09/11/2024 lúc 08:30 (GMT+7)
Breaking News

Huyện Yên Khánh (Ninh Bình) hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023

Sau 5 năm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới huyện Yên Khánh đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm giữ vững các tiêu chí, xây dựng nông thôn mới nâng cao, đến hết năm 2023 huyện đã đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, huyện đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Hội đồng thẩm định Trung ương xét, công nhận huyện chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông thôn, tăng thu nhập của người dân, đầu tư xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Yên Khánh đã tập trung, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Yên Khánh.

Ông Hoàng Văn Thắng - Bí thư Huyện ủy Yên Khánh.

Đến hết năm 2023 huyện đã có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó 67% (12/18 xã) xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong đó có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, giá trị sản xuất đạt 168 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2023 đạt 69,52 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,04%; huyện đã đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Tiêu chí số 01 về Quy hoạch: Các quy hoạch chi tiết khu chức năng dịch vụ hỗ trợ sản xuất gồm các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đều được UBND tỉnh phê duyệt. Trong quá trình triển khai lập đồ án quy hoạch, trên địa bàn huyện Yên Khánh đồng thời triển khai đầu tư các dự án trên cơ sở nghiên cứu đồng thời với quy hoạch vùng huyện để đảm bảo tiến độ xây dựng nông thôn mới và đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của huyện Yên Khánh.

Tiêu chí 02 về Giao thông: Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện được hình thành theo trục dọc, trục ngang xuyên suốt đảm bảo kết nối liên xã, liên vùng và giữa các vùng nguyên liệu tập trung, phù hợp với quá trình đô thị hóa. Mạng lưới đường bộ bao gồm quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường xã với tổng chiều dài 217,68km (không bao gồm đường thôn xóm). Trên địa bàn huyện có 15/15km (tỷ lệ 100%) đường huyện được đầu tư xây dựng với kết cấu mặt đường là bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng; có các hạng mục cần thiết về an toàn giao thông theo quy định (biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, lan can phòng hộ,…), được trồng cây xanh, được bảo trì hàng năm, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp. Bến xe khách tại trung tâm huyện (nếu có theo quy hoạch) đạt tiêu chuẩn loại III trở lên.

Tiêu chí 03 về Thủy lợi và phòng chống thiên tai: Các công trình thủy lợi do huyện quản lý được bảo trì và nâng cấp, đảm bảo tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu theo chuyển đổi số. Huyện thường xuyên kiểm kê, kiểm soát các vi phạm và nguồn nước thải xả vào công trình thủy lợi trên địa bàn. Đảm bảo yêu cầu chủ động về phòng, chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ.

Tiêu chí 04 về Điện: Trên địa bàn huyện Yên Khánh có tổng số 241,87km đường dây trung áp. Hệ thống điện hạ thế đã được đầu tư đồng bộ, điện áp ổn định, an toàn phục vụ 100% các hộ dân và các nhà máy, công ty trên địa bàn huyện. Trong năm 2023, ngành điện đã phối hợp UBND huyện Yên Khánh, UBND các xã, thị trấn chỉnh trang mỹ quan các khu trung tâm, xử lý đảm bảo an toàn hành lang lưới điện.

Tiêu chí 05 về Y tế - Văn hóa - Giáo dục: Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (áp dụng cho cả nam và nữ) đạt trên 95%. Các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc được kế thừa và phát huy hiệu quả; các di sản văn hóa trên địa bàn được kiểm kê, ghi danh, truyền dạy, xếp hạng, tu bổ, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị hiệu quả. Có 100% số trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt cấp độ 2.

Tiêu chí 06 về Kinh tế: Hiện tại, trên địa bàn huyện Yên Khánh có 02 khu công nghiệp, 02 Cụm công nghiệp đang hoạt động đã được xây dựng đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của huyện được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, được cấp mã vùng và có ứng dụng quy trình kỹ thuật tiến tiến. Có chợ đạt tiêu chuẩn chợ hạng 2, hoặc trung tâm thương mại đạt chuẩn theo quy định. Có Đề án/Kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn đối với sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP và được triển khai hiệu quả. Hình ảnh điểm du lịch của huyện được quảng bá thông qua ứng dụng Internet, mạng xã hội.

