Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết việc triển khai tiêm phòng vaccine cùng với các gói hỗ trợ lớn ở nhiều nước sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức kỷ lục trong năm nay sau một thời gian suy thoái do đại dịch COVID-19.
Ảnh minh họa
IMF cho biết cơ quan này kỳ vọng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt 6% trong năm nay, cao hơn mức 5,5% được dự báo hồi tháng 1. Đây sẽ là mức tăng trưởng nhanh nhất từng được IMF ghi nhận từ năm 1980. Cơ quan này cũng dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 sẽ giảm nhẹ xuống còn 4,4%.
Mức tăng trưởng nói trên cao hơn con số 5,5% được dự báo cách đây gần 3 tháng, cao hơn mức 5,1% đưa ra trong dự báo hồi cuối tháng 1/2021 và cao gần gấp đôi mức dự báo hồi tháng 10/2020. Việc IMF nâng dự báo tăng trưởng cho thấy triển vọng tươi sáng hơn của nền kinh tế toàn cầu.
Trước đó, một số tổ chức đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hồi tháng 3, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng 5,6% trong năm nay, cao hơn 1,4% so với dự báo được đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái. OECD nhận định "ưu tiên chính sách hàng đầu" hiện nay là các nước trên thế giới cần đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cũng như thúc đẩy phục hồi kinh tế. Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) dự báo kinh tế thế giới năm 2021 có thể tăng trưởng 4,7% nhờ sự phục hồi cao hơn dự báo tại Mỹ.
Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath cho rằng, mức độ phục hồi kinh tế sẽ không đồng đều ở các nước khác nhau.
Theo chuyên gia này, mức độ phục hồi sẽ chậm ở các nước phụ thuộc vào du lịch và các nước nghèo không có đủ ngân sách cho các gói kích thích kinh tế lớn. Ngoài ra, thiệt hại về kinh tế từ cuộc khủng hoảng y tế COVID-19 cũng đang làm đảo ngược các thành tựu về xóa nghèo.