19/01/2025 lúc 10:33 (GMT+7)
Breaking News

Khoảng trống... văn hóa ứng xử trong trường học!

(VNHN) – Văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục lâu nay vẫn được cả xã hội quan tâm và cũng được ngành Giáo dục Đào tạo chú trọng. Dẫu thế, trước những vụ việc đang diễn ra cho thấy vẫn còn một khoảng trống... trong văn hóa ứng xử ở môi trường rất nhân văn này. Đây thực sự là một thực trạng đáng buồn.

(VNHN) – Văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục lâu nay vẫn được cả xã hội quan tâm và cũng được ngành Giáo dục Đào tạo chú trọng. Dẫu thế, trước những vụ việc đang diễn ra cho thấy vẫn còn một khoảng trống... trong văn hóa ứng xử ở môi trường rất nhân văn này. Đây thực sự là một thực trạng đáng buồn.

Mới đây nhất, vụ việc 8 em học sinh tại một trường THPT ở Thanh Hóa bị kỷ luật vì nói xấu, xúc phạm thầy cô giáo trên mạng xã hội, trong đó có 7 học sinh bị đuổi học đã được các bậc phụ huynh kiến nghị lên Sở Giáo dục Đào tạo (GDĐT) Thanh Hóa. Và đúng 1 tuần sau quyết định kỷ luật (ngày 1/11), Sở GDĐT Thanh Hóa đã yêu cầu nhà trường thu hồi quyết định kỷ luật đồng thời làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân thầy cô trong trường.

Có lẽ đây không phải lần đầu tiên những vụ việc đại loại như thế này được nhắc tới. Hầu hết ý kiến đều không ủng hộ hành vi xúc phạm thầy cô của các học sinh nhưng cũng bày tỏ băn khoăn về việc giáo viên vô tình hoặc cố ý mở ra xem thì có được phép hay không?

Nhưng điều đáng buồn nhất là sự xuống cấp của văn hóa ứng xử học đường vẫn tái diễn liên tục. Bởi theo báo cáo của Công an 63 tỉnh/thành phố, từ năm 2010 đến nay, có 7.735 học sinh, sinh viên tham gia đánh nhau và bị xử lý kỷ luật.

Theo kết quả khảo sát năm 2017 của Bộ GDĐT dành cho học sinh, sinh viên phổ thông và các trường đại học, có 8,6% học sinh và 20,3% sinh viên tự nhận mình thường xuyên nói tục, chửi bậy. Một số học sinh, sinh viên có biểu hiện bất hiếu với cha mẹ, vô lễ với thầy cô giáo, thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác… Trong khuôn viên nhà trường, học sinh, sinh viên tỏ ra ngoan ngoãn, lễ phép nhưng ngoài trường học, trên mạng xã hội thì có thái độ vô lễ, xúc phạm thầy cô giáo…

Có thể nói, hiện văn hóa ứng xử giữa giáo viên với giáo viên cũng có nhiều chuyện đáng bàn, ứng xử tình thầy trò cũng đang là một dấu hỏi lớn, rồi cả ứng xử giữa phụ huynh học sinh với thầy cô giáo cũng không còn nguyên vẹn như trước. Thực trạng đáng buồn về văn hóa ứng xử trong học đường, bên cạnh các nguyên nhân khách quan như tác động của quá trình hội nhập quốc tế, mặt trái của kinh tế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ thông tin… còn có nguyên nhân chủ quan xuất phát cả từ phía nhà trường và phụ huynh.

Trong khi một bộ phận giáo viên chỉ chú trọng đến truyền đạt kiến thức cho các em ở trên lớp mà nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò và trách nhiệm của cá nhân trong việc giáo dục thế hệ trẻ, thiếu ý thức tự vươn lên. Đặc biệt, một số cán bộ, nhà giáo thiếu kiềm chế cảm xúc cá nhân, dẫn đến hành vi xúc phạm tinh thần, xâm phạm thân thể trẻ em, bạo hành trẻ trong các cơ sở mầm non (nhất là các nhóm trẻ độc lập tư thục) và học sinh, sinh viên; chưa đúng mực trong ứng xử với đồng nghiệp, với phụ huynh và người dân đến làm việc; thái độ, hành vi, phát ngôn đôi khi thiếu chuẩn mực… Cá biệt có trường hợp xâm hại học sinh xảy ra trong trường học.

