VNHN - Sáng 06/7/2019, Huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định tổ chức Lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện đạt chuẩn Nông thôn mới” năm 2018; tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Thượng tướng Bùi Văn Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Nam Định.
Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Vụ Bản vinh dự đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy, UBND huyện Vụ Bản đã tập trung thực hiện công tác quy hoạch, quản lý theo quy hoạch; huy động các nguồn lực đầu tư xây mới, nâng cấp hệ thống các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh; thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... Giai đoạn 2010-2019, tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới của huyện là 2.392,5 tỷ đồng, gồm ngân sách các cấp (Trung ương, tỉnh; huyện, xã), vốn lồng ghép, vốn doanh nghiệp, vốn tín dụng, vốn nhân dân đóng góp. Từ các nguồn lực huy động, huyện đã cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới 642,9km đường giao thông nông thôn; cải tạo, nâng cấp 60 cầu, cống dân sinh; xây mới, nâng cấp, sửa chữa 360 phòng học, phòng chức năng của các bậc học từ mầm non đến trung học cơ sở.
Nhiều tiêu chí hạ tầng quan trọng khác như điện, thông tin liên lạc... được huyện đầu tư kiện toàn, đồng bộ, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Phong trào xây dựng nông thôn mới nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các tầng lớp nhân dân trong huyện với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như: góp đất, hiến đất, đóng góp ngày công cho việc mở rộng, nâng cấp các công trình hạ tầng; thực hiện dồn điền đổi thửa; thành lập, duy trì các mô hình nhân dân tự quản trong bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự; giám sát đầu tư cộng đồng..
Kết quả xây dựng nông thôn mới đã tạo nên diện mạo nông thôn huyện Vụ Bản khang trang, sạch đẹp; hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ hơn; người dân có thêm sinh kế, việc làm mới. Năm 2018 mức thu nhập bình quân đầu người đạt 43,94 triệu đồng (tăng 28,5 triệu đồng/người so với năm 2010); giảm tỷ lệ hộ nghèo không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội xuống còn 0,98%... Với sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, năm 2017 100% số xã, thị trấn trong huyện đã thực hiện đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Ngày 27-2-2019, huyện Vụ Bản được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện đạt chuẩn Nông thôn mới” năm 2018.
Giai đoạn 2021-2025, huyện Vụ Bản đặt mục tiêu có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 80 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,3%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 100%... Để thực hiện mục tiêu đề ra huyện không ngừng củng cố, đảm bảo tính bền vững và nâng cao chất lượng toàn diện các tiêu chí nông thôn mới cấp xã và cấp huyện. Hình thành các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, các miền quê đáng sống. Thực hiện đồng bộ, thực chất các nội dung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn các bộ, ngành Trung ương đã quan tâm, giúp đỡ huyện Vụ Bản nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và mong rằng, thời gian tới tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao.
Với phương châm, xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu huyện Vụ Bản cần đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của toàn dân, hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; xây dựng nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, giá trị trên 1ha đất canh tác. Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; quy hoạch khu, cụm công nghiệp để tạo việc làm và thu nhập cho nhân dân; huy động mọi nguồn lực đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội./.