24/11/2024 lúc 04:08 (GMT+7)
Breaking News

Kéo dài thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài

VNHNO - Tại phiên họp thứ 28 diễn ra vào chiều 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử (TTĐT) cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

VNHNO - Tại phiên họp thứ 28 diễn ra vào chiều 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử (TTĐT) cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Lý giải về sự cần thiết xây dựng và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm cấp TTĐT cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết cho biết, cấp TTĐT cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là chính sách mới, thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính triệt để của Chính phủ, phù hợp chủ trương ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Sau gần 2 năm tổ chức thực hiện, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổng kết việc thí điểm triển khai chính sách này.

Trên cơ sở kết quả tổng kết, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm cấp TTĐT cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam vì: Thứ nhất, việc thực hiện thí điểm đã đạt được các yêu cầu mà Quốc hội đề ra, khẳng định việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2016/QH14 ngày 22/11/2016 của Quốc hội về thực hiện thí điểm cấp TTĐT cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là đúng đắn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước, phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của Đảng và Nhà nước.

Ảnh minh họa

Kết quả tổng kết cho thấy, về kinh tế-xã hội, chính sách cấp TTĐT đã góp phần tiếp tục thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch; về đối ngoại, nhiều cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam đánh giá cao chính sách cấp TTĐT của Việt Nam, góp phần tạo thuận lợi trong việc xây dựng các mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các quốc gia trong giai đoạn hội nhập; an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Thứ hai là cần tiếp tục thực hiện thí điểm để có cơ sở đánh giá toàn diện tác động của chính sách trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; khắc phục một số hạn chế, tồn tại đã được nêu trong Báo cáo tổng kết thực hiện thí điểm cấp TTĐT cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, như số lượng người nước ngoài nhập cảnh bằng TTĐT còn chưa nhiều, do công tác tuyên truyền chưa thực sự đạt hiệu quả, một số quốc gia có số lượt người nhập cảnh Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhưng chưa được áp dụng cấp TTĐT; có người nước ngoài có nhu cầu cấp TTĐT nhưng nhập cảnh qua cửa khẩu khác so với danh sách cửa khẩu cho phép. Do đó, việc ban hành Nghị quyết để tiếp tục thực hiện thí điểm cấp TTĐT cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là cần thiết, nhằm có thêm thời gian triển khai trong thực tế, đánh giá toàn diện, đầy đủ, từ đó hoàn thiện quy định về cấp TTĐT khi sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ ba, về góc độ đối ngoại, việc tiếp tục thực hiện thí điểm cấp TTĐT thể hiện quan điểm nhất quán chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế, nhất là phát triển du lịch; cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính...

Thứ tư, về góc độ kinh tế - xã hội, nếu không tiếp tục thực hiện cấp TTĐT sẽ gây lãng phí trong quản lý vì không tận dụng nguồn lực về CNTT, đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến các cơ quan, tổ chức đã đăng ký tài khoản để thực hiện thủ tục cấp TTĐT.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết có quy định tiếp tục thực hiện thí điểm cấp TTĐT trong thời hạn 3 năm kể từ ngày 1/2/2019 để có cơ sở tổng kết, đánh giá toàn diện chính sách này. Đồng thời, thời hạn trên cũng phù hợp để Chính phủ chỉ đạo xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10 theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) khẳng định, Thường trực UBQPAN thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đồng thời nhấn mạnh, qua gần 2 năm Chính phủ tích cực chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 30 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần tích cực vào công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của đất nước ta hiện nay.

Qua Báo cáo tổng kết, Chính phủ đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của quá trình thực hiện thí điểm cấp TTĐT cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và xác định cần phải tiếp tục kiểm nghiệm nhằm tổng kết, đánh giá một cách toàn diện hơn nữa tác động của chính sách này đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Để bảo đảm hoạt động cấp TTĐT cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam không bị gián đoạn cho đến khi Quốc hội có thể quyết định sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thì việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục thực hiện thí điểm cấp TTĐT cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là cần thiết.

Thường trực UBQPAN cũng cho rằng, hồ sơ dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình đã được chuẩn bị đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành VBQPPL.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, trình tự, thủ tục xây dựng dự thảo Nghị quyết và thời gian trình Quốc hội về dự thảo Nghị quyết chưa bảo đảm quy định của Luật Ban hành VBQPPL (khoản 2 Điều 64), nên cần nghiên cứu, cân nhắc để có điều kiện đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn.

Về thời gian thực hiện Nghị quyết (Điều 2), theo Báo cáo thẩm tra, vấn đề này có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định tại Điều 2 về thời gian tiếp tục thực hiện thí điểm là “3 năm”, vì cho rằng chính sách cấp TTĐT vẫn đang ở giai đoạn thí điểm nên cần có đủ thời gian kiểm nghiệm trên thực tế để tổng kết, đánh giá một cách toàn diện mới đưa vào luật. Loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc quy định tại Điều 2, vì năm 2016 Chính phủ trình Quốc hội quyết định thực hiện thí điểm trong “2 năm” đã được tính toán kỹ để có thời gian nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, nay Chính phủ đề nghị tiếp tục thí điểm thêm “3 năm”, dài hơn thời gian thí điểm theo Nghị quyết số 30 là chưa thuyết phục, do đó, đề nghị chỉ kéo dài việc thí điểm thêm 1 năm để sửa Luật.

Thường trực UBQPAN đề nghị, cùng với việc tiếp tục thực hiện thí điểm, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan hữu quan sớm tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để có thể báo cáo Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, cho phép sửa đổi Luật theo thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội nhằm bổ sung nội dung về cấp thị thực điện tử, sớm kết thúc việc thí điểm.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu tại phiên họp, kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, UBTVQH đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết số 30; những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết là tích cực, đã được Chính phủ tổng kết, đánh giá.

UBTVQH thống nhất đề nghị không ra Nghị quyết riêng, mà chỉ cho kéo dài thời gian thí điểm thực hiện Nghị quyết; thời gian kéo dài là 2 năm; nội dung thực hiện thí điểm vẫn theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ, nhất là các danh mục của Nghị quyết để bảo đảm cho Nghị quyết được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả./.

Theo Chinhphu.vn