VNHN- Thọ Xuân là huyện có địa bàn rộng, có Cảng hàng không Thọ Xuân, có di tích lịch sử, văn hóa Lam Kinh thu hút đông du khách đến tham quan, có nhiều công ty và người nước ngoài đến đầu tư sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các nhà đầu tư, người lao động đến từ Trung Quốc. Đó là đặc điểm khác biệt nên ban lãnh đạo huyện Thọ Xuân phải tập trung cao độ trong công tác phòng, chống dịch Covid 19.
Kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện đa khoa huyện Thọ Xuân
Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ; Công điện, Chỉ thị và Kế hoạch của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phòng, chống dịch Covid 19, UBND huyện Thọ Xuân đã triển khai ngay việc ban hành Công văn, ra Quyết định và xây dựng các Kế hoạch, trong đó xác định rõ nhiệm vụ đầu tiên, cấp bách của các cấp, các ngành, các đơn vị trên địa bàn huyện là phải liên tục cập nhật thông tin, chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm bắt kịp thời tình hình trong nhân dân, tình hình người lao động nước ngoài tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp là người Trung Quốc. Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng Kế hoạch, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu.
Gấp rút thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện gồm 28 người do đồng chí chủ tịch huyện làm trưởng ban; bố trí phòng trực ban và trang bị đầy đủ bàn, ghế, vật tư y tế, hóa chất và khẩu trang để phục vụ công tác phòng chống dịch; mở nhật kí theo dõi tình hình dịch và cập nhật các hoạt động của Ban chỉ đạo cấp huyện. Tổ chức tập huấn kiến thức phòng, chống dịch cho thành viên Ban chỉ đạo huyện, Ban giám hiệu các trường, cán bộ Trung tâm Y tế, Trạm Y tế. Trên cơ sở đó, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế tập huấn cho cán bộ lãnh đạo, nhân viên phụ trách các đơn vị trên địa bàn, đồng thời cấp hóa chất Chloramin B cho các xã, thị trấn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền lưu động trên tất cả các xã, thị trấn, thôn, khu phố, nhất là các đơn vị xa trung tâm; thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh đưa lên cổng thông tin điện tử từ xã đến huyện; kiểm soát chặt chẽ thông tin trên các mạng xã hội, kịp thời phát hiện và xử lí các thông tin không đúng sự thật gây hoang mang trong dư luận.
Kiểm tra thân nhiệt tại cảng hàng không Thọ Xuân
Chỉ đạo tất cả các phòng (Phòng Y tế, Phòng GD&ĐT, Phòng LĐ – TB và XH, Phòng VHTT, Phòng kinh tế hạ tầng...) khẩn trương vào cuộc xây dựng phương án ứng phó kịp thời chống dịch Covid 19. Theo đó, các đơn vị Y tế tiến hành xây dựng phương án theo từng cấp độ, phù hợp với tình hình thực tế. Bệnh viện đa khoa huyện có nhiệm vụ chuẩn bị đẩy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo điều trị khi có bệnh nhân nghi nhiễm dịch bệnh. Giao Trung tâm Y tế dự phòng huyện thành lập Tổ cơ động giải quyết các tình huống có thể xảy ra nhằm đảm bảo an toàn, đúng quy định, không làm phức tạp thêm tình hình. Các đơn vị y tế chủ động phối hợp với các đơn vị trên địa bàn như Cảng hàng không Thọ Xuân, Ban quản lý di tích Lam Kinh làm tốt công tác phòng, chống dịch. Phòng GD&ĐT huyện có nhiệm vụ triển khai đến các trường cho học sinh nghỉ học theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, đồng thời hướng dẫn cán bộ, giáo viên, nhân viên và đặc biệt là hướng dẫn các em học sinh nhận thức rõ tính phức tạp của dịch bệnh và có trách nhiệm tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cho cộng đồng. Phòng LĐ-TB&XH và Phòng kinh tế hạ tầng có trách nhiệm làm việc với các doanh nghiệp, các xã, thị trấn có người nước ngoài để nắm tình hình và phối hợp theo dõi, phòng chống dịch. Yêu cầu những người nước ngoài hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, báo cáo chính xác, kịp thời khi có hiện tượng nghi nhiễm, không che giấu dịch bệnh; tổ chức phun tiêu độc, khử trùng tại những nơi tập trung đông người như trường học, chợ, khu di tích, khu dân cư, công ty; kiểm soát và niêm yết giá bán vật tư y tế (khẩu trang, dung dịch rửa tay sát khuẩn) tại 130 cửa hàng kinh doanh thuốc, vật tư y tế trên toàn huyện.
Phun thuốc khử trùng tại nơi tập trung đông người
Để ứng phó với dịch một cách kịp thời, hiệu quả cần phải trang bị vật tư y tế đấy đủ. Huyện đã chỉ đạo các đơn vị y tế căn cứ tình hình thực tế chủ động trang bị vật tư, hóa chất, thiết bị, đồng thời trích từ nguồn kinh phí dự phòng của huyện 271.380.000 đồng để hỗ trợ các đơn vị vật tư y tế cần thiết phục vụ chống dịch. Tại trung tâm y tế huyện đang dự trữ 5000 viên Chloramin B, 580 kg bột Chloramin B, 4 máy phun hóa chất bằng động cơ, 50 bộ quần áo chống dịch, 20 lít nước rửa tay diệt khuẩn, 50 đôi găng tay, 300 chiếc khẩu trang. Tại Bệnh viện đa khoa huyện, riêng Khoa Lây đã chuẩn bị 10 phòng, đủ cho từ 20 - 30 bệnh nhân điều trị; 02 máy oxy, 30 bộ bảo hộ, 80 kg bột Chloramin B, 800 khẩu trang y tế, 10 khẩu trang N95/N96.
Hằng ngày, trước 15h30, các thành viên Ban chỉ đạo huyện, Ban chỉ đạo các xã, thị trấn báo cáo tình hình thực hiện với Ban chỉ đạo huyện (qua Phòng Y tế huyện); Phòng Y tế huyện tổng hợp tình hình và báo cáo Thường vụ Huyện ủy, HĐND, UBND và Trưởng Ban chỉ đạo về diễn biến dịch bệnh trước 16h00 hằng ngày.
Nhờ chủ động công tác phòng chống dịch, coi tính mạng con người là trên hết, cho nên kết quả đạt được là 100% (tức 30/30) xã, thị trấn đã tiến hành tiêu độc khử trùng tại công sở, trạm y tế, chợ, khu di tích. 125/125 trường học đã triển khai phun hóa chất. Tính đến thời điểm hiện tại (đầu tháng 3/2020) trên địa bàn huyện chưa phát hiện trường hợp nào ghi nhận nhiễm Covid 19.
Trao đổi với PV về công tác phòng chống dịch, đồng chí Lê Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: “Chúng tôi luôn bám sát tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là phải coi việc “chống dịch” như “chống giặc”. Mặc dù trên địa bàn huyện chưa có trường hợp nào nghi nhiễm Covid 19, nhưng chúng tôi vẫn chỉ đạo các Ban, ngành, các địa phương phải luôn đề cao tinh thần chống dịch, luôn cập nhật thông tin chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh và các khuyến cáo Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch, vì chúng tôi nhận thức rằng không có gì quý hơn tính mạng con người”./.