25/02/2025 lúc 04:55 (GMT+7)
Breaking News

Khát vọng cống hiến vì sức khỏe người Việt

VNHN - Doanh nhân Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed) - Nhân vật đã trở thành hình tượng để theo đuổi của nhiều người làm kinh doanh, trở thành tấm gương trí thức doanh nhân tiêu biểu bởi bản lĩnh, sự sáng tạo, lòng kiên trung, tính quyết đoán trong lãnh đạo.

VNHN - Doanh nhân Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed) - Nhân vật đã trở thành hình tượng để theo đuổi của nhiều người làm kinh doanh, trở thành tấm gương trí thức doanh nhân tiêu biểu bởi bản lĩnh, sự sáng tạo, lòng kiên trung, tính quyết đoán trong lãnh đạo.

Có lẽ, những lời khen, lời ca tụng dành cho bản lĩnh, tầm nhìn, nghị lực và lòng nhân ái của ông là hoàn toàn xứng đáng. Nhưng ở khía cạnh khác - chân thành và giản dị hơn, ông đã vẽ lại chân dung cuộc đời mình qua những dấu mốc gian truân, để từ đó truyền thêm cảm hứng cho thế hệ trên con đường khởi nghiệp. Tuổi thơ của doanh nhân Trần Mạnh Báo gắn liền với những năm tháng bị cái nghèo đeo đẳng ở vùng quê ven biển cửa sông Diêm, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Khi mới lên 6 tuổi ông đã biết làm cỏ lúa phụ giúp gia đình. Đến khi lên 10 tuổi ông biết cày cuốc. Chính những ngày gắn với đồng ruộng đã nuôi dưỡng trong ông một tình yêu nghề nông sâu đậm. Tận mắt chứng kiến người nông dân “một nắng hai sương”, thậm chí vắt kiệt sức trên đồng ruộng mà vẫn không đủ ăn, nên ông đã có những suy nghĩ về tương lai sau này sẽ phấn đấu để làm một công việc nào đó giúp ích được họ. Nuôi dưỡng ước mơ cùng khát vọng được cống hiến cho quê hương để góp phần giúp bà con nông dân bớt phần khổ cực.

Năm 1975, khi đất nước thống nhất, ông trở về với mức thương tật 2/4, bằng khát vọng được cống hiến cùng bản lĩnh kiên trung của một người lính được tôi luyện qua năm tháng chiến đấu đã giúp ông có thêm động lực để biến ước mơ cuộc đời mình thành hiện thực. Thời gian đầu ông xin vào làm công nhân tại Trạm truyền giống lợn Hưng Hà, sau đó là tạp vụ cho Công ty Giống lúa Thái Bình - tiền thân của ThaiBinh Seed. Vừa làm, ông vừa học tiếp cấp III, tự mình học Tin học và ngoại ngữ, rồi tốt nghiệp hai trường Đại học (Nông nghiệp và học Quản trị kinh doanh...)

“Tôi làm không phải cho chúng tôi mà làm cho sức khỏe người Việt”.

Năm 1987, ông đảm nhiệm vai trò là Trại phó Trại giống cấp I Đông Cơ, thuộc Công ty Giống cây trồng Thái Bình. Để xóa bỏ tình trạng bế tắc, sản xuất kinh doanh không có đầu ra, ông đã quyết tâm xây dựng đề án đổi mới quản lý trại giống lúa Cấp 1 Đông Cơ theo phương thức “Khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động - Đổi mới quản lý nông nghiệp quốc doanh” trước Nghị Quyết 10 của Bộ Chính trị. Chỉ sau 1 năm làm thử, năng suất lúa trên diện tích của trại tăng 20%, thu nhập của người lao động tăng gần 3 lần. Thành công này đưa trại giống Đông Cơ trở thành mô hình điểm trong thực hiện Nghị quyết 10 và ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty ThaiBinh Seed. Với vai trò là Giám đốc Công ty, ông đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và khuyến nông trực thuộc công ty. Trung tâm rộng hơn 172ha, mỗi năm được công ty đầu tư từ 10 - 15 tỷ đồng để nghiên cứu, khảo nghiệm hàng nghìn giống lúa các loại. Bên cạnh đó, Công ty đầu tư xây dựng Phòng thử nghiệm Quốc gia mã số VILAS 110 để thử nghiệm chất lượng giống, kiểm định độ thuần đồng ruộng.

Năm 1988 được xem là dấu mốc mà ông không thể quên khi bắt đầu xây bờ ruộng để làm khảo nghiệm giống lúa mới, mở đầu cho hành trình miệt mài nghiên cứu, lai tạo giống lúa. Chọn con đường này là ông đã chấp nhận đối mặt với chồng chất khó khăn bởi công việc này đòi hỏi quá nhiều trí tuệ, công sức, tiền bạc, thời gian, sự kiên nhẫn và độ rủi ro cao. Ông chia sẻ: “Tôi quyết định chọn con đường nghiên cứu, chọn tạo giống lúa bởi lúa là cây trồng cung cấp lương thực lớn nhất trên thế giới và ở Việt Nam. Vì thế, phải cung cấp giống lúa tốt, thay đổi cơ cấu sản xuất lúa thì đời sống của người nông dân mới khá lên. Từ khi bắt đầu nghiên cứu một giống lúa mới cho đến lúc đưa đi khảo nghiệm và sản xuất, nhanh cũng phải 6 năm, chậm thì 16 năm, có khi còn lâu hơn nữa mới chọn được dòng thuần. Và trước khi đưa vào sản xuất thực tế, giống lúa đó còn phải được đưa đi khảo nghiệm ở các vùng sinh thái khác nhau cho đến khi đáp ứng được những yêu cầu phù hợp”.

