20/11/2024 lúc 14:40 (GMT+7)
Breaking News

Khánh Hòa: Điều chỉnh quy hoạch CHKQT Cam Ranh thời kỳ 2021 - 2030

UBND tỉnh Khánh Hòa làm việc với đoàn công tác của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) về Dự án điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế (CHKQT) Cam Ranh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo báo cáo tại buổi làm việc ngày 31/3, CHKQT Cam Ranh hiện có 2 nhà ga hành khách: Nhà ga quốc nội T1 có diện tích gần 14.000m2, công suất phục vụ 2,65 triệu hành khách/năm và nhà ga quốc tế T2 có diện tích hơn 50.500m2, công suất phục vụ 4 triệu hành khách/năm. Diện tích nhà ga hiện hữu mới đáp ứng được công suất khai thác hơn 3.000 hành khách/giờ cao điểm, nhỏ hơn số hành khách giờ cao điểm năm 2019 là 3.900 hành khách. Cùng với đó, cảng chưa có nhà ga hàng hóa, trong khi số liệu thống kê năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua cảng gần 14.000 tấn.

Hiện nay, cảng có 3 vị trí đỗ máy bay. Sân đỗ hiện hữu tuy đủ khả năng khai thác hành khách, nhưng cũng cần mở rộng để bổ sung vị trí đỗ cho máy bay hàng hóa và khu sửa chữa đáp ứng nhu cầu phát triển cảng hàng không giai đoạn trung hạn 2021 - 2025. Những năm tiếp theo, phải mở rộng sân đỗ bảo đảm đủ số lượng vị trí đỗ máy bay để đáp ứng yêu cầu khai thác.

UBND tỉnh Khánh Hòa làm việc với đoàn công tác của Cục Hàng không Việt Nam.

Tại buổi làm việc đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, theo khảo sát của đơn vị tư vấn, dự báo nhu cầu vận tải thông qua CHKQT Cam Ranh đến năm 2030 là hơn 28 triệu khách/năm, đến năm 2050 là 36 triệu khách/năm. Đối với hàng hóa, dự báo đến năm 2030 sẽ hơn 52 triệu tấn/năm, đến năm 2050 sẽ hơn 76,8 triệu tấn/năm. Với dự báo tăng trưởng cao cả về hành khách và hàng hóa, việc nâng cấp, mở rộng CHKQT Cam Ranh là cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển mạnh mẽ.

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất bổ sung đường băng số 3; Đơn vị tư vấn đề xuất 2 phương án cho Dự án điều chỉnh quy hoạch CHKQT Cam Ranh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể: phương án 1; Giữ nguyên quy mô các đường cất hạ cánh, xây dựng 2 đường lăn thoát nhanh cách đường cất hạ cánh số 2 hơn 2,36km. Phương án này có ưu điểm là kinh phí đầu tư thấp trong giai đoạn trước mắt vì chỉ nâng cấp đường cất hạ cánh số 1 và xây mới 2 đường lăn. Nhà ga hành khách T1 mới bố trí theo sơ đồ cầu dẫn hành khách tàu bay có thể đỗ ở cả hai bên của trục cầu nên số lượng cầu dẫn hành khách nhiều, chất lượng phục vụ cao. Nhà ga hành khách T1 nằm ở trung tâm cảng nên hoạt động khai thác và di chuyển máy bay rất thuận lợi, thiết kế theo kiểu hợp khối có công suất lớn. Việc quản lý và khai thác nhà ga tập trung và hiệu quả. Tuy nhiên, với phương án này sẽ không tận dụng được nhà ga T1 hiện hữu.

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất bổ sung đường băng số 3.

Phương án 2; Xây mới đường cất hạ cánh số 1 cách đường cất hạ cánh số 2 là 360m, xây dựng 8 đường lăn thoát nhanh. Về ưu điểm, phương án này sẽ cho khả năng thoát nhanh của hỗn hợp máy bay tính toán trong mọi điều kiện thời tiết cao. Do đó, đáp ứng công suất khai thác tối đa theo cấu hình đường cất hạ cánh song song phụ thuộc với 51 lần cất hạ cánh/giờ, tương đương với 300.000 lần cất hạ cánh/năm. Nhà ga hành khách sử dụng hiệu quả hơn không gian đỗ máy bay. Tuy nhiên, nhược điểm phương án này là kinh phí đầu tư ban đầu lớn, tốn nhiều quỹ đất, nhiều nhà ga phân tán nên quản lý, vận hành cần nhiều nhân lực. Căn cứ vào các ưu, nhược điểm của các phương án, đơn vị tư vấn đã kiến nghị chọn phương án 1.

Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất bổ sung đường băng số 3 tại CHKQT Cam Ranh. Có 3 vị trí được đề xuất: Vị trí số 1, đường băng số 3 cách đường băng số 2 là 400m; vị trí số 2, đường băng số 3 cách đường băng số 2 là 760m; vị trí số 3, đường băng số 3 cách đường băng số 2 là 2.050m. Đơn vị tư vấn đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn vị trí số 3, có nhiều ưu điểm thuận lợi nhất trong tất cả các phương án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Nguyễn Anh Tuấn cơ bản thống nhất với nội dung Dự án điều chỉnh quy hoạch CHKQT Cam Ranh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Riêng đối với vị trí bổ sung đường băng số 3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh cung cấp hồ sơ, rà soát kỹ lưỡng các yếu tố về mặt kỹ thuật, điều kiện khai thác và ảnh hưởng dự án đường băng số 3 đối với quy hoạch tổng thể phát triển của tỉnh. Đồng thời, đơn vị tư vấn nên khảo sát thêm các vị trí mới, từ đó so sánh, đánh giá tác động, ưu, nhược điểm của các phương án mới đưa ra quyết định./.

Tuấn Khôi