Tiêu chí 07 về Môi trường: Tỷ lệ CTR sinh hoạt; CTR không nguy hại; CTR nguy hại trên địa bàn huyện được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định. Tỷ lệ chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và sản phẩm thân thiện với môi trường ≥80%. Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại CTR tại nguồn ≥70%. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt trên địa bàn toàn huyện được thu gom, xử lý bằng các biện pháp, công trình phù hợp ≥50%. Đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn ≥4m2/người. Không có làng nghề ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện. Tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định ≥85%.

Tiêu chí 08 về Chất lượng môi trường sống: Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung ≥ 43%. Cấp nước sinh hoạt đạt chuẩn bình quân đầu người/ngày đêm ≥80 lít. Tỷ lệ công trình cấp nước tập trung có tổ chức quản lý, khai thác hoạt động bền vững ≥40%. Có mô hình xử lý nước mặt (ao, hồ) bảo đảm quy định về bảo vệ môi trường (≥ 01 mô hình). Cảnh quan, không gian trên địa bàn toàn huyện đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do huyện quản lý tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm đạt 100%. Tỷ lệ cán bộ làm công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản do huyện quản lý hàng năm được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đạt 100%. Huyện Yên Khánh có mô hình xã, thôn thông minh; không để xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của huyện.

Tiêu chí 09 về An ninh trật tự - hành chính công: Trong những năm qua, Huyện ủy Yên Khánh đều có Chỉ thị, UBND huyện có kế hoạch, Đảng ủy Công an huyện có Nghị quyết về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự và BCĐ Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ huyện có chương trình công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn cơ bản ổn định, không để xảy ra tình trạng bị động, bất ngờ, không làm phát sinh điểm nóng, phức tạp về an ninh, trật tự. Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện không có khiếu kiện đông người kéo dài, trái pháp luật, số vụ phạm tội về trật tự xã hội; tai nạn giao thông năm 2023 xảy ra giảm so với 2022, không có vụ cháy nổ nào. Năm 2023, Công an huyện đã đạt danh hiệu “Đơn vị tiên tiến”. Huyện đã triển khai 292 dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện, 113 dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã. Từ 01/2023 đến tháng 6/2023 tại UBND huyện và 19/19 xã, thị trấn đã tổ chức tiếp nhận và giải quyết 20983 hồ sơ trong đó tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hoàn toàn trên môi trường điện tử là 12103 hồ sơ đạt tỷ lệ 57,68%.

https://cdn.nbtv.vn/upload/news/6_2023/014_4445_00_01_48_07_still015_14553721062023.jpg

Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện được hình thành theo trục dọc, trục ngang xuyên suốt đảm bảo kết nối liên xã, liên vùng và giữa các vùng nguyên liệu tập trung, phù hợp với quá trình đô thị hóa.

Để đạt những kết quả trên là nhờ các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh và xuất phát từ thực tế triển khai thực hiện của địa phương, từ năm 2011 đến năm 2023 huyện Yên Khánh đã có các cơ chế chính, sách hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn như: Hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện quy hoạch chung cho các xã; hỗ trợ kinh phí cho các câu lạc bộ văn hóa truyền thống để duy trì và phát triển các loại hình nghệ thuật tại các thôn, xóm, phố trên địa bàn huyện, chỉnh trang cảnh quan các khu di tích lịch sử (50 triệu đồng/khu di tích); hỗ trợ xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP (20 triệu đồng/sản phẩm); hỗ trợ phân loại rác, tự xử lý rác thải tại hộ gia đình ở các thôn, xóm, phố (15 triệu đồng/thôn, xóm, phố); hỗ trợ mua xe thu gom rác đẩy tay tại các xã, thị trấn, thu gom bao thuốc BVTV,… (5 triệu đồng/thôn, xóm, phố); hỗ trợ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 300 triệu đồng/xã; hỗ trợ cho xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu 500 triệu đồng /xã; hỗ trợ cho thôn (xóm) đạt chuẩn thôn, xóm nông thôn mới kiểu mẫu 100 triệu đồng/thôn (xóm); hỗ trợ vườn mẫu các xã, thị trấn 5 triệu đồng/vườn; hỗ trợ thực hiện cơ giới hóa, phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ,...

Đối chiếu với quy định tại Khoản 2 Điều 4 Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình đã đảm bảo điều kiện công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có thể nói, phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao là một hành trình dài với quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân huyện Yên Khánh.

Trần Hiếu - Thanh Nhàn