Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, đưa khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho các vùng núi và dân tộc thiểu số.
Ngày 13/11, tại TP. Bắc Giang, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025 (gọi tắt là Chương trình Nông thôn miền núi).
Theo báo cáo của Bộ KH&CN, vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm hơn 60% diện tích tự nhiên, là địa bàn sinh sống chủ yếu của 12,3 triệu người thiểu số, chiếm 14,27% dân số cả nước. Đây là vùng có vị trí trọng yếu, địa bàn chiến lược, vùng biên cương phên dậu của quốc gia, vùng có tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế-xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng của đất nước.
Ảnh minh họa
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình, đã có 400 dự án được phê duyệt. Các dự án khi kết thúc dự kiến xây dựng được 1.309/1.200 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (đạt 109,1%); chuyển giao được 2.126/1.500 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (đạt 141,7%). Có 43 dự án đã nghiệm thu, trong đó 2 dự án loại Xuất sắc, 33 dự án loại Khá, 8 dự án Đạt.
Thông qua việc thực hiện dự án vầ các nhiệm vụ có liên quan, Chương trình đã đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý vầ tổ chức triển khai dự án cho 1.800/1.500 cán bộ quản lý (đạt 120%); đào tạo được 3.520/2.500 kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương (đạt 140,8%); tập huấn cho 78.610/80.000 lượt nông dân về các tiến bộ khoa học và công nghệ đã được chuyển giao, ứng dụng cho dự án (đạt 98,3%)
Về hiệu quả KH&CN, các dự án bước đầu đã mang lại hiệu qủa tích cực về KH&CN, dự kiến sẽ chuyển giao được 2.126 lượt công nghệ; làm chủ được công nghệ sản xuất một số giống sạch bệnh, có chất lượng cao, giá thành hạ, thay thế giống nhập khẩu từ nước ngoài...Đồng thời, nông thôn miền núi và vùng dân tộc thiểu số còn có tiềm năng rất lớn về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, truyền thống văn hóa, lịch sử cần được tăng cường ứng dụng các tiến bộ KH&CN để phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho biết, vùng nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số thường được biết đến với 5 cái nhất gồm: Có điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ nghèo cao nhất.
Giải quyết các vấn đề tồn tại của nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số cần sự tham gia của nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, quản lý. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là làm sao đưa nhanh được tiến bộ KH&CN, thúc đẩy ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào thực tiễn sản xuất, đời sống.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, nông thôn, miền núi và vùng dân tộc không thể phát triển và thoát nghèo nếu không hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập vào sự phát triển chung của cả nước, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, trên cơ sở chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, áp dụng KH&CN, chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi gắn với bảo quản, chế biến, bảo hiểm sản xuất và tạo lập thị trường trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm hàng hóa. Bởi vậy, đưa KH&CN vào phát triển sản xuất, đời sống kinh tế cho các vùng núi và dân tộc thiểu số góp phần quan trọng ổn định an ninh, chính trị cho các địa bàn trọng yếu của quốc gia.
Thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong những năm vừa qua, Bộ KH&CN đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Chương trình Nông thôn miền núi. Thực tế, Chương trình đã được triển khai thực hiện qua 3 giai đoạn, bắt đầu kể từ năm 1998. Các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi có công nghệ tiên tiến, phù hợp, xây dựng được những mô hình ứng dụng KH&CN có hiệu quả hướng vào giải quyết những vấn đề kinh tế-xã hội có tầm quan trọng đối với địa phương như nâng cao năng suất, chất lượng và đa đạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá, có tiềm năng về thị trường và phát huy lợi thế của từng vùng; hỗ trợ các doanh nghiệp hiện có ở nông thôn đổi mới công nghệ hoặc hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới nhằm phát huy các lợi thế về ngành nghề truyền thống…
“Tiếp tục phát huy hiệu quả của Chương trình trong thời gian tới cần giải quyết các vấn đề tồn tại của nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số cần sự tham gia của các ngành, các cấp. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là làm sao đưa nhanh được tiến bộ KH&CN, thúc đẩy ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào thực tiễn sản xuất, đời sống”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, không có phát triển KH&CN thì Bắc Giang không tăng trưởng nông nghiệp như hiện nay. Thực tiễn Bắc Giang những năm qua cho thấy, ở đâu có sự sáng tạo trong đổi mới các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, chính sách thì ở đó có sự tiến bộ vượt bậc, có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, tỉnh Bắc Giang không ngừng tăng trưởng, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Có được kết quả trên là có sự đóng góp hiệu quả của nhiều ngành, lĩnh vực trong đó nổi bật là việc tăng cường ứng dụng KH&CN vào phát triển kinh tế-xã hội nhất là khu vực nông thông miền núi.
Chương trình Nông thôn miền núi, giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã triển khai thực hiện 11 dự án KH&CN. Thông qua Chương trình, đã chuyển giao 18 lượt công nghệ vào sản xuất, đào tạo trên 90 kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn cho 2.300 lượt người dân; giải quyết được tình trạng lao động dôi dư, nông nhàn và tăng thu nhập cho người dân. Các dự án thuộc Chương trình đã giúp các địa phương trong tỉnh tiếp nhận, làm chủ và phát triển các công nghệ.
Đại diện hộ nông dân tham gia mô hình dự án ứng dụng KH&CN chăn nuôi bò thịt tại tỉnh Phú Thọ, ông Đặng Văn Thư, dân tộc Dao chia sẻ: Nhờ có dự án từ Chương trình nông thôn, miền núi, gia đình ông đã thoát nghèo, từ hộ cận nghèo lên hộ có thu nhập trung bình khá. Khi tham gia dự án, ông được tập huấn nâng cao các kiến thức về chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt, theo phương thức “cầm tay chỉ việc”; các hộ tham gia dự án được hỗ trợ bò, thức ăn… góp phần ổn định kinh tế hộ gia đình, kinh tế vùng miền.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng trình bày tham luận, đưa ra giải pháp đưa tiến bộ KH&CN, thúc đẩy ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào thực tiễn sản xuất, đời sống; chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi gắn với bảo quản, chế biến, bảo hiểm sản xuất và tạo lập thị trường trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm hàng hóa…/.