08/01/2025 lúc 12:49 (GMT+7)
Breaking News

Khai thác mỏ sắt Thạch Khê: Phải có đánh giá khoa học, khách quan, tổng thể

Vấn đề khai thác mỏ sắt Thạch Khê được người dân Hà Tĩnh cũng như cả nước rất quan tâm. Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc họp phản biện khoa học, nhiều phiên làm việc với các bộ, ngành trung ương để phân tích, đánh giá trước nhiều băn khoăn, quan ngại về tính khả thi, đặc biệt là vấn đề tác động đến môi trường, xã hội của dự án.
Nhân dân trong 6 xã vùng mỏ vui mừng đón dự án

Nỗi niềm người dân trong vùng mỏ sắt Thạch Khê

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến 6 xã với 5.928 hộ (số liệu tại thời điểm khởi công dự án năm 2009 - PV) của vùng mỏ mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến nhiều xã của huyện Thạch Hà, Lộc Hà và thành phố Hà Tĩnh. Sau hơn 11 năm tạm dừng bóc đất tầng phủ Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã, đang để lại nhiều hệ lụy về môi trường và phát triển KT-XH.

Ngày 25/7/2017, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) đã tổ chức hội thảo góp ý Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê - Hà Tĩnh. Hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học về 5 vấn đề chính là công nghệ khai thác; công nghệ chế biến; tác động môi trường; hiệu quả kinh tế; tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân địa phương.

Theo GS.TS Đặng Trung Thuận – nguyên Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam, qua hồ sơ dự án, có thể thấy rằng, hiệu quả kinh tế của khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa rõ, nhưng hậu quả môi trường và xã hội thì rất lớn với nhiều vấn đề bức xúc như: Vấn đề môi trường phát sinh do đổ thải, nước thải mỏ, tháo khô mỏ; nguy cơ nhiễm mặn và sa mạc hóa vùng đất ven biển Hà Tĩnh; vấn đề di dân, giải quyết việc làm và ổn định cuộc sống cho hàng ngàn người dân xung quanh khu vực khai thác mỏ.

GS.TS Đặng Trung Thuận cho rằng, nếu dừng hoạt động khai thác mỏ, nhà đầu tư sẽ chịu mất phần vốn đầu tư bỏ ra. Tuy nhiên, cái được là tránh tất cả các rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong suốt đời dự án 52 năm. Mặc dù nhà đầu tư phải chấp nhận mất một khoản vốn đầu tư lớn ban đầu (hơn 1.800 tỷ đồng - PV), nhưng không phải mất trắng. Khoản tiền đền bù di dân, xây dựng hạ tầng tuy lớn, nhưng có thế xem như là quà của nhà nước và doanh nghiệp cho cộng đồng cư dân nghèo khó của huyện Thạch Hà.

Theo các nhà khoa học, chuyên gia trên lĩnh vực mỏ địa chất, môi trường, kinh tế… khai thác mỏ ở độ sâu trên âm 500m, moong mỏ lại nằm gần bờ biển, việc xử lý, giảm thiểu sóng biển phải được tính toán rất kỹ. Việc đổ bãi thải lấn biển sẽ làm biến dạng bờ biển, thay đổi dòng hải lưu gần bờ. Cần phải đánh giá tác động khoa học đến hải dương học.

Người trong cuộc nói gì?!

Theo đánh giá của 2 chuyên gia: Ths Lưu Văn Thực - Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - TKV và PGS.TS Hồ Sỹ Giao - Hội Khoa học Công nghệ Mỏ Việt Nam: “Điều kiện địa chất thuỷ văn của mỏ sắt Thạch Khê rất phức tạp gây khó khăn cho quá trình hoạt động khai thác: Khi đáy mỏ xuống tới độ sâu -195m thì biên giới khai trường phía Đông Bắc cách mép nước biển 500m; Sông Thạch Đồng chảy qua phía Tây mỏ; các vùng đá vỡ vụn rộng lớn có hệ số thấm nước cao, vài tầng chứa nước và tổ hợp chứa nước có liên kết thuỷ lực với nhau. Đây là thông tin khá chính xác và khi khai thác sẽ xảy ra nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng. Mỏ có lưu lượng nước chảy vào lớn nhất ở Việt Nam, như là một dòng sông”.

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng – nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, khi khai thác sẽ tạo hồ thủy lợi sâu 500m. Đây là hố rất sâu chưa bao giờ có, kể cả biển hồ ở Gia Lai cũng chỉ 100m, vậy giải pháp sau khi khai thác thế nào? Việc suy thoái hệ thống nước ngầm như thế nào trong khi độ dày trầm tích chỉ có hơn 30m? Thạch Khê có hệ thống nước ngầm tầng mặt, nước ngầm khu vực Thạch Khê rất lớn, nếu nguồn nước xuống thấp sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt xung quanh. Vì vậy giải quyết vấn đề này trong quá trình khai thác mỏ ra sao?

Theo đánh giá của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam việc bóc đất đá về nơi đổ thải, vận chuyển quặng về kho chứa sẽ gây ra nhiều hệ lụy về môi trường; khi xuống độ sâu vào lòng mỏ và khi bãi thải cao dần sẽ làm cho việc vận chuyển ngày càng phức tạp, dễ xảy ra tai nạn, năng suất thấp.

Trên công trường mỏ sắt Thạch Khê

“Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”

Đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác có chuyến khảo sát thực trạng mỏ sắt Thạch Khê. Qua kiểm tra, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, hiện đang xuất hiện ý kiến trái chiều giữa lợi ích kinh tế từ dự án và quy hoạch phát triển du lịch, đời sống người dân địa phương. Do đó, cần phải có sự tính toán theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể để lựa chọn hướng đi phù hợp trong thời gian tới.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc quyết định dừng hay tiếp tục triển khai dự án phải có đánh giá khoa học, khách quan; có đánh giá tác động tổng thể từ kinh tế đến tính chất xã hội, đời sống người dân, môi trường và các vấn đề liên quan; việc đánh giá cũng phải mang tính dự báo dài hơi. Sau đánh giá, trường hợp có lợi thì tổ chức triển khai, nếu chưa có lợi thì dừng lại và tiếp tục nghiên cứu.

Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, việc này phải sớm có quyết sách đúng đắn để ổn định đời sống dân cư địa phương. Quyết sách này phải đảm bảo cơ sở khoa học và hợp lòng dân.

Sau 11 năm tạm dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do quá trình triển khai còn nhiều bất cập đã để lại nhiều hệ lụy cho địa phương cũng như doanh nghiệp. “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế” là quan điểm chỉ đạo nhất quán của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và mong mỏi của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Hà Tĩnh trong vấn đề khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Anh Bình - Bá Tân

...