23/01/2025 lúc 20:29 (GMT+7)
Breaking News

Khủng hoảng hạt nhân: Iran sẵn sàng “chơi” tới cùng

VNHN - Iran đã tiến thêm một bước khi tuyên bố tái khởi động chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, theo nhận định của trang mạng Stratfor, mục đích của Tehran không hẳn là nhằm phát triển vũ khí hạt nhân, mà thực chất là để tạo thế cân bằng và yêu cầu gỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt mà Mỹ đang áp đặt đối với Iran.

VNHN - Iran đã tiến thêm một bước khi tuyên bố tái khởi động chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, theo nhận định của trang mạng Stratfor, mục đích của Tehran không hẳn là nhằm phát triển vũ khí hạt nhân, mà thực chất là để tạo thế cân bằng và yêu cầu gỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt mà Mỹ đang áp đặt đối với Iran.    

Cả Mỹ và Iran đều đang đi trên sợi dây mỏng manh trong cuộc chiến “bên miệng hố hạt nhân”. (Nguồn: The New Daily)

Giới quan sát cho rằng, nhiều khả năng Iran sẽ chấp nhận rủi ro, “chơi” tới cùng, kể cả phải đi bước đi quyết định là nối lại việc tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. Khác với Triều Tiên, nhà nước Iran không phải là mô hình có thể tồn tại và vận hành khi bị cô lập hoàn toàn, cho nên Tehran sẽ “lao đao” hơn rất nhiều so với Bình Nhưỡng khi bị trừng phạt kinh tế.

Tham vọng của Iran

Trước đây, Iran đã không đi tới cùng trong việc chế tạo bom hạt nhân, mặc dù chiến lược của nước này luôn nhất quán là không bao giờ loại trừ hoàn toàn khả năng chế tạo bom hạt nhân. Và giờ đây, hiển nhiên Tehran sẽ tranh thủ để tiến hành trở lại các hoạt động nhằm chuẩn bị cho việc có thể chế tạo bom nguyên tử nếu cần.

Cả Mỹ và Iran đều đang đi trên sợi dây mỏng manh trong cuộc chiến “bên miệng hố hạt nhân”, nhưng có vẻ như Iran đã tính toán và chấp nhận rủi ro sẵn sàng chờ Mỹ hoặc Israel tấn công.

Tuần vừa qua, Iran tuyên bố bắt đầu làm giàu urani ở mức độ tinh khiết 5%, cao hơn mức giới hạn 3,67% theo quy định của Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) mà Tehran đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) hồi tháng 7/2015. Iran cũng tuyên bố có thể sẽ tăng mức làm giàu urani lên 20% và như vậy sẽ rút ngắn được thời gian cần thiết để tạo ra bước đột phá hạt nhân, hay nói cách khác là thời khắc khi một nước có đủ vật liệu nhiệt hạch chế tạo ra bom nguyên tử.

Mặc dù việc mở rộng các hoạt động hạt nhân chắc chắn làm gia tăng khả năng đối đầu quân sự với Mỹ hay ít nhất cũng khiến các cơ sở chế tạo hạt nhân của Iran có thể bị Mỹ tấn công cục bộ, Iran đã có mục tiêu dài hạn rất rõ ràng, đó là bắt đầu đàm phán lại với Mỹ để cuối cùng có thể đạt được thỏa thuận gỡ bỏ các lệnh trừng phạt trong khi vẫn có thể đảm bảo được an ninh quốc gia của mình.

Thế nhưng, với bộ máy chính quyền Nhà Trắng hiện nay, chiến lược đó của Iran có thể mang lại nhiều rủi ro, thậm chí vào lúc này chỉ có xung đột leo thang mới có thể là chiến lược duy nhất giúp Iran có được những gì mong muốn.

Trở ngại về kinh tế

Đối với Iran, việc theo đuổi chiến lược hạt nhân tới cùng, tức là phát triển vũ khí hạt nhân, sẽ đi kèm với việc phải đánh đổi và trả giá bằng kinh tế do bị áp đặt các lệnh trừng phạt.