Mặt khác, vẫn còn tình trạng một số phụ huynh vẫn phó mặc việc dạy dỗ con em mình cho nhà trường. Trong khi đó, nhà trường không thể quản lý, kiểm soát được các hoạt động của học sinh suốt cả ngày đã ảnh hưởng không tốt đến việc xây dựng văn hóa ứng xử của học sinh, sinh viên, gây lo lắng trong xã hội.

Chúng ta thấy rằng, cho dù những quan niệm về mối quan hệ thầy trò ngày nay dù có thay đổi đến đâu thì triết lý sư phạm “Tiên học lễ - hậu học văn” vẫn không thể thay đổi. Bởi nếu không chú trọng dạy - học lễ nghĩa, học đạo làm người, hoàn thiện nhân cách từ khi còn trên ghế nhà trường, thì sự nghiệp trồng người vẫn không thể toàn diện, không thể thành công. Chính vì lẽ đó mà việc các học sinh dùng mạng xã hội để lập hội, nhóm nói xấu thày cô giáo của mình, nói xấu nhà trường… thì đúng là cần phải gióng lên một hồi chuông báo động về ứng xử học đường.

Ngày 3/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1299/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”. Theo đó, 100% trường học phải xây dựng Bộ Quy tắc văn hóa ứng xử, quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử của các chủ thể trong nhà trường thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử… Mục tiêu của Đề án là tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Nhưng xét trên thực tế, nếu chỉ kỳ vọng vào quy định có tính chất hành chính, chắc sẽ khó làm thay đổi những ứng xử trong môi trường học đường. Thiết nghĩ, cùng với sự nỗ lực từ phía ngành Giáo dục thì việc xây dựng văn hóa ứng xử trong học đường cần thực hiện đồng bộ, thống nhất và có sự phối hợp, chung tay giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Theo đó, nhà trường không chỉ là nơi dạy cho các em học sinh tri thức mà còn là nơi dạy cho các em về nhân cách, đạo đức của con người. Do đó, phải xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh và phòng, chống bạo lực học đường hiệu quả. Nhà trường không những cùng với gia đình nuôi dưỡng đạo đức của học sinh mà còn là nơi đẹp đẽ của thế giới tri thức. Phải xây dựng kế hoạch và tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh, sinh viên thông qua các môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa; nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực tổ chức giáo dục ứng xử văn hóa của cán bộ, nhà giáo, nhân viên nhà trường.

Đối với gia đình, hơn ai hết, các em rất cần sự bảo ban, dạy dỗ, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống của các bậc làm cha, làm mẹ. Khác với giáo dục trong nhà trường là dựa vào trách nhiệm và nghĩa vụ của học sinh, ở gia đình việc dạy dỗ con cái diễn ra trên cơ sở tình cảm yêu thương và tin cậy lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái…

Tam giác liên kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội cần được gắn chặt trong giáo dục.

Muốn làm được điều đó, chúng ta phải khắc phục bằng được tình trạng trong môi trường giáo dục, để các thầy cô giáo phải chịu nhiều áp lực, trong đó một áp lực không nhỏ đến từ chính phụ huynh và xã hội. Sự dân chủ trong giáo dục là cần thiết, nhưng đôi khi nếu thái quá trong môi trường học đường, sẽ dẫn đến hiệu ứng dư luận. Đơn cử, chỉ cần một hành động nhỏ thôi của thầy cô bị trò phản ứng, lập tức những thông tin ấy tràn lan mạng xã hội hoặc trên báo chí.

Tam giác liên kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội cần được gắn chặt, bởi chỉ cần lỏng lẻo ở một khâu bất kỳ thì cả mắt xích ấy có nguy cơ đứt gẫy bất cứ lúc nào. Có như vậy môi trường giáo dục sẽ trở nên nhân văn hơn, để mỗi ngày đến trường với thầy và trò thực sự “là một ngày vui”./.  

Thu Hà