ mối mọt rồi tu bổ sau, nhưng họ đã không làm. Người dân chúng tôi thấy tiếc mà chẳng làm gì được.”.

PV trao đổi với Chủ tịch xã Hà Tân - ông Nguyễn Thành Chung cho biết: “Do kinh phí của xã eo hẹp nên từ trước tới nay xã cũng có 2 lần chắm vá ngôi đình. Hiện nay xã cũng đã báo cáo huyện và huyện cũng đã có báo cáo tỉnh xin phê duyệt cho huyện Hà Trung được lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Đô Mỹ, nhưng chưa được phêt duyệt.”.


Bên trong đình vữa trát tường bị mục, bong tróc….

Đứng trước ngôi đình bị bỏ hoang, tôi đã cúi đầu chắp tay vái lạy thán phục cha ông ta thời xưa, dù chỉ có một nguồn thu thuần nông là lúa gạo, dù phương tiện vận chuyển chỉ bằng sức người và súc vật, vậy mà cha ông ta đã cùng chung sức chung lòng góp công góp của để xây dựng nên ngôi đình to lớn, vừa là tưởng nhớ công ơn của các vị công thần, vừa là chốn đi về nương nhờ tâm linh cho các thế hệ con cháu mà răn dạy cái văn hóa ứng xử ngàn năm. Thế mà ngày nay, thế hệ của thời đại 4.0, thời đại của kiến trúc chọc trời, thời đại của những phương tiện siêu trường siêu trọng lại không thể sửa sang nổi ngôi đình!
“Cha ông ta đã đấm nát tay trước cửa cuộc đời/ Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa” (Chế Lan Viên). Thời đại của chúng ta là thời đại mở cửa, hội nhập toàn cầu, du lịch trở nên là ngành mũi nhọn, vậy mà một di tích quý giá như đình Đô Mỹ lại bị “đóng khép lối đi về” trên con đường hội nhập.
Mùa mưa bão theo quy luật đang tới, xứ Thanh lại là nơi có nhiều bão tạt qua, không biết ngôi đình cũ kĩ xiêu nghiêng kia như một cụ già có đông con cháu nhưng bị bỏ rơi đang sống thoi thóp có thể chống chọi qua nỗi đoạn trường này hay không? 
Để cứu lấy lề thiêng tục tốt, cứu lấy công trình cha ông ta đã tốn bao công sức xây dựng nên, kính đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền hạ bút phê văn gấp rút trùng tu tôn tạo đình Đô Mỹ. Nếu sớm làm được việc này, hẳn “quỷ thần” cũng sẽ cảm được cái đức nhân của quý vị mà phù trợ cho sự yên bình của xã tắc dài lâu./.