VNHN - Sau gần ba tháng kiên trì áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam đã đạt được thắng lợi bước đầu để chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi, căn cơ hơn. Ðó là từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, tìm cách sống chung an toàn với dịch bệnh và khôi phục sản xuất, kinh doanh dịch vụ, giải quyết việc làm, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Phóng viên đã ghi lại ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp (DN) về một số giải pháp cấp bách để khởi động lại nền kinh tế.
TS Nguyễn Ðức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng:
Chính sách tài khóa tạo dòng tiền và tính thanh khoản cho DN
Ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xảy ra, Thủ tướng đã đưa ra quan điểm điều hành kép, tức là vừa phòng, chống dịch, vừa giữ ổn định nền kinh tế. Hiện nay, tình hình phòng, chống dịch bệnh đã có chuyển biến tích cực cho nên Thủ tướng quyết định sẽ có những biện pháp chặn đà suy giảm và khôi phục lại tốc độ phát triển kinh tế. Trong đó, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, sản xuất, dịch vụ nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch. Các gói hỗ trợ được thực hiện theo thứ tự ưu tiên: hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ tài khóa và hỗ trợ tín dụng. Trước hết, chúng ta phải hỗ trợ người lao động, người nghèo, người bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19. Sau khi bảo đảm an sinh xã hội sẽ tập trung thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN. Từ tháng 5 đến tháng 10, sẽ ưu tiên tập trung chính sách tài khóa để tạo dòng tiền và tính thanh khoản để DN có thể tồn tại được. Sang quý IV-2020 sẽ tăng cường biện pháp tiền tệ. Chính sách tài khóa cần đi trước vì liên quan đến nguồn thu và dòng tiền của DN. Ðây là thời điểm các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam suy giảm mạnh do tác động của dịch bệnh cho nên chúng ta tập trung vào hai việc chính: Khôi phục lại thị trường trong nước và hỗ trợ DN đi tìm thị trường mới. Dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung - cầu của nền kinh tế thế giới, hình thành chuỗi mới cho nên chúng ta dùng chính sách tài khóa hỗ trợ DN tìm hiểu thị trường và đối tác mới. Sau đó dùng chính sách tiền tệ hỗ trợ DN đầu tư công nghệ để có thị trường ổn định, tham gia được vào chuỗi sản xuất mới hình thành sau khi đại dịch lắng xuống. Chính phủ đã xác định đó là chủ trương điều hành kinh tế từ nay đến hết năm 2020...
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Mở cửa thị trường nội địa là gói kích thích tốt nhất
Trong điều kiện chưa thể phục hồi thị trường quốc tế do nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, thì mở cửa thị trường nội địa sẽ tạo điều kiện tốt cho DN và là gói kích thích kinh tế tốt nhất để khởi động lại nền kinh tế có hiệu quả nhất lúc này. Ðây cũng chính là thời điểm "vàng" để sớm nới lỏng, tiến tới dỡ bỏ các biện pháp cách ly xã hội, nhưng vẫn bảo đảm các điều kiện kinh doanh an toàn. Chậm dỡ bỏ các biện pháp này chẳng khác nào chúng ta một tay bơm tiền giải cứu, còn tay kia vẫn hạn chế thị trường và hệ quả là các chính sách không đồng hướng, triệt tiêu nhau, DN thì không thể trở lại kinh doanh như kỳ vọng. Dòng chảy kinh doanh cần được khai thông khẩn trương để sớm trở lại trạng thái bình thường.
