Châu Âu đang đứng trước khủng hoảng năng lượng. Kéo theo đó là cuộc chiến quyết liệt trên truyền thông, diễn đàn quanh câu hỏi: Ai là thủ phạm và nguyên nhân từ đâu?
Sử dụng con bài kinh tế, thương mại làm công cụ, phương tiện để đạt mục đích khác là chuyện thường xảy ra.(Nguồn: Reuters)
Cáo buộc của Mỹ
Như thường lệ, Mỹ và nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Nga là tác nhân của khủng hoảng. Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế Fatih Birol cho rằng Nga có thể “cung ứng thêm 15% gas nếu sẵn lòng”! Nhưng Nga đã không làm, trì hoãn cung cấp khí đốt qua đường ống Ukraine, gây thiếu hụt dự trữ trầm trọng.
Khan hiếm đẩy giá khí đốt đắt đỏ chưa từng có, tăng đến 800%. Giá giao dịch khí đốt ngày 6.10 tại châu Âu lập kỷ lục mới hơn 1.600 USD/ 1000m3. Cơ quan xếp hạng quốc tế Fich dự báo doanh thu từ xuất khẩu dầu khí của Nga có thể tăng khoảng 40 tỷ USD so với dự kiến đầu năm 2021.
Theo EU, Nga lợi dụng giá dầu, khí tăng vọt và nắm giữ khoảng 40% thị phần khí đốt, để gây sức ép cấp phép lưu thông Dòng chảy phương Bắc 2, thay đổi chính sách thị trường năng lượng chung. Họ quy kết mục đích của Nga là gia tăng sự phụ thuộc, đe dọa an ninh năng lượng của EU, gây chia rẽ giữa các quốc gia thành viên, gây bất ổn ở châu Âu.
Để tỏ ra khách quan, Mỹ và phương Tây liệt kê một loạt sự kiện. Sự cố khí đốt năm 2009 do tranh cãi giá vận chuyển giữa với Ukraine; năm 2014 Nga cảnh báo ngưng cung cấp vì EU phản đối sáp nhập Crimea. Các nước có quan hệ thân thiện với Nga (Serbia, Hungary, Áo, Đức, Hà Lan…) được hưởng giá khí đốt ưu đãi và ngược lại (Ba Lan, một số nước vùng Baltic…). Điều đó cho thấy Nga có truyền thống sử dụng khí đốt gây sức ép và gắn với vấn đề chính trị!
Bằng lập luận như vậy, Mỹ và phương Tây khẳng định Nga sử dụng khí đốt làm “vũ khí địa chính trị”, gây khủng hoảng năng lượng. Kết luận của Mỹ và phương Tây kích thích cuộc chiến trên truyền thông, diễn đàn.
Lập luận của Nga
Phát biểu tại Hội nghị Năng lượng ở Moscow ngày 13/10, Tổng thống Putin nêu rõ: “Nga thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ hợp đồng với đối tác, bao gồm các đối tác ở châu Âu”. Số liệu giao dịch khí đốt ủng hộ Nga. Trong 9 tháng năm 2021, sản lượng cung cấp khí đốt theo hợp đồng cho EU nhiều hơn năm 2020 18,8 tỷ m3, tăng 15%.
Tổng thống Putin khẳng định “Nga chẳng sử dụng vũ khí nào”, lập luận: “Ngay trong những giai đoạn căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh, Nga vẫn liên tục hoàn thành các nghĩa vụ trong hợp đồng cung cấp khí đốt cho châu Âu”.
Đi sâu hơn, Tổng thống Putin chỉ rõ khủng hoảng là tổng hợp của nhiều nhân tố. Khí hậu khắc nghiệt, nhu cầu năng lượng cho phục hồi kinh tế sau đại dịch tăng cao; nguồn cung thế giới giảm mạnh. Quan trọng hơn, EU đã sai lầm, vội vã chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, khi năng lực hạ tầng chưa đáp ứng.
Ngoại trưởng Nga Segey Lavrov nói thẳng: Mỹ và EC chịu trách nhiệm khi kéo dài các thủ tục pháp lý đối với Dòng chảy phương Bắc 1, đến nay mới chỉ hoạt động 50% công suất. Quan chức Nga cho biết đường ống Ukraine sau nhiều năm sử dụng đã hao mòn trầm trọng đến 80%, giá thành cao, độ an toàn kém.
