VNHN - Những chiếc khăn được dệt từ lụa tơ sen, lụa tơ tằm Phùng Xá luôn mang trong mình sự mềm mại, quyến rũ, óng ả, mượt mà mà không một loại khăn nào có được. Điều đặc biệt của khăn lụa tơ sen, tơ tằm là mát vào mùa hè nhưng lại ấm vào mùa đông nên được rất nhiều người yêu thích.
Các sản phẩm của xưởng lụa gia đình bà luôn đạt chất lượng tốt và gây được tiếng vang. Hiện bà đang sở hữu phương pháp độc nhất trong nghề tơ tằm, đó là: Dệt tơ tự thân, tức là biến tằm thành “thợ” dệt. Để có được phương pháp có một không hai này, bà phải mất rất nhiều công sức: theo dõi cách tằm nhả tơ, cách ngoáy đầu, rút ruột… Thành quả là những tấm chăn do tằm tự dệt nhẹ, xốp nhưng lại rất bền, có giá trị kinh tế cao. Lụa tơ sen đến với bà trong một lần tiếp xúc với đoàn đại biểu Quốc hội về thăm làng.
Được nghe câu chuyện về tơ sen của người Myanmar, bà ám ảnh mãi với ý tưởng đó, trăn trở mình có nghề, lại sống giữa vùng nguyên liệu dồi dào thế này sao không biết tận dụng. Được sự động viên, khuyến khích, mất gần hai năm mày mò thử nghiệm bà đã cho ra được những tấm khăn dệt bằng lụa tơ sen đầu tiên của Việt Nam. Bà tâm sự: “Thật! Trước đây chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể làm được như thế này. Nhưng xuất phát từ tình yêu đối với quê hương đất nước, với cây sen, rồi cứ nghĩ mỗi khi có khách nước ngoài đến Việt Nam có được món quà từ hồn cốt dân tộc như thế là tôi vui lắm và có động lực theo đuổi”.
Để sản xuất ra một chiếc khăn lụa tơ sen không hề đơn giản. Phải tỉ mỉ từ khâu thu mua cuống sen từ các ao đầm trong vùng. Sau đó, về rửa sạch bùn đất, ngâm vào bể nước trong ngày rồi phân loại riêng cuống già, cuống non, cuống bánh tẻ. Nếu để lẫn lộn cuống già, cuống non khi khía dao dễ bị đứt mất tơ. Vì cuống già phải tỳ mạnh, cuống non tỳ dao nhẹ hơn nên phải phân loại riêng. Công cụ để kéo tơ sen cũng khá thô sơ, gồm một bàn gỗ nhỏ, một con dao nhỏ có mũi nhọn, một bát con và khăn, một đĩa để đựng sợi tơ đã kéo ra.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận với chiếc khăn lụa tơ sen do chính bà dệt nên.
Người thợ phải dùng khăn ẩm lau mặt bàn cho ướt để tơ bám vào mặt bàn mới dễ se. Vì khi rút tơ từ cuống sen đặt lên bàn se, sợi tơ nọ sẽ cuốn vào sợi tơ kia, có độ săn và không có nối tiếp nào. Tiếp đến, gộp bốn cuống sen với nhau cắt từng đoạn khoảng 5 cm rồi bẻ, khéo léo kéo nhẹ ra đồng thời tỳ luôn xuống bàn và miết sợi. Những sợi tơ được kéo ra từ cọng sen sau đó được quấn tiếp vào sợi tơ trước, và cứ thế cho đến khi cọng sen hết tơ. Cứ thế làm từ sáng đến trưa rồi bắt đầu quay tơ vào ống, cho vào se sợi, cuối cùng là mắc lên khung cửi để dệt.
Đây cũng là quy trình tốn khá nhiều công đoạn để dệt thành tấm lụa tơ sen. Tả thì dễ thế, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy để rút ra được sơi tơ sen hoàn chỉnh, săn, đẹp phải căn thời gian từng công đoạn, từ lúc đặt dao thế nào, bẻ rút thế nào cho nhịp nhàng và đòi hỏi người thợ phải rất tỉ mỉ, kiên nhẫn và có sức khỏe tốt. Nâng niu chiếc khăn lụa tơ sen khổ 1,7 m - 0,25 m, bà Thuận cho biết: “Kỳ công lắm, để ra được một sản phẩm thế này phải mất 90 giờ kéo sợi, tốn khoảng 2.400 cuống sen, tương đương 2.218 m sợi đấy cháu ạ! Còn phải thiết kế khung cửi riêng cho tơ sen, ròng rã hai tháng trời tôi mới hoàn thành nó, mà vẫn còn phải nghiên cứu cải tiến thêm.
Thao tác trên khung cửi chuyên dụng để dệt tơ sen.
Ngay chuyện dệt cũng mất khá nhiều công sức, người thợ phải rất cẩn thận so với dệt tơ tằm vì tơ sen rất nhẹ, dễ đứt”. Cười hiền, bà nói tiếp: “Tuy vất vả thế, nhưng sợi tơ nó quý mình mà, không phụ mình đâu. Mỗi lần giặt, tơ sen cứ quấn quít vào bàn tay thật là thích”. Cũng như các sản phẩm truyền thống khác, khăn lụa tơ sen do độc đáo và sản xuất hoàn toàn thủ công nên có giá thành khá cao so các sản phầm tương tự từ lụa tơ tằm. Mỗi chiếc khăn có thành phần thuần tự nhiên này có giá từ 4-5 triệu đồng/chiếc nhưng được sự đón nhận khá tốt từ thị trường.
Mong mỏi lớn lao của bà là truyền được những kỹ thuật dệt tơ sen cho mọi người làm nghề để sản xuất rộng rãi, mở hướng đi mới cho nghề trồng sen và dệt lụa quê hương. Bước chân ra khỏi xưởng nhỏ nằm bên dòng sông Đáy, bên cạnh nhịp lách cách sợi se, còn nghe văng vẳng câu hát: Từng cánh sen xinh xinh đua nở, từng cánh sen xinh xinh khoe mầu, từng cánh sen, từng cánh sen… của người nghệ nhân mảnh đất xứ Đoài.