Ðể giúp các DN vượt qua thời điểm khó khăn này, rất cần Chính phủ phải có các giải pháp như: "mở ngân sách, nới tiền tệ, đẩy đầu tư, nhanh thể chế". Trong đó, "mở ngân sách" là miễn, hoãn, giảm thuế, phí và các khoản phải nộp ngân sách của DN và người dân, trợ cấp trực tiếp cho các đối tượng khó khăn. "Nới tiền tệ" là tái cấu trúc nợ, giảm lãi suất, giảm chi phí và thủ tục cho vay, cung ứng kịp thời các nguồn tín dụng với chi phí rẻ hơn cho DN, nhất là DN nhỏ và siêu nhỏ. "Ðẩy đầu tư" là cấp tập giải ngân nguồn vốn đầu tư công. "Nhanh thể chế" là tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Công cuộc tái khởi động và phục hồi nền kinh tế sẽ được thúc đẩy khi cả hệ thống chính trị vào cuộc để "yểm trợ" cho DN với tinh thần bảo vệ DN chính là bảo vệ nền kinh tế.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội:
Tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hàng nghìn DN đang phải cắt giảm quy mô sản xuất, giảm giờ làm, lao động. Hầu hết các DN không phân biệt quy mô và khu vực kinh tế đều gặp nhiều thách thức về đầu ra, đầu vào và hàng hóa tồn kho. Vì vậy, cộng đồng DN hiện đang rất cần sự hỗ trợ nhanh, thiết thực để có đủ sức chống chọi với khó khăn trước mắt, khôi phục sản xuất và tiếp tục phát triển trong tương lai. Chính phủ đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, cắt giảm những thủ tục hành chính, tạo điều kiện cao nhất cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần rà soát nắm tình hình, tổng hợp tất cả khó khăn, vướng mắc của DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, từ đó kịp thời có những giải pháp xử lý với tinh thần hỗ trợ cao nhất cho DN đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền. Vấn đề cấp bách là cần tạo điều kiện thuận lợi cho các DN về tiếp cận vốn, tín dụng; hỗ trợ DN thụ hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, bảo hiểm; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính cũng như chi phí cho DN. Cùng với đó, cần tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn tại trong thực hiện các dự án đầu tư, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án lớn; tạo điều kiện, sớm hoàn thiện các thủ tục để giúp các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án theo kế hoạch.
TS Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương:
Còn dư địa cho chính sách tiền tệ
Ðến nay, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, trong đó có chính sách tiền tệ, là phù hợp và vẫn còn dư địa cho kịch bản khởi động lại nền kinh tế sau dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã vào cuộc nhanh chóng ngay khi dịch khởi phát, hạ các mức lãi suất điều hành để dần tạo mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn và nhiều khả năng còn tiếp tục hạ thêm lãi suất điều hành. Ngoài ra, NHNN còn nguồn dự trữ ngoại hối khoảng 84 tỷ USD mà thời gian qua chưa phải dùng nhiều đến. Các ngân hàng thương mại cũng triển khai gói tín dụng lên đến 285 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Sắp tới, quy mô gói tín dụng này còn có thể tăng hơn nữa. Ðây là thời điểm vô cùng khó khăn đối với DN. Chủ trương hỗ trợ của Chính phủ đã có, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để các gói hỗ trợ đến kịp thời, đúng đối tượng, đúng địa chỉ. DN cũng nên tìm hiểu thông tin để tận dụng có hiệu quả các gói hỗ trợ. Cách hỗ trợ của Nhà nước phải bám sát tình hình, sẵn sàng cho kịch bản xấu hơn, vừa giảm khó khăn, bảo đảm khả năng chống chịu cho DN và nền kinh tế, vừa tạo đà cho bước phát triển tiếp theo. Giai đoạn sau dịch, nền kinh tế vẫn còn cần phải được "bồi bổ", song cách "bồi bổ" phải phù hợp xu thế cải cách và phát triển.
Qua dịch Covid-19, chúng ta rút ra được bài học rất sâu sắc. Ðó không chỉ là bài học về cuộc khủng hoảng, cách xử lý, khởi động lại nền kinh tế sau dịch mà còn xuất hiện những xu hướng mới, phạm trù mới làm thay đổi cách sống và phương thức sản xuất, kinh doanh. Những xu hướng mới này cũng chính là cơ hội để DN nhìn nhận lại, không chỉ cầm cự, mà còn xoay chuyển tình thế và cải tổ chính mình. Ðó là việc định vị thị trường, đối tác, xác định cách thức chuyển đổi số, nâng cấp quản trị và đào tạo kỹ năng mới cho người lao động...