Dù vậy, Tổng thống Putin vẫn tuyên bố sẵn sàng tăng nguồn cung khí đốt, “sẵn sàng thảo luận bất kỳ biện pháp bổ sung nào” với các chính phủ châu Âu để giải quyết khủng hoảng. Với điều kiện là EU tăng khối lượng mua (bằng hợp đồng) và Ukraine đề xuất các điều kiện vận chuyển khí đốt cạnh tranh.
Tập đoàn Gazprom ngay lập tức thông báo đã nạp khí đốt vào đường ống Dòng chảy phương Bắc, sẵn sàng chờ mở van.
Ẩn ý đằng sau các tuyên bố của Nga là EU phải tính tới các hợp đồng dài hạn (để có kế hoạch ổn định, phù hợp về khối lượng, giá). EU không sử dụng các đường ống hiện đại, giá thành thấp, an toàn là trái quy luật thị trường, chính trị hóa vấn đề khí đốt. Eu “tự bắn vào chân mình”.
Lập luận của Nga bác bỏ hầu hết lý lẽ của EU, cho đó là “lời dối trá mang động cơ chính trị”. Rõ ràng Nga có lợi thế và “quả bóng” khủng hoảng năng lượng đang ở phía sân EU.
Những phản biện
Không gì khách quan hơn ý kiến phản biện của chính quan chức EU. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhiều lần khẳng định Dòng chảy phương Bắc 2 thuần túy là dự án kinh tế. Theo bà, không có chuyện Nga không đáp ứng các nghĩa vụ theo hợp đồng.
Ông Klaus Ernst, phụ trách Ủy ban Kinh tế và Năng lượng Quốc hội Đức tuyên bố: Chính phủ Đức chính thức bác bỏ cáo buộc Nga không tuân thủ các nghĩa vụ cung cấp khí đốt cho EU. Đưa Dòng chảy phương Bắc 2 vận hành sớm sẽ giảm nhiệt khủng hoảng.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Đông Đức Michael Hrams có quan điểm tương tự: tuyên bố Nga liên quan tình trạng giá khí đốt ở châu Âu tăng là không đúng sự thật.
Đồng tình với Đức, người phụ trách chính sách, kế hoạch EU Frans Timmermans cho rằng: “Nga đang hoàn thành các hợp đồng cung cấp khí đốt của mình” và “châu Âu không có lý do gì để tin rằng Moscow đang gây áp lực hoặc thao túng thị trường khí đốt”.
Các chuyên gia cũng đưa ra đánh giá khách quan: giá khí đốt ở khu vực Đông Á cũng tăng 85% kể từ đầu tháng 9. Giá ở Mỹ chạm mốc cao nhất trong 13 năm trở lại đây. Chính Mỹ, nhà cung cấp khí đốt số một cũng giảm sản lượng do ảnh hưởng của cơn bão Ida tràn qua vịnh Mexico. Như vậy, nguyên nhân cơ bản là cầu vượt quá xa cung.
Theo Giáo sư Paul Adam Isbell, Đại học IE (Tây Ban Nha): “tuyên bố của Tổng thống Putin nên được coi là cử chỉ đích thực của hợp tác năng lượng quốc tế và cần được mọi người hoan nghênh, bất kể người ta có cảm thấy đó là hành động tư lợi hay không”.
Trong khi Mỹ giảm lượng cung khí hóa lỏng (LNG) cho EU, tăng lượng sang châu Á với giá cao hơn. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jack Sullivan lại quy lỗi, đòi Nga tăng lượng cung cấp khí đốt cho EU. Mỹ nói ngược với làm, sao có thể thuyết phục dư luận quốc tế được.
Trước các ý kiến trái chiều, dư luận không thể không đặt câu hỏi: ai đang sử dụng “vũ khí” khí đốt?
Ván bài chưa "lật ngửa"
Sử dụng con bài kinh tế, thương mại làm công cụ, phương tiện để đạt mục đích khác là chuyện thường xảy ra. Mỹ là một trong những nước dẫn đầu về lệnh trừng phạt kinh tế, gây sức ép với nhiều nước khác. Liên quan đến khí đốt, Mỹ ép nhiều tập đoàn châu Âu rút khỏi dự án Dòng chảy phương Bắc 2, nếu không muốn bị trừng phạt.
Nếu Nga có sử dụng “vũ khí” khí đốt thì cũng như các nước khác mà thôi. Vấn đề là Nga sử dụng thế nào? Có tuân thủ luật chơi không?
