18/04/2024 lúc 19:09 (GMT+7)
Breaking News

Khao khát phát triển ngành nghề, làm giàu trên mảnh đất quê hương

Thôn Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) không chỉ nổi tiếng bởi làng nghề Tò he độc nhất vô nhị trên toàn quốc, mà người Xuân La nổi tiếng khéo tay. Nhất là lớp trẻ ngày nay đua nhau ra ngoài thâm nhập thị trường về làm kinh tế. Vì thế Xuân La hôm nay là mảnh đất đa nghề.

Với phương châm “Ly nông bất ly hương”, lớp trẻ Xuân La đã góp phần tạo cho làng quê có diện mạo mới. Nhiều cơ sở sản xuất mọc lên. Nhất là các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đem lại thu nhập ổn định cho người dân lao động, vốn xưa nay quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cuộc sống vẫn nghèo khó chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán. Một trong số cơ sở sản xuất có uy tín trên thị trường và mang lại thu nhập ổn định cho người lao động - đặc biệt là những lao động lớn tuổi, trên - dưới 60; đó là cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ của đôi vợ chồng doanh nhân trẻ, tài hoa - Anh Lê Văn Tuynh và chị Lê Thị Doán (tức Lê Thị Ưa).

Nữ thần kích thước cao 110 dài 30

QUYẾT TÂM TÌM HƯỚNG SẢN XUẤT KINH DOANH, PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Sinh năm 1984 trong một gia đình có truyền thống cách mạng (hiện nay anh Tuynh đang thờ cúng chú ruột là liệt sĩ Lê Văn Cày; Ông nội của Tuynh là Lê Gia Mùa đã cống hiến công sức cho cả hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc). Là con lớn trong gia đình, tuổi thơ của Tuynh vất vả mò cua, bắt ốc, nhưng được tắm mình trong những nhân vật, con vật ngộ nghĩnh của làng nghề Tò he nổi tiếng. Vì thế, nghệ thuật nhào, nặn thủ công như một niềm đam mê ăn sâu vào máu thịt của Tuynh. Tuổi thanh niên của Tuynh phải bươn trải, chợ búa lấy thêm thu nhập cho gia đình. Chính những năm tháng lăn lộn đó, Tuynh đã đi qua và tiếp xúc được với rất nhiều các làng nghề truyền thống. Đôi mắt của Tuynh như bị thôi miên, hút hồn vào các tác phẩm nghệ thuật, những bức tượng, những bình hoa gốm xứ đẹp lung linh sắc màu của làng nghề gốm sứ Chu Đậu, Bát Tràng. Tuynh luôn khao khát tìm được một nghề mà mình đam mê. “Không thầy đố mày làm nên” - hiểu rõ điều đó, năm 2001 đến năm 2004, Tuynh đã đi làm thuê (chủ yếu là để học nghề). Khởi đầu bằng nghề tạc tượng. Với sự khéo tay thiên bẩm, Tuynh đã thổi hồn vào những bức tượng của mình. Và trong lòng vẫn luôn nhen nhóm một khao khát: Mình sẽ mở một cơ sở sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ trên chính quê hương nổi tiếng với những người dân khéo tay của mình.

Ly công số 2 kích thước cao 46 dài 12

LẬP THÂN - LẬP NGHIỆP

Tuân xác định, muốn lập nghiệp thành công, bền vững, cần phải có người bạn đời cùng sẻ chia, chung lưng, đấu cật tạo dựng tương lai. Năm 2005, anh lập gia đình cùng cô gái làng Lê Thị Doán - một người con gái nhanh nhẹn, xinh xắn. Và, cặp vợ chồng trẻ quyết tâm lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2006, Tuynh mở xưởng sản xuất và chọn hướng đi riêng cho sản phẩm của mình.

