Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm 2/3 diện tích đất tự nhiên; trải dài từ các huyện miền núi xuống trung du đồng bằng ven biển. Hiện toản tỉnh có 648.000ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 393.000ha rừng tự nhiên. Trong tổng diện tích rừng được chia thành 3 loại: rừng đặc dụng 80.368,9ha; rừng phòng hộ 156.583ha; rừng sản xuất 411.418ha. Rừng đặc dụng được đầu tư, bảo vệ nghiêm ngặt, là nơi còn giàu tài nguyên rừng với nhiều loại lâm đặc sản quý hiếm; các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học được đẩy mạnh, gắn kết chặt chẽ giữa bảo vệ tài nguyên, bảo tồn nguồn gen quý hiếm, nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái phục vụ đời sống nhân dân tại Vườn Quốc gia Bến En và các khu bảo tồn thiên nhiên (Pù Luông, Xuân Liên, Pù Hu; Khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động). Rừng phòng hộ được bảo vệ và phát triển ngày càng tốt hơn, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng biên giới, rừng phòng hộ ven biển. Rừng sản xuất được mở rộng về quy mô, cơ cấu cây trồng từng bước được chuyển dịch sang sử dụng các loại giống nuôi cấy mô cho năng suất cao, trồng rừng gỗ lớn phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, từ đó đã hình thành được các vùng gỗ nguyên liệu tập trung, vùng gỗ lớn, vùng luồng.
Rừng Thanh Hóa còn có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động thực vật đặc hữu có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Khu bảo tồn các loại hạt trần quý hiếm Nam Động (huyện Quan Hóa) là nơi chứa đựng tính đa dạng sinh học cao, gồm hơn 670 loài thực vật và hơn 220 loài động vật; nhiều loại cây dược liệu và lâm sản quý có thương hiệu trên thị trường.
Trong 50 năm qua, bên cạnh việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành kiểm soát tốt công tác bảo vệ rừng, vì vậy số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp hàng năm đều giảm sâu. Đặc biệt, không để hình thành các “điểm nóng” về phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép. Trong 5 năm gần đây không để xảy ra tình trạng cháy rừng. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp tiếp tục được tăng cường, đã kịp thời phát hiện, xử lý hàng trăm vụ vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hàng tỉ đồng mỗi năm.
Kiểm lâm Thanh Hóa đã đi đầu trong vệc tham mưu cho UBND tỉnh triển khai công tác giao đất lâm nghiệp và đã hoàn thành vào cuối những năm 90; Kiên trì vận động, thuyết phục gần 19 ngàn hộ dân đồng bào người Mông về định cư tại 13 bản để ổn định sản xuất và ổn định đời sống, chấm dứt nạn du canh du cư phá rừng làm nương rẫy; tham mưu quy hoạch 82.000ha rừng đặc dụng; thực hiện xã hội hóa công tác quản lí rừng, đưa kiểm lâm viên về công tác tại địa bàn các xã để thực hiện công tác bảo vệ rừng tận gốc – đây là bước chuyển đổi cơ bản phương thức và tổ chức hoạt động của lực lượng Kiểm lâm Thanh Hóa. Công tác phát triển rừng luôn được coi trọng, tích cực triển khai trồng rừng, trồng cây phân tán mang lại giá trị kinh tế từ rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao độ che phủ của rừng.
Bằng sự nỗ lực cùng với trách nhiệm gắn với thực tiễn, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba, Hạng Nhì, Hạng Nhất và Huân chương Độc lập Hạng Ba. Vườn Quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 1 được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba; nhiều cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba, Hạng Nhì; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa./.