18/01/2025 lúc 17:12 (GMT+7)
Breaking News

Khơi gợi xúc cảm nhân văn và thẩm mỹ sâu sắc từ đề thi HSG ngữ văn

Những ngữ liệu cho phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học trong đề thi HSG tỉnh Nghệ An môn Ngữ văn lớp 9 vừa diễn ra chiều 21/3 vừa qua, có dung lượng vừa phải phù hợp với thời lượng 150 phút, có khả năng khơi gợi những suy nghĩ, xúc cảm mang giá trị nhân văn và có ý nghĩa thẩm mỹ sâu sắc cho học trò.

Đó là nhận xét của cô Đặng Mai Sương (giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Đặng Thai Mai) về đề thi môn Ngữ văn kỳ thi HSG tỉnh Nghệ An vừa mới diễn ra chiều 21/3. Theo cô Mai Sương, đề thi Ngữ văn HSG tỉnh năm nay có nhiều đổi mới, vừa phát triển tư duy phản biện vừa khơi gợi cảm xúc văn chương cho học sinh theo đúng tinh thần đổi mới của giáo dục nhằm phát triển năng lực cho học sinh.
Cụ thể, với phần Nghị luận xã hội (Câu 1): Nếu đối chiếu với đề thi những năm trước, có thể thấy yêu cầu kiểm tra về năng lực phản biện được lưu ý nhiều hơn so với kiểm tra khả năng suy nghĩ và cảm nhận về nội dung của ngữ liệu.

Theo cô Mai Sương, đề thi sẽ có cảm giác về sự chênh trong mức độ khó và các tầng nghĩa cần hướng tới của vấn đề nghị luận. Với phần nghị luận xã hội, đề bài đưa ra yêu cầu nghị luận về sự lựa chọn hai thái độ sống khác nhau trước một tình huống khó khăn của cuộc đời, theo cô Mai Sương, đây là vấn đề tương đối phù hợp với trình độ tư duy của học sinh lớp 9, cũng tương đối phù hợp với thực tiễn đời sống khi mà các em luôn phải đối diện với nhiều thử thách trong học tập và trong đời sống - sự phù hợp ấy sẽ giúp cho học trò những nền tảng đầu tiên của suy nghĩ, cảm nhận trong quá trình nghị luận.

Với câu Nghị luận văn học (Câu 2), ngữ liệu nghị luận là bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh - đây một bài thơ hay, giàu xúc cảm; cũng thể hiện đồng thời những nét đặc sắc nhất trong phong cách nghệ thuật của nhà thơ Hữu Thỉnh: tinh tế và sâu sắc, mê đắm và đầy suy ngẫm, triết lý… Bằng những hình thức nghệ thuật đặc sắc, bài thơ thể hiện cảm xúc của tác giả trước khoảnh khắc giao mùa; sự trân trọng, nâng giữ hạnh phúc đời thường của người lính vừa bước qua chiến tranh. Qua đó, cho thấy tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước của nhà thơ Hữu Thỉnh. Cô Mai Sương cho rằng đây là một ngữ liệu giúp khơi gợi những xúc cảm thẩm mỹ phong phú của học trò.

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi HSG tỉnh Nghệ An năm học 2021-2022

Yêu cầu nghị luận được thể hiện trong hai ý của câu lệnh: Ý thứ nhất là cảm xúc của nhân vật trữ tình trước khoảnh khắc giao mùa trong bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh là một nội dung phù hợp, chính xác với ngữ liệu, cũng là yêu cầu thể hiện vấn đề trọng tâm cơ bản của toàn bộ bài thơ. Học sinh trên cơ sở cảm nhận bài thơ mà phân tích được dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình trước khoảnh khắc giao mùa: Ngỡ ngàng, bâng khuâng trước những tín hiệu đầu tiên của mùa thu trong không gian vườn ngõ; Lưu luyến, bịn rịn trước khoảnh khắc thu sang trong không gian cao rộng; Trầm ngâm suy ngẫm trước khoảnh khắc thu sang của cuộc đời.

Ý thứ hai, bàn về yêu cầu đối với yếu tố cảm xúc trong thơ ca, thực chất là yêu cầu học sinh phải chỉ ra được: Cảm xúc phải chân thật, mãnh liệt, xuất phát từ những trải nghiệm phong phú, sâu sắc của nhà thơ trước hiện thực đời sống. Cảm xúc phải đẹp, cao thượng, thấm nhuần bản chất nhân văn. Cảm xúc phải gắn với tình cảm của nhân dân, nhân loại thì mới có sức vang động trong tâm hồn người.. Từ đó đưa ra bàn luận về yêu cầu đặt ra đối với nhà thơ và định hướng bạn đọc tiếp nhận tác phẩm thơ theo đặc trưng thể loại.

“Với những yêu cầu đặt ra như vậy đề thi sẽ khơi gợi được những cảm xúc văn chương đầy tính nhân văn và thẩm mỹ cho học sinh, cô giáo Mai Sương nhận xét”.

Nguyệt Hằng