Nhiều năm lăn lộn ở cái nôi gốm sứ Bát Tràng, Tuynh đã từng đứng hàng giờ say sưa ngắm những sản phẩm tuyệt tác của:

Quê hương gốm sứ Bát Tràng

Đổi đất lấy vàng, nuôi vợ nuôi con

Tuynh nghĩ “Bát Tràng là làng nghề truyền thống lâu đời. Nguyên liệu của nghề là đất sét trắng. Sản phẩm đã có thương hiệu trong nước và quốc tế. Nay mình có thể thay đổi nguyên liệu khác và sản phẩm sẽ mang vẻ đẹp riêng biệt, lung linh sáng đẹp như sứ nhưng nguyên liệu lại không phải là đất sét trắng”. Ý nghĩ táo bạo đó, Tuynh đã thực hiện được bằng công thức rất sáng tạo: Sản phẩm được tạo ra từ nhựa Composite trộn với bột đá. Rồi qua nhiều công đoạn tỉ mỉ từ đúc khuôn, trà ráp, phun sơn, tạo hoa văn,... tất cả đều làm thủ công. Cuối cùng, Tuynh đã có sản phẩm của riêng mình. Anh mải miết bươn trải ra thị trường tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng. Mẫu mã phải đẹp, có tính thời sự, chất lượng tốt nhưng phải nhẹ, tránh vỡ, bền, rẻ,.. và phù hợp với từng địa bàn, từng thành phần tiêu thụ. Sáng tạo ra nhiều mẫu mã rất đẹp, hiện cơ sở của Tuynh có hơn 200 mẫu mã. Không gian của xưởng sản xuất bừng sáng, đẹp như huyền thoại trong truyện cổ tích. Nhiều mẫu được sáng tạo từ nơi gốm sứ nổi tiếng của Trung Quốc như Giang Tây, Giang Nam.

Chị Lê Thị Doán vẽ họa tiết trang trí sản phẩm

VỢ CHỒNG “CÙNG TÁT BỂ ĐÔNG”, TẠO CÔNG ĂN VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG THÔN QUÊ

Trước mắt tôi là hình ảnh chị Lê Thị Doán đang say sưa vẽ, thiết kễ mẫu mã mới mà anh Tuynh chồng chị vừa mang về. Gần 18 năm chia ngọt sẻ bùi, toàn tâm toàn ý cùng chồng xây dựng cơ nghiệp, nhưng lúc nào chị cũng ân cần, vui vẻ. Bao khó khó khăn, vất vả của người vợ, người mẹ, nhưng trông chị vẫn trẻ trung, xinh đẹp, luôn bên chồng như một người bạn nghề chăm chỉ, sáng tạo. Vừa làm bổn phận của người phụ nữ trong gia đình, chị còn là người quản lý giỏi, rất quan tâm đến người lao động.

Với uy tín ngày càng lớn và mức tiêu thụ sản phẩm ngày càng cao, số lượng người lao động càng tăng, năm 2012, hai vợ chồng anh Tuynh phải mở rộng lán xưởng sản xuất. Vì gia đình anh Tuynh có một mảnh ruộng ngay phía sau nhà ở, vốn là nơi chứa rác thải cống rãnh trong làng đổ ra tạo thành một gò đất bẩn, ô nhiễm nặng không trồng trọt được bất kỳ cây gì và nuôi con gì trong nhiều năm. Anh mạnh dạn bắt đất cằn phải trả mật cho đời. Anh đã cải tạo, san lấp và mở rộng xưởng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho những người lao động dư thừa trong xóm, ngoài làng. Anh Tuynh suy nghĩ nung nấu trong đầu: “Là một gia đình có công với cách mạng, hiểu rõ ông cha ta đã đổ bao mồ hôi, xương máu để giành giật từng tấc đất cho quê hương, để người nông dân có ruộng. Nay để đất cằn, không sinh sôi nảy nở, không đem lại kinh tế là có tội với đất, có tội với cha ông”.

