17/01/2025 lúc 12:49 (GMT+7)
Breaking News

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung: Nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng

Xác định nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ và phát triển rừng, cùng với đó là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo, sự yêu nghề và nỗ lực của cả tập thể cán bộ, công nhân viên. Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận trong việc bảo vệ và phát triển “lá phổi xanh” của tỉnh Đắk Nông.

Xác định nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ và phát triển rừng, cùng với đó là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo, sự yêu nghề và nỗ lực của cả tập thể cán bộ, công nhân viên. Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận trong việc bảo vệ và phát triển “lá phổi xanh” của tỉnh Đắk Nông.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung được thành lập theo Quyết định số 2067/QĐ-UB ngày 30/10/1996 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Sau khi chia tách tỉnh Đắk Nông, được đổi tên thành “Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung”, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông, trụ sở toạ lạc tại thôn 10, xã Nam N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông.

 

Rừng xanh Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.

Nằm cách thị xã Gia Nghĩa 45km, thuộc địa giới hành chính của 5 xã là Nam Nung, Nâm N’đia, Đức Xuyên (huyện Krông Nô), Quảng Sơn (huyện Đắk Glong) và xã Nâm N’Jang (huyện Đắk Song), với diện tích tự nhiên là 23.296,47 ha. Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung là quần thể giàu tiềm năng trong việc phát triển kênh du lịch với rừng tự nhiên, nhiều thắng cảnh và mang đậm tính lịch sử. Nơi đây có diện tích không lớn so với các Khu bảo tồn khác trong khu vực Tây Nguyên, nhưng có hệ sinh thái rừng rất đa dạng và phong phú với các kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, điều tiết nguồn nước cho dòng sông Krông Nô và lưu giữ nước cho các hồ, đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Do đó, việc bảo tồn và phát triển rừng tại đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung xác định xuyên suốt trong quá trình hoạt động.

Hệ sinh thái rừng tại đây rất phong phú và đa dạng.

Với quyết tâm cao, sự yêu nghề và sức cống hiến của 64 con người tại đây, trong những năm qua, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng được giao quản lý. Các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp được hạn chế, không để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng. Bên cạnh những nỗ lực ấy, Khu bảo tồn cũng đã tiến hành triển khai một số phương án như giao khoán… góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập và phát triển kinh tế cho người dân tại địa phương.

Trong giai đoạn 2021-2025, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã tiến hành ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích là 2.999,95 ha cho 284 hộ tham gia nhận khoán. Tại các tiểu khu 1294, 1302, 1309 xã Nâm Nung; tiểu khu 1303 và một phần các tiểu khu 1315 xã Nâm N’Đir; tiểu khu 1307, 1313, 1314, 1323 xã Đức Xuyên; tiểu khu 1244, 1246, 1247, 1248, 12451 xã Đăk Sôr và Nam Đà huyện Krông Nô, tỉnh Đk Nông. Từ khi thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng, đời sống của người dân đã được cải thiện, Ý thức và trách nhiệm của người dân đối với công tác quản lý bảo vệ rừng đã được nâng cao từ đó đã góp phần bảo vệ được tài nguyên thiên nhiên, hạn chế được tình trạng xâm hại đến tài nguyên rừng.

Thác Gấu - Một trong những địa điểm đẹp của Khu Bảo tồn.

Bên cạnh việc bảo vệ, nhiệm vụ phát triển rừng cũng đã được quan tâm, chú trọng thực hiện. Từ năm 2016 đến năm 2018 , Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã tổ chức vận động và tuyên truyền các hộ dân có đất xâm canh trái pháp luật trả lại đất và tham gia trồng rừng thay thế với diện tích 97,119 ha. Nhìn chung, hầu hết diện tích rừng đều sinh trưởng và phát triển tốt, tuy nhiên những năm gần đây do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, côn trùng phá hoại cũng đã ảnh hưởng nhất định đến một số diện tích rừng trồng.

Mỗi lần tuần tra rừng phải đi bộ, băng rừng vượt suối hàng chục km.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Mạnh – Giám Đốc Khu bảo tồn cho biết: Được sự chỉ đạo trực tiếp của Sở NN&PTNT và sự quan tâm của UBND tỉnh Đăk Nông cùng với nỗ lực của tập thể công chức, viên chức và người lao động  công tác bảo vệ và phát triển rừng đã đạt được kết quả nhất định, diện tích rừng và các hệ sinh thái rừng tự nhiên của Khu bảo tồn đã được bảo vệ và phục hồi, phát triển tốt, hạn chế tối đa các hoạt động tiêu cực tác động trực tiếp, gián tiếp vào khu bảo tồn.

Ông Nguyễn Văn Mạnh – Giám Đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.

Nhiều năm qua, công tác quản lý bảo vệ rừng đã đạt nhiều kết quả tốt, song trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như địa bàn rộng, đường ranh giới dài, lực lượng kiểm lâm còn mỏng, tài nguyên rừng phong phú và đa dạng có nhiều loài động, thực vật rừng quý hiếm bị khai thác trái phép bán ra ngoài thị trường với giá trị cao, là nguồn thu lợi nhuận rất lớn do vậy kiểm soát nguồn tài nguyên rất khó khăn. Người dân sống ven khu rừng đời sống còn khó khăn, thu nhập thấp, trình độ hiểu biết về pháp luật, các kiến thức về đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên còn hạn chế, đặc biệt sự đói nghèo đã tác động đến suy giảm và cạn kiệt nguồn tài nguyên quý hiếm. Sức ép của cộng đồng sống ven rừng đối với tài nguyên rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung xảy ra dưới nhiều góc độ như vì mưu sinh, vì cải thiện cuộc sống và thu nhập, tập quán sử dụng tài nguyên thiên nhiên...

Khó khăn, mệt mỏi là thế, nhưng vẫn không thể chiến thắng trước nhiệt huyết của những người "giữ rừng" nơi đây..

“Cán bộ, nhân viên chúng tôi luôn luôn nỗ lực bảo vệ rừng, tuy nhiên nỗ lực không thì chưa đủ, ở góc độ cá nhân của tôi thì những người làm công tác bảo vệ rừng thì phải yêu nghề, yêu rừng. Vào những đợt cao điểm mùa khô, có khi chúng tôi ở lại chốt bảo vệ cả 2 đến 3 tuần mới về nhà một lần, ở lại rừng nhiều lúc nhớ vợ con, gia đình nhưng cũng đành chịu vì công việc của chúng tôi vốn dĩ phải như thế. Cũng may là hậu phương của chúng tôi hầu như đều vững chắc, những lời động viên của vợ con giúp sự mệt mỏi xua tan nhanh sau những giờ leo rừng, vượt suối, qua đây tôi cũng mong muốn nhận được sự thấu hiểu, cảm thông từ xã hội...” anh Phạm Trọng Thuỷ - Phó Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế Khu bảo tồn chia sẻ.

Đại hội Chi bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung nhiệm kỳ 2020-2025.

Hiện tại, Khu bảo tồn triển khai lực lượng bảo vệ, túc trực trên 9 chốt trạm, chốt xa nhất lên đến 150km, trong đó phải di chuyển hàng chục km đường đất bằng xe máy (nếu vào mùa khô), còn mùa mưa thì hầu như phải đi bộ. Điều kiện tại các chốt vô cùng khó khăn, thiếu điện, nước sạch... Thế nhưng hàng ngày, hàng giờ những con người ấy vẫn âm thầm cống hiến, đó không những là công việc mà còn là nhiệm vụ cao cả mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó...