24/12/2024 lúc 01:16 (GMT+7)
Breaking News

Kiến ba khoang có nọc độc mạnh gấp 12-15 lần rắn hổ

VNHNO - Trong những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện do bị tổn thương bởi kiến ba khoang tăng mạnh. Theo thông tin từ Bộ Y tế, chất độc Pederin trong kiến ba khoang có độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ. Vậy phải xử lý như thế nào khi bị kiến này tấn công?

VNHNO - Trong những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện do bị tổn thương bởi kiến ba khoang tăng mạnh. Theo thông tin từ Bộ Y tế, chất độc Pederin trong kiến ba khoang có độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ. Vậy phải xử lý như thế nào khi bị kiến này tấn công?

Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết trong thời gian gần đây, mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận và điều trị cho hàng chục trường hợp bệnh nhân bị bỏng loét do tiếp xúc với kiến ba khoang. Theo Bệnh viện Da liễu thì từ đầu tháng 11 đến nay, lượng bệnh nhân bị kiến ba khoang tấn công tăng đột biến từ 20-30% so với những tháng trước.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, kiến ba khoang có chứa chất độc Pederin với độc tính mạnh gấp 12- 15 lần nọc độc rắn hổ. Tuy nhiên do con người thường tiếp xúc qua da với lượng rất nhỏ nên không chết người mà chỉ dẫn đến tình trạng tổn thương dạng viêm da gây rát bỏng. Tổn thương cơ bản do kiến ba khoang gây ra có dạng dát đỏ, thành đám, thành vệt, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như: mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay. Nếu tình trạng nặng sẽ gây sốt nhẹ, nổi hạch.

Kiến ba khoang có chất độc Pederin mạnh gấp 12-15 lần nọc độc rắn hổ mang

Nếu nạn nhân không biết cách xử lý mà cố gãi hoặc bôi đắp lá thuốc sẽ càng khiến vùng tổn thương lan rộng. Các chuyên gia da liễu đặc biệt lưu ý, hầu hết bệnh nhân đến viện khám tổn thương da do kiến ba khoang không phải do con vật này đốt mà vì mọi người có thói quen tự dùng tay trực tiếp giết kiến. Khi này, chất tiết của con vật sẽ bám dính vào da và gây tổn thương. Các chuyên gia khuyến cáo khi chẳng may tiếp xúc với kiến ba khoang, cần nhanh chóng:

1. Dùng cồn 70 độ rửa sạch vùng da bị thương tổn giúp giảm khó chịu do tổn thương trên da. Với vết thương do kiến ba khoang gây ra, nếu rửa kỹ sẽ giảm đáng kể tình trạng nổi bọng nước do nọc độc của loài kiến này.

2. Bôi mỡ corticoid (4-6 lần một ngày).

3. Bôi kem phenaegan (8-10 lần một ngày). Chú ý khi bôi thuốc phải miết mạnh ở vùng da bị đốt đến khi thuốc khô, thẩm thấu thuốc sẽ tốt hơn.

Để phòng chống kiến ba khoang đốt người, Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế khuyến cáo, nếu có sự hiện diện của kiến ba khoang trong khu vực thì nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Ngăn cản kiến ba khoang vào nhà bằng cách:

+ Sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào.

+ Nên ngủ trong màn.

+ Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà, vì đây là nơi trú ẩn tốt cho loài này.

Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài nhà, nhất là ở những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình đang xây dựng. Khi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa thu hoạch, mùa mưa bão, cần chú ý sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động như: mặc quần áo dài tay, đội mũ, nón, khẩu trang, đi ủng để tránh tiếp xúc với côn trùng./.