24/12/2024 lúc 01:08 (GMT+7)
Breaking News

Kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng: Khó nhưng phải làm tốt!

VNHN-Đó là khẳng định của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN), ông Đặng Thế Vinh, tại Hội thảo “Cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực KTNN góp phần phòng, chống tham nhũng (PCTN) - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện” do KTNN tổ chức sáng ngày 11/4.

VNHN-Đó là khẳng định của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN), ông Đặng Thế Vinh, tại Hội thảo “Cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực KTNN góp phần phòng, chống tham nhũng (PCTN) - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện” do KTNN tổ chức sáng ngày 11/4.

Kiểm toán nhà nước - Cầm trịch hay chỉ tham gia?

Dẫn Luật KTNN và Luật PCTN, Phó Tổng KTNN Đặng Thế Vinh  khẳng định:  “Với địa vị pháp lý là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, KTNN là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng…”.

PGS., TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng việc, sửa đổi cơ chế kiểm soát quyền lực, hoàn thiện hành lang pháp lý để lấp đầy những khoảng trống, những kẽ hở trong kiểm soát quyền lực và tổ chức thực hiện nghiêm minh là những vấn đề có ý nghĩa quyết định để phát huy vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực, góp phần PCTN.

Không đồng tình với vai trò “là một trong các cơ quan trực tiếp có trách nhiệm” như lời Phó Tổng KTNN Đặng Thế Vinh, Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, khẳng định,  KTNN có vai trò đặc biệt quan trọng trong kiểm soát quyền lực, nhất là quyền lực trong lĩnh vực kinh tế - tài chính xuất phát từ bản chất quyền lực và thực thi quyền lực ở Việt Nam, từ đó KTNN là công cụ quan trọng để PCTN. KTNN chính là cơ quan thực hiện một trong 3 quyền lực của Quốc hội, đó là quyền giám sát tối cao của Quốc hội…

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng thừa nhận, thực tế vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực nói chung, PCTN nói riêng chưa được qui định cụ thể, đầy đủ và phù hợp cũng như chưa được thể hiện rõ ràng, hiệu quả và hiệu lực trong thực thi vai trò đó. Đơn cử tại Điều 55 của Luật KTNN cũng đã hạn chế khá nhiều vai trò của KTNN.

“Như hiện nay thì kiểm toán tham nhũng chỉ là cái đuôi thêm vào của KTNN, Vấn đề đặt ra là KTNN có muốn làm không và làm như thế nào?”- TS. Vũ Đình Ánh đặt vấn đề và cho rằng việc nhận thức đúng vai trò, cũng như thể chế để KTNN thực hiện đúng vai trò của mình trong kiểm soát quyền lực, PCTN là rất quan trọng và cấp bách nhằm vừa hoàn thiện hệ thống quyền lực của Việt Nam vừa góp phần tích cực PCTN.

Kiểm soát quyền lực -  Nhiều việc phải làm!

Theo Phó Tổng KTNN Đặng Thế Vinh, trong thời gian qua, hoạt động KTNN phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước (Điều 3 Luật KTNN), đồng thời thực hiện Luật PCTN, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, KTNN đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và xã hội đặc biệt quan tâm, các lĩnh vực trọng yếu dễ xẩy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí như: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, các dự án BT, BOT, hệ thống ngân hàng thương mại với phương châm phòng là chính. 

Khẳng định tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực” và để PCTN thì phải kiểm soát được quyền lực, Phó Tổng KTNN Đặng Thế Vinh, thừa nhận kiểm soát được quyền lực là vấn đề rất khó. “Nhưng nhất thiết phải làm tốt, nếu không cuộc đấu tranh chống tham nhũng của chúng ta sẽ không thể đạt hiệu quả!” - Ông Vinh khẳng định. Vì vậy, để kiểm soát được quyền lực, KTNN phải thực hiện rất nhiều công việc, rất nhiều biện pháp. 

Trước hết cần công phá mạnh vào các vấn đề then chốt trong đó phải thực hiện nghiêm việc giới hạn quyền lực Nhà nước bằng Hiến pháp, pháp luật; kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước, gắn với việc nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát. Nâng cao chất lượng và bổ sung cán bộ có phẩm chất đạo đức và nghiệp vụ tốt trong công tác kiểm tra, giám sát. Tích cực đổi mới công tác này theo hướng: Tập trung kiểm tra, giám sát thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; thanh tra, kiểm toán tập trung vào lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực; giám sát đột xuất, thường xuyên.   

Phó Tổng KTNN cũng cho biết, kết quả hoạt động của KTNN đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao. Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 170.000 tỷ đồng, hơn 12.000 ha đất; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 300 văn bản quản lý nhà nước không còn phù hợp trên các lĩnh vực; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân sai phạm, chuyển gần 200 vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.