Lào Cai là một tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, luôn được xem là “phên dậu” bảo vệ vững chắc biên giới phía Tây Bắc của Tổ Quốc.
Lào Cai ngày càng phát triển, hiện đại và văn minh.
Với gần 184 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. của đất nước. Trong suốt chiều dài lịch sử, để có được sự tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, cùng nhau xây dựng gìn giữ biên giới hòa bình, hữu nghị chúng ta đã phải trải qua bao gian nan vất vả. Dải biên cương Lào Cai hùng vĩ thấm máu cha ông nay được trao lại cho thế hệ chúng ta hôm nay. Giữ cho biên giới được bình yên, bảo đảm được chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, góp phần đột phá trong phát triển kinh tế là nhiệm vụ, mong ước, là khát khao, là niềm tin của đất nước vào những con người đang ngày đêm canh giữ, sinh sống trên mảnh đất này.
Với đặc điểm nhiều thuận lợi, như có Khu du lịch Sa Pa, Bắc Hà nổi tiếng, là nơi sinh sống của 25 dân tộc anh em với nhiều bản sắc văn hoá luôn hấp dẫn được du khách; có nhiều khoáng sản với nhiều tài nguyên quí, nhiều vùng khí hậu mát mẻ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đặc hữu; hệ thống giao thông liên vùng thuận lợi; có Cửa khẩu Quốc tế, đường sắt, đường bộ, đường thuỷ và trong tương lai sẽ có đường hàng không nên rất thuận lợi cho đi lại và giao thương kinh tế. Những điều kiện thuận lợi trên tạo tiền đề quan trọng để Lào Cai trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ và luyện kim và hóa chất hàng đầu cả nước, vùng trọng điểm về phát triển kinh tế đối ngoại, dịch vụ cửa khẩu. Tất cả các yếu tố này đã tạo ra những tiềm năng, lợi thế so sánh để Lào Cai thu hút nguồn lực đầu tư, trở thành vùng kinh tế động lực của khu vực Tây Bắc Việt Nam và có tác động lan tỏa ra các vùng lân cận.
Tận dụng những cơ hội trên những năm qua tỉnh đã và đang ban hành và thực hiện nhiều cơ chế chính sách phát triển kinh tế gắn với thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau phát triển, khẳng định là vị trí kinh tế, chính trị trọng yếu trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và trở thành cầu nối với thị trường Tây Nam (Trung Quốc) với các tỉnh, thành phố trong khu vực, trong cả nước, vùng du lịch Tây Bắc và quan hệ kinh tế đối ngoại với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Lào Cai thực hiện nhiều cơ chế chính sách phát triển kinh tế gắn với thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Bước vào giai đoạn mới, cùng những giải pháp đồng bộ, quyết sách sáng tạo và nguồn lực tập trung, Lào Cai sẽ tiếp tục phát huy tinh thần năng động, dám nghĩ, dám hành động. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai vừa qua là dấu mốc quan trọng mở ra chặng đường mới cho sự sự phát triển bền vững, cho những khát vọng đổi mới sáng tạo, quyết tâm xây dựng một chính quyền liêm chính, kiến tạo. Trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ qua do đồng chí Đặng Xuân Phong - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (nay là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Lào Cai) trình bày tại Đại hội nêu rõ: 5 năm qua Lào Cai đã tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã không ngừng nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện, cơ bản vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra; tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 10,08%, vượt mục tiêu Đại hội. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến chỉ đạt 6,31%, song vẫn thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vùng và cả nước; tính chung giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân đạt 9,08%. GRDP bình quân đầu người đạt 76,3 triệu đồng, đứng thứ 2 trong các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân tăng 6,07%/năm. Toàn tỉnh có 54/127 xã hoàn thành nông thôn mới, bằng 42,5% tổng số xã, vượt mục tiêu đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 36.180 tỷ đồng, vượt 8% mục tiêu, gấp 2 lần so với năm 2015, tăng trưởng bình quân 15,2%/năm. Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh; từng bước khẳng định là trung tâm luyện kim, hóa chất, phân bón của vùng và cả nước. Với sự phấn đấu, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, mặc dù có nhiều khó khăn như ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh song trong tổng số 25 mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XV của tỉnh Lào đề ra chúng ta đã vượt 12 mục tiêu, 11 mục tiêu đạt 100%, (2 mục tiêu không đạt là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế và tổng lượng khách du lịch đến địa bàn), đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Lào Cai ngày được nâng lên, bản sắc văn hóa được giữ gìn, phát huy. Lĩnh vực giáo dục, y tế, thể dục - thể thao đạt được nhiều thành tích nổi bật. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện đầy đủ. Quốc phòng, an ninh củng cố vững chắc. Quan hệ đối ngoại mở rộng.
Trong giai đoạn tới, tỉnh Lào Cai xác định huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững; khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh cho phát triển, trong đó công nghiệp là trụ cột quan trọng; thương mại - du lịch, dịch vụ là đột phá; nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới là trọng tâm. Mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ tới là phấn đấu xây dựng Lào Cai phát triển toàn diện trở thành trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc; đến năm 2025, Lào Cai tiếp tục là tỉnh phát triển của vùng trung du, miền núi phía Bắc; năm 2030, Lào Cai trở thành tỉnh khá của cả nước./.