Các con số luôn lạnh lùng. Năm 2021, Nga vẫn cung cấp 40 tỷ m3 khí đốt qua Ukraine, giảm so với khối lượng 65 tỷ m3 năm 2020, nhưng vẫn đúng hợp đồng. Lượng khí đốt Nga cung cấp cho EU vẫn tăng 15%. Chính EU cũng thừa nhận.
Vấn đề là cách nhìn khác nhau. Lượng khí đốt mua theo hợp đồng dài hạn của EU chiếm tỷ lệ nhỏ và Nga đã cung cấp đủ. EU chủ yếu mua theo hình thức giá giao ngay (để giá cạnh tranh và tránh phụ thuộc lâu dài). EU muốn Nga tăng lượng cung nhiều hơn (theo giá hợp đồng trước đây). Nga yêu cầu đàm phán ký kết hợp đồng mới. Về luật, Nga không sai. Bất lợi nghiêng về EU.
Thành ngữ có câu: “Chơi dao có ngày đứt tay”, “Khách hàng là thượng đế”. Nếu căng quá, Nga có thể mất một thị trường lớn nhất, gần nhất. Lợi bất cập hại. Ngoài lợi ích kinh tế, hợp đồng khí đốt là dịp để Nga chứng tỏ là đối tác hợp tác cùng có lợi, mở cửa tìm chỗ đứng ổn định ở châu Âu.
Nga kiên quyết bảo vệ lợi ích, nhưng ứng xử mềm mỏng, tránh gây căng thẳng. Sẵn sàng đàm phán thỏa thuận theo phương châm của Tổng thống Putin: “Nga luôn cố gắng hài hòa lợi ích của các bên”.
Các điều khoản cơ bản về khối lượng, giá, thời điểm, vận chuyển, đủ buộc EU điều chỉnh chính sách, chấp nhận đường ống cạnh tranh, vừa không để mâu thuẫn vượt tầm kiểm soát.
Vậy là, dù có “vũ khí” trong tay, Nga cũng sử dụng theo luật chơi, thu lợi nhưng để các đối tác có thể chấp nhận.
Theo tính toán, lượng dự trữ khí đốt của EU ở mức 75%, còn co kéo được một thời gian nữa. EC đưa ra một số giải pháp ngắn, trung, dài hạn xử lý khủng hoảng và sẽ quyết trong Hội nghị thượng đỉnh cuối tháng 10. Nên quan chức EU vẫn nói cứng, không cần Nga tăng cung và việc xem xét tính pháp lý của Dòng chảy phương Bắc 2 vẫn theo quy trình.
Dù EU có trợ giá, điều chỉnh chính sách năng lượng thì việc thiếu hụt nguồn cung, giá đắt đỏ là gánh nặng đối với các tập đoàn, doanh nghiệp và người dân châu Âu. Hơn chục công ty cung cấp khí đốt phá sản, nhiều doanh nghiệp đình trệ sản xuất do thiếu năng lượng. Sức ép đáng kể đối với EC.
Giữa Mỹ và EU, giữa các thành viên EU có mâu thuẫn lợi ích năng lượng. Mỹ, EU ủng hộ Ukraine làm con bài gây sức ép với Nga. Nhưng họ cũng sẵn sàng bỏ qua khi tìm kiếm lợi ích chiến lược cốt lõi hơn.
Xuất hiện thông tin Nga và Trung Quốc có thể xây dựng đường ống mới. Trung Quốc bắn tín hiệu đàm phán mua năng lượng của Mỹ. Nguồn cung càng khó khăn với EU. Xem ra, EU không có nhiều con bài mặc cả.
Khủng hoảng khí đốt là vấn đề kinh tế, chính trị, an ninh, ổn định. Hai bên đang tính toán, tìm kiếm phương án có lợi nhất. Ván cờ năng lượng sẽ nhì nhằng đến bao giờ?
Nhiều chuyên gia cho rằng, Mỹ, Ukraine và một số nước EU cứ phản đối, Dòng chảy phương Bắc 2 cứ thông dòng. Vấn đề là sớm hay muộn mà thôi. Những người lạc quan dự báo tháng 11, hai bên sẽ có thỏa thuận, Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ hoạt động, cùng với các đường ống khác.
Phe bi quan dự đoán có thể quý I/2022, mới tạm ngã ngũ, thỏa thuận để chữa cháy. Trong khoảng thời gian đó, lượng dự trữ đủ để EU cầm cự và tránh tiếng xuống thang, chấp nhận sức ép từ Nga.
Cuộc cạnh tranh năng lượng vẫn sẽ kéo dài, phức tạp.