Việc xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia được coi là chiến lược mà bất cứ doanh nghiệp Việt Nam nào cũng muốn hướng tới để phát triển bền vững cũng như khẳng định giá trị thương hiệu của doanh nghiệp không chỉ đối với thị trường trong nước mà còn có giá trị để vươn tầm quốc tế một cách vững vàng. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, củng cố niềm tin của người tiêu dùng dành cho hàng Việt. Việc xây dựng thương hiệu đòi hỏi sự cố gắng lâu dài, nỗ lực bền bỉ để được khách hàng, thị trường công nhận.
Các thương hiệu Việt ngày càng chú trọng việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đồng thời chủ động “đón đầu” xu thế hội nhập thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới…
Thời gian qua, các doanh nghiệp tại Việt Nam thường chỉ tập trung về chất lượng, nhưng hiện nay còn phải nói về công nghệ sạch, bảo vệ môi trường. Đây là những yếu tố để người tiêu dùng tin tưởng sử dụng sản phẩm. Khi có sản phẩm tốt thì đương nhiên người tiêu dùng sẽ biết đến thương hiệu của mình. Lúc đó, điều quan trọng là việc xây dựng thương hiệu quốc gia và quản lý thương hiệu quốc gia để đảm bảo thương hiệu quốc gia được sử dụng đúng mục đích, đạt kết quả so với mục tiêu chương trình thương hiệu quốc gia đề ra.
Mặt khác, để trở thành một thương hiệu quốc gia mạnh đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự kết hợp hài hòa giữa nhiều yếu tố: sự phát triển bền vững, sự đổi mới, sáng tạo…giúp cho mọi người có thể nhớ tới quốc gia của mình khi nhắc đến thế mạnh của thương hiệu ấy.
Ngoài ra, trong bối cảnh khoa học - công nghệ, thương mại điện tử ngày càng phát triển, DN muốn cạnh tranh cần phải chủ động tìm hiểu, làm quen với cách thức vận hành, kinh doanh theo phương thức tương tự, phù hợp để không bị chậm chân, lạc hậu về công nghệ, cách tiếp cận khách hàng mới. Trong đó, việc ứng dụng khoa học - công nghệ để thúc đẩy sản xuất xanh - sạch - bền vững để đáp ứng các tiêu chuẩn về hội nhập là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của các DN, việc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN theo từng ngành, địa phương sẽ góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh, giá trị thương hiệu cho các DN địa phương.
Trên thực tế, trong thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, được DN quan tâm như: hỗ trợ DN đổi mới máy móc, áp dụng khoa học - công nghệ, Chương trình OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), hỗ trợ DN đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, kết nối, hỗ trợ đưa sản phẩm địa phương lên các sàn thương mại điện tử, đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại góp phần đưa các thương hiệu hàng Việt, sản phẩm địa phương vươn xa…
Trong tiến trình hội nhập kinh tế, toàn cầu hóa, sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động xúc tiến thương mại cần có sự đổi mới căn bản, bước đi phù hợp hơn, tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức về xúc tiến thương mại, các địa phương nhằm hỗ trợ DN hiệu quả hơn, giúp phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong đó, sở sẽ chú trọng hoạt động kết nối giao thương trực tiếp với một số thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, từ năm 2008 đến nay, ngày 20-4 hàng năm được chọn là Ngày Thương hiệu Việt Nam. Năm nay, với việc triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền Tuần lễ Thương hiệu quốc gia chào mừng Ngày Thương hiệu Việt Nam. Hoạt động này nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam; tăng cường công tác tuyên truyền về phát triển thương hiệu quốc gia trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội trên địa bàn tỉnh…
Chương trình còn góp phần tăng cường trách nhiệm tổ chức thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt.