15/01/2025 lúc 16:22 (GMT+7)
Breaking News

Khai thác giá trị đặc sắc của văn hóa, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Đó là yêu cầu của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại hội nghị triển khai chương trình phối hợp công tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) giai đoạn 2021 - 2026 vào ngày 9/9.

Đó là yêu cầu của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại hội nghị triển khai chương trình phối hợp công tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) giai đoạn 2021 - 2026 vào ngày 9/9.

Lễ ký kết chương trình phối hợp công tác giữa hai cơ quan. Ảnh: PV

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ VHTTDL cho biết, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của lĩnh vực văn hóa, những năm qua, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được đề cao và phát huy. Các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng đa dạng và có chất lượng.

Công tác xây dựng văn hóa cơ sở được quan tâm chú trọng. Công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa đạt được kết quả quan trọng. Hội nhập và hợp tác quốc tế văn hóa được đẩy mạnh, giúp quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới, hình thành nên sức mạnh mềm cho đất nước.

Ngành Thể thao thành tích cao có chuyển biến tích cực với nhiều huy chương tại các giải thể thao lớn của khu vực, châu lục và thế giới.

Ngành Du lịch đã cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với lượng khách quốc tế tăng mạnh. Trong giai đoạn 2016 - 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng từ 10 triệu lên 18 triệu lượt khách.

Ngành VHTTDL thực hiện có hiệu quả công tác triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt, Bộ VHTTDL đã xây dựng chương trình hành động nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 50 của Chính phủ. Trong đó tập trung hoàn thiện thể chế gia đình, VHTTDL ; xây dựng môi trường văn hóa, lối sống, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác VHTTDL vẫn còn một số tồn tại như: Thể chế chưa theo kịp và đáp ứng yêu cầu phát triển, việc xây dựng một số cơ chế, chính sách về VHTTDL còn chậm được điều chỉnh, bổ sung. Dịch vụ sản phẩm văn hóa, thể thao còn chậm phát triển và có chất lượng thấp; thiếu các thương hiệu văn hóa, thể thao ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Khoảng cách thụ hưởng văn hóa, thể thao giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Công tác kiểm soát chất lượng dịch vụ, quản lý môi trường du lịch cả về tự nhiên và xã hội tại một số địa phương chưa đảm bảo. Hiệu quả phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; năng lực cạnh tranh còn hạn chế, ẩn chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững.

Ảnh minh họa - Internet

Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Bộ VHTTDL đã làm được trong thời gian qua.  

Thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Bộ VHTTDL tập trung nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế gắn liền với việc gìn giữ và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ cần bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của cả nhiệm kỳ, đẩy mạnh việc triển khai chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa, nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Ngành  VHTTDL cần tập trung nghiên cứu các giải pháp cụ thể nhằm xử lý hài hòa giữa phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng và chuyên nghiệp; tăng cường hơn nữa công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Quan tâm đầu tư có trọng điểm, tạo sự đột phá về cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các thiết chế văn hóa, thể thao; nghiên cứu đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia tầm nhìn 2030, 2045 tương xứng với sự phát triển của đất nước.

Bộ cần tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế, du lịch. Ngoài ra, tiếp tục chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, những tài năng nghệ thuật của đất nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động, phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật, xây dựng các tác phẩm có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc…

Về cơ chế phối hợp giữa 2 cơ quan trong thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ đề nghị 2 bên tập trung phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trên nhiều mặt công tác, trong đó thực hiện có hiệu quả Quyết định số 238 của Ban Bí thư về việc ban hành “Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm”.

Đặc biệt, trước mắt Bộ cần phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc, dự kiến được tổ chức vào ngày 24/11/2021.