Theo doanh nhân Trần Mạnh Báo, Công ty luôn hướng tới đích chung là đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người tiêu dùng. Điều khác biệt là gạo ThaiBinh Seed sử dụng công nghệ khép kín trọn vẹn nhất từ khâu nghiên cứu và chọn tạo giống lúa, có sự giám sát chặt chẽ của các kỹ sư trong mọi khâu, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Tập đoàn ThaiBinh Seed năm 2016

Với việc đầu tư bài bản, khoa học và định hướng tập trung phát triển cho các giống lúa thuần, ông đã đưa ThaiBinh Seed trở thành nhà sản xuất lúa giống chất lượng cao hàng đầu Việt Nam, hiện cung ứng hơn 20% lượng giống lúa cho cả nước. Riêng ở Thái Bình, các loại giống này đã trở thành giống chủ lực, chiếm tới 80% cơ cấu sản xuất của tỉnh. Ông và ThaiBinh Seed đã tạo được bộ giống lúa thuần có nhiều ưu điểm vượt trội: dễ trồng và chăm sóc, thời gian sinh trưởng, phát triển ngắn để giảm rủi ro khi xảy ra điều kiện thời tiết bất thường, năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, cho hạt gạo ngon. Và chỉ khoảng 10 năm gần đây, trong số các giống lúa mà ThaiBinh Seed chọn tạo, có 7 giống lúa do ông là tác giả được khảo nghiệm và công nhận là giống Quốc gia. Hằng năm, ThaiBinh Seed liên kết sản xuất với các địa phương trên cả nước, đem lại giá trị gia tăng 40 - 50 tỷ đồng cho nông dân. Nhiều hộ liên kết sản xuất với ThaiBinh Seed đã có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Năm 2004, khi đang ở cương vị Giám đốc ThaiBinh Seed, ông đã đề nghị cho cổ phần hóa công ty và chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình. Từ đó, ThaiBinh Seed liên tục tăng trưởng, được Vietnam Report xếp hạng là 1 trong 500 doanh nghiệp trong nước có tốc độ phát triển nhanh nhất.

Năm 2017, sau 14 năm nghiên cứu và lai tạo ông đã cho ra đời loại gạo mang thương hiệu “Niêu vàng”. Nhớ khi bắt tay nghiên cứu sản xuất loại gạo sạch và ngon nguyên chất này, đã có bao lời ngăn cản, rằng lỗ, rủi ro nhiều… nhưng ông vẫn làm với cái lý: “Không có lý do gì sống ở đất nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới mà đa số người dân phải ăn gạo pha tạp kém chất lượng”.

Doanh nhân Trần Mạnh Báo trao đổi cùng bà con nông dân tại ruộng lúa

Không chỉ điều hành, lãnh đạo công ty mà ông còn cùng các kỹ sư đi khảo sát giống lúa, cơ cấu sản xuất ở địa phương, hình ảnh của một Tổng Giám đốc tận tâm, gần gũi, nhiệt tình, lắng nghe và hướng dẫn từng chi tiết nhỏ như cách nâng niu từng mầm non, cách đánh giá và chọn lọc từng cây, từng dòng lúa mới đã gây xúc động mạnh cho lớp kỹ sư kế cận của ThaiBinh Seed. Những lần gặp gỡ như thế ông lại có dịp tiếp xúc cùng bà con nông dân, có gì vướng mắc trong chuyện gieo cấy lúa ông đều lắng nghe và hết lòng giúp đỡ. Ông cho biết: “Mình phải biết lắng nghe để có thêm kinh nghiệm hướng dẫn, tập huấn cho bà con thành thạo việc ngâm ủ, gieo cấy, bón phân cho lúa đúng thời vụ, phù hợp với từng giống lúa và từng địa phương”.

Năm 2018, doanh nhân Trần Mạnh Báo được tôn vinh là “Nhà khoa học của nhà nông”; Giải thưởng VIFOTEC; Giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam”; Ông cũng đã được tặng 3 Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 5 bằng lao động sáng tạo; FAO tặng chứng nhận người có công đóng góp phát triển nông nghiệp (năm 2016); 2 lần đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật Thái Bình. Những cống hiến không ngừng nghỉ trong lao động sáng tạo của mình, doanh nhân Trần Mạnh Báo đã góp phần làm thay đổi tích cực diện mạo ngành nông nghiệp nói riêng và sự phát triển kinh tế đất nước nói chung trong thời kỳ hội nhập của đất nước.

Trong chuyến thăm và làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhận xét về doanh nhân Trần Mạnh Báo rằng: “Đây là anh bộ đội Cụ Hồ, một thương binh nặng. Suốt cuộc đời, anh ấy chỉ làm một công việc, đó là nghiên cứu sản xuất giống lúa, và đã xây dựng được một doanh nghiệp giống lớn, có tầm ảnh hưởng toàn quốc. Người như thế rất hiếm, xứng đáng anh hùng”.