Có thể nói, hiện nay, cộng đồng khởi nghiệp đã lớn mạnh, phát triển cả bề rộng và chiều sâu, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam được khẳng định trong khu vực và trên thế giới với nhiều doanh nghiệp "kỳ lân" có giá trị hàng tỷ USD đã và đang hình thành, phát triển cả trong và ngoài nước.... Mỗi "bước đi" của cộng đồng khởi nghiệp cùng với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
Khơi nguồn tư duy mới
Techfest VietNam năm 2022 đã thu hút gần 100 chuyên gia nước ngoài đến từ 50 tổ chức quốc tế; hoạt động kết nối đầu tư thu hút 150 startup và gần 50 quỹ đầu tư trong và ngoài nước, tổng giá trị đầu tư dự kiến đạt gần 20 triệu USD... Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, khởi nghiệp và tạo dựng doanh nghiệp là động lực quan trọng của nền kinh tế, giúp giải quyết các khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu cũng như hướng tới sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia nói riêng và của thế giới nói chung.
Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một chủ trương lớn của Đảng, được đề cập tại văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và được Đại hội XIII của Đảng khẳng định lại với quyết tâm cao hơn theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp sáng tạo, tạo nên những giá trị dựa trên cơ sở khai thác trí tuệ, công nghệ, khơi nguồn tư duy mới với mô hình kinh doanh mới, bền vững còn khó khăn hơn bởi nguồn lực bắt đầu từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới sáng tạo.
Theo đánh giá của các chuyên gia, để sớm thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần có giải pháp gắn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với tri thức, khơi nguồn tư duy mới. Cùng với đó, cần xác định khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ của các cấp ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân; triển khai đồng bộ, sâu rộng, thường xuyên, liên tục nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phát triển năng lực nội sinh với tận dụng tối đa cơ hội, nguồn lực bên ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ cần quan tâm, đầu tư, có công cụ và chính sách đột phá nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, địa phương cũng như quốc gia.
Đặc biệt, cần phát triển đồng bộ hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, ngành, vùng, các khu công nghệ cao, "vườn ươm sáng tạo", trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm và các viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể nghiên cứu; phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ các bậc học phổ thông, đây chính là thế hệ mới với những nguồn tư duy mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển cộng đồng khởi nghiệp. Sự đam mê, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, dám khởi nghiệp của thế hệ trẻ chính là "cái nôi" để tạo nên những "kỳ lân" mới cho Việt Nam. Các chuyên gia cũng cho rằng, cần tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ nhiều nguồn khác nhau; đẩy mạnh các phương thức hợp tác đầu tư phù hợp, hiệu quả trong hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Tạo "đặc trưng" trong hệ sinh thái khởi nghiệp
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định: Với hành trình Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest VietNam) diễn ra từ năm 2015 đến năm 2022, đã cho thấy "dòng chảy" nhiệt huyết, tạo dấu ấn, sự "đặc trưng" và truyền cảm hứng lớn nhất cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và hình thành bước tiến "vững chắc" cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh sự đặc trưng với dấu ấn lan tỏa khi Việt Nam xây dựng, phát triển hệ sinh thái cộng hưởng và triển khai rộng khắp trên cả nước, mô hình Techfest vùng được lan tỏa và cộng hưởng. Sự đồng hành của các địa phương, các bộ, ban, ngành cùng với việc ban hành kế hoạch triển khai Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" - Đề án 844 và sắp xếp nguồn lực triển khai tại 58/63 địa phương trên cả nước.
Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trình Thủ tướng Chính phủ phủ ban hành Quyết định số 897/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2022-2030, đồng hành cùng Ngày hội học sinh sinh viên khởi nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo... Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 tại Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022, khẳng định "Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia".
Tiếp nối sự thành công của Techfest qua các năm, Bộ Khoa học và Công nghệ đặt nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 là tiếp tục phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu, các cụm liên kết ngành". Các hoạt động của hệ sinh thái nói chung và Techfest nói riêng đã trưởng thành và mở rộng, gắn kết chặt chẽ với những chương trình, chiến lược của quốc gia và quốc tế như cam kết của Hội nghị COP26 về giảm phát thải khí nhà kính tới năm 2050, Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững... Điển hình như tại Techfest Vietnam 2022 đã hình thành các làng công nghệ mới như Làng Công nghệ sinh thái, Làng Sáng tạo mở tập đoàn, Làng Kinh tế tuần hoàn, Làng Năng lượng xanh...
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam thể hiện rõ nét đặc trưng với mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã và đang phát triển ngày càng năng động và hiệu quả, với sự tham gia tích cực của các chủ thể trong hệ sinh thái. Mạng lưới nghiên cứu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện đã có hơn 400 thành viên, tiếp cận được hơn 1.000 nhà khoa học, chuyên gia và các đối tượng quan tâm về khởi nghiệp từ các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức hỗ trợ trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia cũng được thành lập tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Hơn 20 địa phương đã và đang thành lập Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo, kết nối các nguồn lực địa phương và khu vực. Ngoài ra, hơn 200 không gian làm việc chung được hình thành và phát triển. Hệ thống cố vấn, huấn luyện viên, tư vấn viên từng bước được chuyên nghiệp hóa, kết nối chặt chẽ với mạng lưới các cố vấn, huấn luyện viên quốc tế.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam thời gian qua đã khai thác và kết nối hiệu quả với nguồn lực quốc tế, hợp tác triển khai các dự án phối hợp với Enterprise Singapore, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á hoặc các tập đoàn như Sunwah, Google, Qualcomm... Đáng chú ý, sau thời kỳ hậu COVID-19, nhiều tổ chức quốc tế kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam, mở ra thời kỳ tái hội nhập hậu COVID-19, tạo động lực mới để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế lớn trong nước và quốc tế tham gia vào các hoạt động trong hệ sinh thái, hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo non trẻ, tạo thêm nguồn lực quan trọng cho hệ sinh thái. Các thách thức đổi mới sáng tạo đang bước đầu được triển khai... Nguồn lực từ nhiều thành phần trong hệ sinh thái đã và đang từng bước được tập hợp và nhân rộng, tạo ra giá trị theo cấp số nhân cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam./.