Vợ chồng anh Tuynh đã mở rộng được thị trường tiêu thụ. Nhiều người dân hết tuổi lao động, nhưng nhờ có xưởng của hai anh chị nên vẫn có thu nhập ổn định, chính đáng. Bà Phùng Thị Huê gần 60 tuổi, nhưng trông ốm yếu, tóc bạc, khuôn mặt khắc khổ, không giấu nổi phấn khởi nói: “Tôi đã hết tuổi lao động nhưng vẫn phải cấy ruộng. Khổ một nỗi, lúa bị sâu bệnh phá hoại, chuột ăn, nguồn nước ô nhiễm nên bông lúa chỉ loi thoi vài hạt. Có vụ chỉ thu được 40kg thóc/sào Bắc Bộ. Rất may có xưởng sản xuất của cháu Tuynh - Ưa, chúng tôi tuy già cả vẫn có việc làm phù hợp với mình, thu nhập gấp nhiều lần cấy lúa, cuộc sống ổn định. Tôi cảm ơn sự mạnh dạn của lớp trẻ quê tôi. Nhất là vợ chồng Tuynh - Ưa”.

Đại diện cho lớp thợ trẻ, anh Đặng Văn Điệp cũng không giấu nổi vui mừng khi nghề phụ đã mang lại thu nhập chính cho gia đình. Anh nói: “Tôi gắn bó với xưởng này đã nhiều năm. Nhờ công việc và đồng lương ổn định, tôi đã xây dựng được cơ ngơi ấm cúng, nuôi dạy con cái học hành. Nếu không có nghề mà cứ trông vào mấy sào ruộng thì cuộc sống đã khốn khó lại càng khốn khó hơn”.

Anh Lê Văn Tuynh bên sản phẩm đang được chế tác

Hiện tại, xưởng sản xuất của gia đình anh Tuynh có 31 lao động thường xuyên với mức thu nhập ổn định. Thợ chính là 10 triệu đồng/ người/ tháng. Thợ phụ (đa số là người già) có mức thu nhập 3-4 triệu đồng/ tháng. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ giả sứ của anh Tuynh có mặt trên khắp các tỉnh, thành phố. Đặc biệt còn đứng vững ở Bát Tràng - cái nôi nổi tiếng của gốm xứ Việt Nam. Hiện nay, anh Tuynh có 3 cửa hàng lớn trưng bày ở Bát Tràng, được bạn bè trong nước và quốc tế ưa chuộng về độ bền, nhẹ, mẫu mã đẹp. Không chỉ là người sản xuất có tâm, có tầm mà vợ chồng anh chị Tuynh – Ưa luôn quan tâm đến những hoạt động từ thiện, công tác an sinh xã hội. Bất kỳ thôn, xã có việc gì kêu gọi ủng hộ, anh chị đều là người đi tiên phong.

Khi được hỏi về nguyện vọng phát triển nghề trong tương lai, anh Tuynh chia sẻ: “Đất quê tôi có những nơi thổ nhưỡng xấu. Điển hình là một dọc đất chạy dài sau nhà tôi. Chúng tôi không thể canh tác được gì. Nếu trồng cây lâu năm chắc gì đã sống mà chờ ngày hái quả. Chúng tôi sẽ sống bằng gì. Trong khi đó làng nghề của chúng tôi rất mở mang phát triển, rất cần mặt bằng để sản xuất. Chúng tôi chỉ mong các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện để chúng tôi được mở xưởng sản xuất trên chính mảnh đất mà chúng tôi không thể canh tác vật nuôi hoặc cây trồng. Chúng tôi luôn chấp hành đầy đủ các yêu cầu về sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho Nhà nước chứ không để đất hoang hoá, nghỉ lâu dài. Là những doanh nhân trẻ, chúng tôi muốn xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, xứng tầm là Nông thôn mới nâng cao”.

Hiện nay, vấn nạn ô nhiễm môi trường như một hồi còi cảnh báo ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như công việc sản xuất nông nghiệp của người dân. Nên chăng các cấp hãy xem xét, mở cửa để người dân có điều kiện sống tốt nhất, chuyển đổi đúng nhất mục đích đất nông nghiệp để đúng tiêu chí “tấc đất - tất vàng” đảm bảo an sinh xã hội, góp phần đưa nông thôn ngày càng phồn thịnh, đúng như câu: “Dân giàu - Xã mạnh”.

                                                              Vân Tuyên

...