Nền kinh tế của Iran phụ thuộc rất nhiều vào thương mại quốc tế. Ngành xuất khẩu dầu của nước này là nguồn thu ngoại tệ thiết yếu mà Iran cần có để nhập tới một nửa nhu cầu lương thực, thực phẩm của mình cũng như nhập nhiều sản phẩm công nghiệp không sản xuất được trong nước.

Nhìn từ quan điểm chiến thuật, chiến lược của Mỹ nhằm đè bẹp kinh tế Iran bằng các lệnh cấm vận đang phát huy tác dụng. Iran đang đối mặt với sự suy giảm kinh tế tới 6%. Và lạm phát - vấn đề mà Tổng thống Iran Hassan Rouhani trước đó tuyên bố kiểm soát được - hiện đang phi mã ở mức 50%.

Tuy nhiên, những lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đang áp dụng hiện vẫn chưa tới mức gây ra khủng hoảng kinh tế nên chính quyền Tehran cho rằng vẫn còn thời gian để khắc phục tình hình trước mắt.

Tehran vẫn biết rằng cần phải đối thoại với Mỹ hoặc gây sức ép với các nước khác để đưa ra được những cơ chế hòng giúp nước này thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Hiện nay, viễn cảnh hợp tác với Washington có vẻ không còn khả thi bởi phe “hiếu chiến” trong chính quyền của Tổng thống Trump vẫn đang kêu gọi tấn công Iran.

Hạn chế về năng lực quân sự

Dù là một kinh tế lớn và dân số đông nhất Tây Á, song sức mạnh quân sự của Iran khá hạn chế. Trước cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, tình hình an ninh của Iran dựa chủ yếu vào mối quan hệ đối tác an ninh với Mỹ để mua vũ khí, thiết bị quân sự và đào tạo quân sự.

Tuy nhiên, do xu hướng bài Mỹ thời Cách mạng năm 1979, Washington đã cắt đứt quan hệ với Tehran và áp lệnh cấm vận vũ khí đối với nước này, khiến cho Iran bị lạc hậu về quân sự so với các nước trong khu vực tới vài thập kỷ. Hơn nữa, hai nước láng giềng của Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia lại được Mỹ hậu thuẫn và coi Iran là đối thủ trong khu vực nên luôn tìm cách để “hất” Iran khỏi cuộc chơi tranh giành ảnh hưởng tại Trung Đông.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Iran đã nỗ lực bù lại những hạn chế về khả năng quân sự truyền thống của mình thông qua chiến lược an ninh và phòng thủ. Về mặt quân sự, Iran vốn hậu thuẫn các nhóm quân sự Hamas và Hezbollah, vốn là các lực lượng luôn gây chiến với đồng minh lớn nhất của Mỹ trong khu vực là Israel. Iran cũng đầu tư rất nhiều vào tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, các phương thức sử dụng thủy lôi nhằm tấn công các tàu đi qua Eo biển Hormuz. Cuối cùng, bằng những động thái như vậy, Iran muốn gia tăng ưu thế chiến lược cho mình, buộc các đối thủ trong khu vực cũng như Mỹ phải trả giá nhiều hơn nếu có ý định tấn công quân sự Iran.

Theo các chuyên gia quân sự, một chiến lược an ninh như vậy sẽ dẫn tới tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân và xây dựng kho vũ khí. Tuy nhiên, muốn làm vậy, Iran sẽ phải cân nhắc cả những yếu tố lợi và hại.

Trên thực tế, mặc dù Iran đã sở hữu chương trình vũ khí hạt nhân trong quá khứ và chương trình này chấm dứt vào năm 2003, những động thái của Iran cho thấy họ không thực sự sẵn sàng phát triển vũ khí hạt nhân bằng mọi giá và sẵn sàng chấp nhận những rủi ro đi kèm, ít nhất là khi so với Triều Tiên.